Hà Nội chi đầu tư công trung hạn nhiều nhất với hơn 13 tỷ USD
Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dẫn đầu cả nước với kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 304.799 tỷ đồng, tương đương hơn 13 tỷ USD, vượt xa tất cả các tỉnh thành còn lại. Trong đó, đầu tư công trung hạn ngân sách cấp thành phố là hơn 218.962 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
5 tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021-2025. Nguồn: Sở KH-ĐT các địa phương.
Nổi bật trong các dự án giao thông trọng điểm là dự án đường vành đai 4 dài hơn 100km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 94.000 tỷ đồng, tuyến đường dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2028. Vành đai 4 sau khi hoàn thành được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông, tăng cường khả năng kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong kế hoạch, Hà Nội còn phân bổ nguồn lực vào các dự án giao thông quan trọng như: tuyến Metro số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (hơn 40.500 tỷ đồng); tuyến Metro số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Hoà Lạc (hơn 65.000 tỷ đồng), dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 (hơn 1.000 tỷ đồng), dự án đường vành đai 2,5 đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Đầm Hồng - Kim Đồng - Lĩnh Nam (hơn 1.300 tỷ đồng).
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm 2022 với 1,3 tỷ USD
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh thành dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Các địa phương dẫn đầu thu hút FDI 2 tháng đầu năm 2022
Cụ thể, Bắc Ninh đã cấp mới cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng hơn 1,252 tỷ USD. Trong đó, riêng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD.
Tính riêng trong năm 2021, Bắc Ninh đã thu hút được 131 dự án FDI với tổng vốn 1,2 tỷ USD, duy trì trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.717 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 21,24 tỷ USD.
TP. HCM đã vươn lên vị trí số 1 cả nước về kim ngạch xuất khẩu với gần 4,1 tỷ USD trong tháng đầu năm 2022
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu của TP. HCM đạt gần 4,1 tỷ USD. Với con số này, TP. HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, trong khi đó vị trí thứ 2 là Bắc Ninh với 3,5 tỷ USD. Đây là sự quay trở lại ấn tượng của nền kinh tế lớn nhất cả nước. Trước đó, nhiều tháng trong năm 2021, Bắc Ninh giữ vị thế số 1 về xuất khẩu nhờ các dự án đầu tư FDI lớn với trọng tâm là Samsung. Và chỉ đến tháng 12/2021, TP. HCM mới trở lại ngôi vị đầu bảng khi đạt đạt gần 4,8 tỷ USD, qua đó, kết thúc năm với kim ngạch hơn 44,9 tỷ USD, trong khi Bắc Ninh ghi nhận 44,853 tỷ USD.
Ngoài 2 địa phương kể trên có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì trong tháng 1/2022, các địa phương bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Giang cũng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Hải Phòng tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước
Trong năm 2021, Hải Phòng có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dẫn đầu với 12,38%, gấp 4,8 lần mức tăng trưởng chung của cả nước (2,58%). Hải Phòng cũng là một trong hai địa phương có mức tăng trưởng đạt hai con số bên cạnh tỉnh Quảng Ninh (10,28%). Đây là một con số đáng kinh ngạc khi tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong hoàn cảnh Covid-19 làm nền kinh tế tại nhiều địa phương sụt giảm nghiêm trọng.
Tăng trưởng GRDP của 5 thành phố trực thuộc trung ương trong năm 2021
Ngoài ra, xét về mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đến 2025, Hải Phòng cũng dẫn đầu với kế hoạch đạt 11.800 USD/người/năm. Các tỉnh thành còn lại trong top đầu đặt mục tiêu trong khoảng 8.000 USD - 10.000 USD/ người/ năm. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân tối thiểu đạt 14,5%/năm, thu ngân sách đạt 145.000 tỷ đồng, đưa kinh tế Hải Phòng chiếm 6,4% GDP toàn quốc và chiếm 23,7% GDP vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.