Tại phiên họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 mới đây, The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ, Ltd (MUFG), cổ đông sở hữu gần 20% vốn của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG), đề xuất nhà băng này cần công bố sớm các tờ trình và tài liệu trước đại hội.
MUFG kiến nghị như vậy do các văn bản chính thức của phiên họp chỉ được VietinBank công bố ít giờ trước khi cuộc họp diễn ra. Trong số tài liệu "giờ chót" này có việc bổ sung tờ trình quan trọng liên quan đến phương án phân phối lợi nhuận 2018 - yếu tố quyết định việc tăng vốn của ngân hàng. Cụ thể là ngân hàng trình cổ đông thông qua 2 phương án phân phối lợi nhuận: chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 tỷ lệ 8,03% hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ cho việc tăng vốn cổ phần.
Cổ đông chỉ được biết trước một số nội dụng họp. Ảnh: Lê Hải.
Sự việc này không phải lần đầu diễn ra tại VietinBank. Những năm trước, ngân hàng cũng công bố các tài liệu chính thức sát ngày họp. 2 năm gần đây, tờ trình liên quan đến chia cổ tức, phân phối lợi nhuận đều đưa ra 2 phương án (tiền mặt hoặc cổ phiếu).
Lý giải vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết các chỉ tiêu kế hoạch và phương án phân phối lợi nhuận của ngân hàng đều phải trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính thẩm định rất kỹ trước khi có quyết định chính thức. Do đó, ông mong các cổ đông thông cảm.
2 năm qua, ngân hàng luôn mong muốn tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, việc này bị Bộ Tài chính và NHNN khước từ do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước.
Nhiều năm cổ đông BIDV trông đợi phương án chia cổ tức. Ảnh minh hoạ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID) cũng thường xuyên để trống các phần cụ thể trong tờ trình phân phối lợi nhuận, chờ chỉ thị của NHNN. Tại phiên họp thường niên vừa qua, việc chi trả cổ tức được BIDV đề cập trong tờ trình là “thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Trong kỳ họp ĐHCĐ năm 2017, phương án phân phối lợi nhuận của BIDV chỉ được quyết định vào phút chót, sau khi Bộ Tài chính yêu cầu ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%. Năm 2018, quyết định này được đưa ra sớm hơn và BIDV công bố đưa vào tờ trình phương án tương tự.
Ngoài vấn đền cổ tức, năm 2019, BIDV tạo bất ngờ khác cho cổ đông với việc thay đổi chỉ tiêu lợi nhuận. Tài liệu họp ĐHCĐ thường niên chính thức của nhà băng này đặt kế hoạch lãi trước thuế 10.300 tỷ đồng, giảm so với mức 10.500 tỷ đồng công bố trong dự thảo trước 1 tuần.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của BIDV, cho biết ngân hàng sẽ tăng trích lập dự phòng 200 tỷ đồng, dẫn đến điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Khoản trích lập dự phòng hợp nhất năm nay dự kiến là 20.200 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - HoSE: VCB), được biết đến là khá chuẩn chỉnh trong việc công bố thông tin đại hội, năm nay cũng khiến cổ đông bất ngờ với 2 nội dung được thêm/điều chỉnh ngay trước phiên họp - giảm lợi nhuận và phương án tăng vốn.
Tờ trình tăng vốn được bổ sung ngay trước phiên họp của Vietcombank. Ảnh: Thủy Tiên.
Trong tài liệu chính thức, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 20.000 tỷ đồng, giảm so với mức 20.500 tỷ đồng trong dự thảo công bố. Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay việc giảm chỉ tiêu là do ngân hàng thực hiện theo yêu cầu của NHNN chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, xem xét giảm lãi suất với khách hàng dùng toàn diện dịch vụ. Ông Thành cũng cam kết chắc chắn lợi nhuận sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.
Với phương án tăng vốn, Vietcombank trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu từ thăng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại tích lũy với tỷ lệ 40% trong giai đoạn 2019-2020. Phương án này có thể sẽ được thực hiện trong năm nay. Sau đó, ngân hàng dự kiến chào bán công chúng hoặc riêng lẻ với tỷ lệ 6,5%. Nếu thành công, vốn điều lệ sau 2 đợt phát hành sẽ tăng từ 37.889 tỷ đồng lên 55.299 tỷ đồng.
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các doanh nghiệp và ngân hàng họp ĐHCĐ thường niên cần gửi thư mời, công bố tài liệu họp ít nhất 10 ngày làm việc trước khi họp chính thức. Đối với trường hợp bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, doanh nghiệp, ngân hàng cần cung cấp thông tin ứng viên trước 7 ngày. Sau khi kết thúc cuộc họp, các đơn vị cần công bố nghị quyết và biên bản ĐHCĐ trong vòng 24 tiếng từ ngày từ thời điểm tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh các ngân hàng có vốn Nhà nước, một số ngân hàng cổ phần cũng có những "điều bất ngờ" trong việc công bố các tài liệu trước giờ họp.
Chẳng hạn, tài liệu công bố trên website của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - HoSE: MBB) thiếu một số điểm chi tiết được đề cập trong dự thảo nghị quyết phát cho cổ đông như ủy quyền cho HĐQT một số thẩm quyền thuộc ĐHCĐ và các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngân hàng. Những vấn đề này là xin cổ đông thông qua việc tìm kiếm triển khai cơ hội M&A phù hợp, đầu tư mua bán tài sản theo yêu cầu hoạt động từ 20% đến tối đa 30% vốn điều lệ, thành lập ngân hàng tại Lào và Campuchia, trên cơ sở MB sở hữu 100% vốn hoặc liên doanh.
MB cũng xin chuyển trụ sở từ Cát Linh về số 63 Lê Văn Lương, Cầu Giấy sau khi dự án hoàn thành xây dựng. Đồng thời, HĐQT trình thông qua việc mua lại cổ phần không vượt quá 10% vốn điều lệ và ủy quyền cho ban lãnh đạo quyết định phương án thực hiện chi tiết. Phần tài liệu này của ngân hàng được chuyển cho cổ đông trước giờ họp.
Phiên họp ĐHCĐ MBBank diễn ra hôm 27/4. Ảnh: Lê Hải.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) năm nay cũng có sự thay đổi tờ trình tại đại hội thường niên, với việc bỏ tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 do chưa được NHNN cho phép.
Theo tài liệu trước đại hội, ABBank dự kiến bầu bổ sung một thành viên HĐQT. Cụ thể, cổ đông lớn Maybank đã đề cử ông Jason Lim Tsu Yang, hiện là Trưởng Ban Phát triển kinh doanh và Chiến lược của Tập đoàn May Bank, vào vị trí Thành viên HĐQT ABBank thay cho bà Lim Siew Ming.