Thời hoàng kim của Hà Lan kéo dài 150 năm (1600 - 1750), và những hiện vật trong các bảo tàng trên khắp Amsterdam đang khiến người ta phải chú ý tới những đặc điểm của sự thịnh vượng và vĩ đại ở kỉ nguyên này. Đáng ngạc nhiên là những điều đó có thể áp dụng được trong thời đại ngày nay.
“Những yếu tố chủ chốt trong thời hoàng kim chắc chắn là sự sáng tạo, tinh thần doanh nhân dám nghĩ dám làm và một tầm nhìn quốc tế”, Lidewig Koekkoek, tổng giám đốc của bảo tàng Rembrandtshuis ở Amsterdam, nói.
“Trước giờ người Hà Lan vẫn luôn hướng ra thế giới bên ngoài”, ông đề cập tới sự giao thương toàn cầu mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia nhỏ bé này. Tình trạng nhập cư trong suốt thời kì này đã mang lại sự thay đổi vật chất. “Đó là khi những kênh đào và cơ sở hạ tầng được đưa vào hoạt động”, Kokkoek nhắc lại. Cơ sở hạ tầng và thành tựu kĩ thuật của Amsterdam thời đó rất nổi tiếng. Nga hoàng Peter I từng viếng thăm thành phố này lần đầu tiên vào năm 1698 và 20 năm sau đã trở lại thêm một lần nữa, rồi cho xây dựng thủ đô mới của đất nước mình là St Petersburg cũng mang những nét giống như vậy.
Trên mỗi vách tường đều có một bức tranh
Với sự giao thương toàn cầu và giàu có vượt bậc, đã xuất hiện một nhu cầu không chỉ dành cho hàng tiêu dùng mà còn ở lĩnh vực nghệ thuật. “Ngay cả những người ở tầng lớp thấp cũng sở hữu tranh. Tuy nhiên, nghệ thuật không mang tính tôn giáo, do Hà Lan đã dành được độc lập từ Tây Ban Nha và sự ảnh hưởng Thiên chúa giáo La Mã cũng dần yếu đi”, Koekkoed cho biết.
Trong bầu không khí đó, Rembrandt van Rijn cùng 2 học trò là Govert Flinck, Ferdinand Bols xuất hiện và xưởng vẽ của họ đã sản sinh ra những bức tranh và tác phẩm theo đơn đặt hàng từ tầng lớp trung lưu bắt đầu đông đúc và giàu có, cũng như từ giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị, mà điển hình là bức “The Night Watch” được vẽ năm 1642 dưới sự đặt hàng từ các sĩ quan quân đội. Khách hàng đến từ khắp thế giới – bảo tàng Hermitage ở St Petersburg hiện sở hữu bộ sưu tập các bức tranh của Rembrandt lớn nhất bên ngoài đất nước Hà Lan. Và ở Amsterdam cũng có một bảo tàng tên là Hermitage.
Bản thân Rembrandt cũng là một nhà sưu tập – ông yêu thích những bức tranh của Michelangelo và dành rất nhiều tiền cho các đồ vật sưu tập đến nỗi buộc phải tuyên bố phá sản vào năm 1656. Ngôi nhà và bộ sưu tập của ông bị mang ra đấu giá để trả nợ. “Đó là vụ phá sản và đấu giá mà cho chúng ta biết được trong nhà ông có gì”, Judikje Kiers, giám đốc bảo tàng Amsterdam, nơi lưu lại lịch sử của thành phố này, tâm sự.
Dù tình trạng nhập cư đã tạo ra một xã hội mà trong đó sống và làm việc cùng với những hạng người khác nhau là điều bình thường, nhưng thời hoàng kim cũng có mặt tiêu cực của nó: đó là nạn buôn bán nô lệ. Các đồn điền ở những thuộc địa của Hà Lan là cơ sở để tạo ra nhiều của cải. Và điều tiêu cực này đã không bị bỏ qua trong những bảo tàng ngày nay. “Chúng ta dễ bị mắc một sai lầm là chỉ nhìn vào thời hoàng kim từ quan điểm của tầng lớp thượng lưu. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi điều đó bằng chương trình ‘Tường thuật mới’ của mình. Mỗi tuần chúng tôi giới thiệu một diễn giả khách mời. Họ sẽ kể những câu chuyện về giai đoạn đó theo góc nhìn của tuổi tác, giới tính hoặc nghề nghiệp”.
