Chiều dài chỉ 12km nhưng 4 tuyến đường ở KĐTM Thủ Thiêm có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Trước khi quyết định đầu tư, UBND TP.HCM đã lập hội đồng thẩm định, tuy vậy 4 tuyến đường này vẫn được đánh giá “đắt nhất hành tinh”.
4 tuyến đường “dát vàng”
Liên quan đến vấn đề xử lý sai phạm trong quá trình triển khai Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 cùng với Tổ Đại biểu HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã thông tin về việc xem xét xử lý những cán bộ sai phạm.
Theo ông Phong, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, những cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị đã bị kỷ luật. Ngoài ra, có 66 cán bộ đang bị kiểm điểm và xem xét xử lý. Đây là những cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Thành uỷ, trong đó chủ yếu là cán bộ các sở ngành và Ban quản lý Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm qua các thời kỳ.
Nói đến sai phạm trong quá trình triển khai KĐTM Thủ Thiêm không thể không nhắc đến dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). 4 tuyến đường đó là: Đại lộ Vòng Cung (R1), đường ven hồ trung tâm (R2), đường ven sông Sài Gòn (R3) và đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông – khu dân cư (R4).
4 tuyến đường chính ở KĐTM Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. |
4 tuyến đường chính này có tổng chiều dài 11,9km, bao gồm 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn, tuy nhiên tổng vốn đầu tư lên đến 12.182 tỷ đồng. Hợp đồng dự án BT này được ký vào ngày 1/12/2014 giữa UBND TP.HCM và Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh).
Trước đó, ngày 12/11/2013 Công ty Đại Quang Minh đạ ký tắt hợp đồng BT dự án 4 tuyến đường chính với UBND TP.HCM mà đại diện là ông Tất Thành Cang, người giữ chức Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT) khi đó.
Vể tổng mức đầu tư, dự án 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm có các chi phí như xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, dự phòng khối lượng phát sinh, dự phòng trượt giá… khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu là 1.082 tỷ đồng, vốn vay 8.900 tỷ đồng và lãi phát sinh 2.111 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án lên đến 12.182 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi km đường tại dự án này có giá gần 700 tỷ đồng, con số này gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km) và gấp 3 lần cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km). Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, với suất đầu tư này, 4 tuyến đường chính ở KDTM Thủ Thiêm được ví là những tuyến đường “dát vàng”.
17 cán bộ thẩm định dự án là ai?
Quá trình lập thủ tục đầu tư dự án 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm, trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở GT-VT Thành phố, ông Tất Thành Cang được xác định có những vi phạm nhất định.
Cụ thể, tại kỳ họp 31 diễn ra vào tháng 11/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang đã vi phạm pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (với Công ty Đại Quang Minh) dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, để có tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng cho dự án 4 tuyến đường chính này, trước đó, ngày 2/10/2011 UBND TP.HCM đã có quyết định thành lập hội đồng gồm 17 cán bộ đại diện các sở ngành để thẩm định dự án. Trong đó, ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GT-VT (nay giữ chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM) làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
16 thành viên còn lại của Hội đồng thẩm định gồm:
Sau quá trình thẩm định, ngày 28/10/2013 hội đồng nói trên đã báo cáo UBND TP.HCM kết quả thẩm định dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm. Trong đó thống nhất tổng mức đầu tư dự án là 12.182 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2016.
Báo cáo với Đoàn Giám sát HĐND TP.HCM về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trên địa bàn vào 26/6 vừa qua, UBND Thành phố cho biết, dự án 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm nằm trong những dự án trễ tiến độ so với dự kiến. Nguyên nhân do thủ tục đầu tư kéo dài, năng lực thi công, tài chính… của một số chủ đầu tư còn hạn chế, thời gian đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, chậm giao các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Phương Anh Linh – Phong Thuận