Bí thư Chi bộ xóm Nà Xả Lục Thị Viễn giới thiệu đường bê tông xóm.
Bí thư chi bộ năng động
Gặp Bí thư Chi bộ xóm Nà Xả, xã Đào Ngạn (Hà Quảng) Lục Thị Viễn, cảm nhận của chúng tôi về chị là người phụ nữ nhanh nhẹn, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đối diện với những khó khăn. Luôn năng nổ tham gia các phong trào hoạt động công tác ở địa phương, năm 2000, chị được chi bộ xóm kết nạp Đảng và giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã. Từ năm 2006 đến nay chị được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Nà Xả.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, chị Viễn từng bước lãnh đạo, xây dựng Chi bộ xóm trở thành chi bộ trong sạch vững mạnh 11 năm liên tục. Trước đây, địa phương còn nhiều khó khăn, chị cùng cấp ủy xác định phải tập trung phát triển kinh tế dựa vào điều kiện thực tế địa phương. Chị Viễn cùng với Chi bộ xóm tập trung tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng hệ số sử dụng đất trên cơ sở phát huy và khai thác lợi thế của địa phương. Đến nay xóm đã hình thành được mô hình sản xuất 3 vụ: Sản xuất cây thuốc lá chất lượng cao + thâm canh lúa mùa + cây rau màu vụ đông. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên mỗi ha tăng từ 1,3 - 1,5 lần so với trước.
Thời gian trước, khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), 50 hộ dân trong xóm vẫn còn có tư tưởng băn khoăn do đời sống còn nhiều khó khăn, kinh phí hỗ trợ thực hiện quá ít so với nhu cầu… Qua nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân, chị Viễn tổ chức hội nghị Chi bộ xóm với sự tham gia của đại diện các tổ chức hội, đoàn thể để bàn kế hoạch, ra nghị quyết lãnh đạo, tổ chức thực hiện XDNTM theo chủ trương của tỉnh, của huyện, của xã. Với những trường hợp còn chưa “thông”, chị Viễn có “sáng kiến” tổ chức đối thoại, mời những đảng viên, các bậc cao niên trong xóm là những người có uy tín, gương mẫu, được mọi người nể trọng, đồng thời am hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đến tham gia phân tích, giải thích, thuyết phục họ làm theo. Bằng những biện pháp tích cực, hiệu quả, chị Viễn cùng Chi bộ xóm đã tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương XDNTM. Từ đó, lên phương án triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, tuyến đường liên xã qua xóm, tuyến mương của xóm... đều được xây dựng bảo đảm kế hoạch về thời gian với sự đồng tình, hưởng ứng và ủng hộ ngày công, hiến đất của nhân dân xóm. Ngay đầu năm 2017, nhân dân trong xóm tự nguyện đóng góp 300 nghìn đồng/hộ, chủ động hiến đất để làm đường nên tiến độ xây dựng tuyến đường bê tông vào xóm dài 2,1 km đã hoàn thành.
Ông Phương Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đào Ngạn cho biết: Song song với việc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng của xóm, đồng chí Viễn và Chi bộ xóm đặc biệt chú trọng tới công tác xây dựng Chi bộ vững mạnh. Theo đó, đã tập trung bồi dưỡng, rèn luyện một số đảng viên trẻ và giới thiệu tham gia cấp ủy, làm trưởng xóm thay thế các đảng viên cao tuổi. Nhờ đó đã tăng thêm sức mạnh trong việc giải quyết các công việc của xóm. Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Bí thư Chi bộ xóm Nà Xả Lục Thị Viễn hằng năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chi bộ xóm được Huyện ủy tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác.
Cựu chiến binh "hai giỏi"
Cựu chiến binh (CCB) Nông Thị Yến, Hội CCB Khối dân chính Đảng huyện Thạch An được nhiều người gọi là nữ CCB “hai giỏi” bởi lẽ vừa hoàn thành nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vừa chăm lo gia đình và làm kinh tế giỏi.
Cựu chiến binh Nông Thị Yến tại xưởng sản xuất gạch của gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An), khi vừa tròn 19 tuổi, chị Yến tham gia lực lượng Bộ đội đóng quân tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạch An. Năm 1988, chị chuyển công tác sang Văn phòng Huyện ủy Thạch An. Từ năm 2011 đến nay, chị đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch An. Dù ở cương vị nào chị Yến không ngại khó, ngại khổ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ đi trước và không ngừng tự trau dồi kiến thức, nắm tình hình tư tưởng của hội viên phụ nữ. Qua đó tuyên truyền, vận động đông đảo chị em tham gia vào các hoạt động do Hội phát động và tổ chức hiệu quả.
Không chỉ giỏi “việc nước”, trong gia đình chị Yến còn “đảm việc nhà”. Chị cùng gia đình tích cực tham gia phát triển mô hình kinh tế tổng hợp: Chăn nuôi kết hợp mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi gia súc và sản xuất gạch không nung…, trừ các chi phí thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị luôn dành thời gian dạy bảo, chăm sóc các con, gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc.
Nhà nông trẻ xuất sắc
Đó chính là chị Nông Thị Hồng, xóm Bản Giàng, xã Đa Thông (Thông Nông). Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, quanh năm chỉ làm nông nghiệp. Gia đình thuộc diện khó khăn, chồng chị trong một lần tai nạn đã mất đi bàn tay trái, chị là trụ cột chính nuôi mẹ già và hai con nhỏ.
Chị Nông Thị Hồng (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại Hội nghị tổng kết phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của tỉnh.
Không cam chịu đói nghèo, chị tập trung phát triển chăn nuôi. Năm 2000, gia đình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua lợn giống về nuôi, đầu tư nuôi 5 - 8 thùng ong mật. Đến năm 2011, chị Hồng tham gia Câu lạc bộ nuôi ong huyện Thông Nông, được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc đàn ong, hỗ trợ đàn ong giống. Sau đó, chị nhân rộng nuôi thêm nhiều đàn đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện, gia đình chị Hồng mỗi năm nuôi 70 đàn ong mật, thu được trên 200 lít mật. Chị nhân giống ong để bán cho bà con trong vùng, mỗi năm bán 50 đàn trở lên. Gia đình chị còn đi đầu trong trồng cây thuốc lá và đào ao cá rộng 1.200 m2.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Hồng luôn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong xóm, tạo việc làm cho hơn 15 lao động để tăng thu nhập; giúp những hộ nghèo trong xóm bằng cách cho mỗi hộ từ 1 - 2 tổ ong giống... Từ năm 2011 đến nay, chị đã giúp đỡ được hơn 10 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, chị Hồng luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2003 đến nay, hằng năm gia đình được công nhận sản xuất giỏi; tháng 11/2012, chị Hồng được tham dự Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ nhất và là một trong 18 gương mặt nữ trong 300 “Nhà nông trẻ xuất sắc” của cả nước được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của; năm 2016, chị Hồng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Những “bông hoa” trong hàng nghìn bông hoa tỏa hương thơm giữa đời thường, họ là những người phụ nữ luôn phát huy nội lực, vượt lên khó khăn xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, đồng thời, tích cực tham gia sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.