Chiến tranh như là cỗ máy kinh tế
Benjamin Roberts, một nhà văn, nhà báo, chuyên gia viết lời quảng cáo, sử gia đang sống ở Amsterdam, và cũng là tác giả của cuốn “Sex, Drugs and Rock & Roll in the Golden Age”, tin rằng thời hoàng kim đã bắt đầu suy yếu khi cuộc chiến giành độc lập từ Tây Ban Nha kết thúc vào khoảng năm 1650, vì một phương tiện kiếm ra của cải quan trọng – mua bán vũ khí – không còn nhộn nhịp ở thời bình, và tinh thần doanh nhân cũng giảm bớt một phần nào đó.
“Trong những cuộc khủng hoảng, mọi người cần tiền, họ thấy cơ hội để kiếm được tiền, họ bắt đầu kinh doanh. Sau chiến tranh, những người mà đã kiếm được tiền bắt đầu đầu tư nó vào nghệ thuật, những đồ vật sưu tầm, hoặc cơ hội kinh doanh thay vì là tiêu xài nó”, Roberts cho biết.
Ở một góc độ lớn hơn liên quan đến con người, độc lập từ Tây Ban Nha nghĩa là Hà Lan không còn chịu sự cai trị của Tây Ban Nha nữa – một sự chấm dứt của chủ nghĩa thuộc địa, một sự tách khỏi học thuyết Giáo hội Công giáo. Điều này nghĩa là quốc giáo đã kết thúc, Tân giáo Hà Lan và sự khoan dung tôn giáo ra đời. “Chính quyền đô thị Amsterdam bảo đảm rằng mọi người có thể theo đuổi tôn giáo của mình, Tân giáo Hà Lan không phải là quốc giáo. Nó cũng sinh ra một dạng chủ nghĩa tự do mới, trong đó mọi người nhận thấy rằng họ phải chăm sóc chính mình vì nhà nước sẽ không làm hoặc không thể làm điều đó. Trách nhiệm của nhà nước được giao cho các chính quyền đô thị và Amsterdam trở thành cỗ máy kinh tế của Hà Lan. Nó hoạt động như là một thành phố tự trị”.
Giám đốc bảo tàng Amsterdam Kiers nói rằng di sản bao dung, tự do suy nghĩ và sẵn lòng thu nạp này hiện vẫn có thể trông thấy ở những gì mà ngày nay được xem là một thời hoàng kim khác của Hà Lan. “Bạn vẫn có thể cảm nhận thấy những giá trị này xung quanh chúng tôi ngày nay: tinh thần doanh nhân, sự sáng tạo và bao dung”, bà khẳng định.
Hiện cũng có một sự thôi thúc mạnh mẽ để cùng làm việc nhằm giải quyết những vấn đề thông thường, như ngập lụt, chẳng hạn, vì Amsterdam thấp hơn mực nước biển và dựa vào một hệ thống kênh rạch phức tạp để ngăn chặn sự ảnh hưởng của biển. “Khi có lũ lụt, mọi người đều bị ướt. Điều này thêm vào một cảm giác bình đẳng và nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau hợp tác”, Roberts chỉ ra. Chủ nghĩa tự do mới nhấn mạnh đến doanh nghiệp tư nhân và lợi ích cộng đồng.
Roberts tin rằng chúng ta có thể áp dụng những bài học của thời hoàng kim hồi thế kỷ 17 vào thế giới chính quyền đô thị ngày nay như New York, London, Paris hay Berlin. “Tất cả những thủ phủ lớn đều được kết nối, họ chia sẻ những vấn đề và phong cách sống tương tự, nhưng những ai KHÔNG nằm trong các thủ phủ lại đang bị ‘gạt ra rìa’”, ông phát biểu.
Bằng chứng của “lời tiên tri” đó hiện đã rõ. Câu hỏi là liệu các nhà lãnh đạo thế giới ngày nay có có được sự cởi mở, sáng tạo và lòng trắc ẩn để tìm ra những giải pháp hay không?