Với số đông còn lại trong đó có bạn, câu hỏi đầu tư vào đâu này phải được tự trả lời bởi chính mình. Nhưng để đi đến được câu trả lời tối thượng đó, bạn phải trả lời được một số câu hỏi tiền đề khác.
Trước tiên, bạn có bao tiền? Hay hỏi cách khác, nguồn tiền bạn có trong tay lúc này (kể cả huy động đâu đó) là bao nhiêu?
Giả sử bạn có một vài trăm triệu đồng, và đó là tất cả mà bạn có thể xoay xở để có được vào lúc này. Vậy thì "đầu tư vào đâu?" đã phần nào có câu trả lời. Bạn sẽ không thể đầu tư vào bất động sản hay các tài sản có giá trị lớn vượt quá số tiền của mình, dù có chuyên gia nào đó chọn lựa ra bất động sản/tài sản lớn này là kênh đầu tư tiềm năng nhất.
Tất nhiên, nếu bạn là nhà đầu tư hay có kinh nghiệm đầu tư bất động sản kỳ cựu thì bạn vẫn có thể đầu tư kiểu "tay không bắt giặc" (ví dụ, đặt cọc rồi tìm cách bán chênh) nhưng rõ ràng nếu bạn đã giỏi, đã có khả năng (và cả may mắn) như vậy thì vấn đề đầu tư vào đâu không dành/cần cho bạn nữa.
Như vậy, thậm chí trước khi xác định bạn có bao tiền, cần phải xác định bạn là nhà đầu tư amateur hay "pờ rồ"/có kinh nghiệm (trong một lĩnh vực đầu tư nào đó). Ở đây xin chỉ bàn đến trường hợp bạn là nhà đầu tư amateur, vì nếu đã pờ rồ rồi thì tập trung vào lĩnh vực bạn hiểu biết rõ có lẽ sẽ có hiệu quả hơn/nhất.
Câu hỏi tiếp theo cần trả lời trước khi quyết định đầu tư là, mục đích đầu tư là gì? Hiển nhiên nhiều người sẽ trả lời là muốn có lợi nhuận nhiều nhất. Nhưng cũng sẽ có nhiều người do đã nghe, biết, hoặc trải nghiệm thực tế là "lợi nhuận cao thì rủi ro cao" nên chọn lợi nhuận vừa phải, chẳng hạn như trên mức tiền gửi tiết kiệm, nhưng phải an toàn gần như tiền gửi tiết kiệm.
Vậy, tùy theo câu trả lời của chính mình, bạn sẽ biết mình phải đầu tư vào đâu. Chẳng hạn, rõ ràng là với mục tiêu vừa an toàn, vừa có lợi nhuận "kha khá" thì bạn không thể, không nên đầu tư vào vàng hay tiền ảo v.v... Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc đầu tư vào, ví dụ, các loại cổ phiếu quỹ hay các bluechip, dù xin luôn ghi nhớ rằng không có gì đảm bảo chắc chắn mức lợi nhuận đem lại sẽ lớn hơn so với gửi tiết kiệm.
Liên quan đến vấn đề trên, và là câu hỏi thứ ba, bạn định đầu tư trong bao lâu (thời gian hiện thực hóa lợi nhuận)? Tất nhiên, điều này lại liên quan đến số tiền bạn có là có trong bao lâu. Nếu bạn định đem vài trăm triệu mình có để "lướt sóng" một tài sản nào đó để một tuần sau sẽ "chốt lãi" (một phần vì tài sản của mình cũng chỉ "rỗi rãi" có một tuần) và lãi phải lớn thì càng rõ ràng rằng bạn không thể đầu tư vào bất động sản hay những tài sản có tính thanh khoản kém (tất nhiên là vẫn trừ trường hợp bạn là pở rồ như nói trên). Lúc này, bạn có thể cân nhắc đến đầu tư vào nhiều tài sản còn lại như vàng hay tiền ảo hay những loại chứng khoán có tính đầu cơ cao, giá biến động mạnh, thậm chí là đem cho vay "nóng". Nhưng cũng xin nhắc lại là nếu bạn có mục đích đầu tư này thì xin hãy bỏ qua một bên chữ "an toàn".
Ngược lại, nếu số tiền hiện có của bạn thực sự là rỗi rãi, và không có thời hạn hay áp lực phải trả lại, kiểu như tiền tiết kiệm khi về hưu. Kết hợp với mục đích đầu tư an toàn trong dài hạn thì bạn nên đầu tư vào những tài sản vừa đủ an toàn mà vẫn cho lợi nhuận kha khá như gửi tiết kiệm, mua trái phiếu (Chính phủ) dài hạn, hoặc các cổ phiếu giá trị.
Chữ "tiết kiệm" đã được nhắc đến vài lần ở đoạn trên, và trên thực tế cũng được nhiều chuyên gia khuyến nghị trên báo chí, như một kênh đầu tư an toàn mà vẫn sinh lời kha khá. Nhưng thực ra điều đó không luôn đúng, và nhiều người chắc cũng không quên những trải nghiệm của mình khi gửi tiền trị giá một con trâu mà sau này chỉ còn mua được bát phở.
Nói vậy để dẫn dắt bạn đến một câu hỏi quan trọng thứ tư mà bạn cần trả lời trước khi đầu tư là, tình hình trong lĩnh vực định đầu tư sẽ ra sao? Chẳng hạn, cũng là mục tiêu đầu tư vào tiền gửi ngân hàng, nhưng bạn có hai lựa chọn, gửi bằng tiền đồng và bằng ngoại tệ (USD). Gửi tiết kiệm tiền đồng cho bạn lãi suất chừng 7%/năm, còn USD thì lãi suất 0% trên danh nghĩa. Đương nhiên chắc không chỉ bạn mà nhiều người sẽ chọn gửi tiền đồng do lãi danh nghĩa cao hơn. Tuy nhiên, do tìm hiểu kỹ hoặc nghe chuyên gia nhận định, bạn tin rằng lạm phát có xu hướng tăng lên trong vòng một năm tới, trong khi diễn biến thế giới sẽ làm cho USD tăng giá đáng kể so với tiền đồng. Kết hợp với thực tế rằng gửi USD trong ngân hàng vẫn có cách không phải là bất hợp pháp để có thực lãi dương, bạn có thể sẽ muốn đầu tư vào gửi USD ở ngân hàng thay vì gửi bằng tiền đồng, nhất là khi nguồn tiền của bạn chỉ rỗi rãi trong ngắn hạn và, do đó, chỉ được hưởng lãi suất thấp nếu gửi tiết kiệm vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn.
Nhưng nếu bạn cứ nhất định chờ ai đó trả lời hộ, khẳng định được với bạn rằng gửi tiết kiệm bằng USD sẽ thực sự lãi hơn gửi tiền đồng hay không (hay bất cứ tài sản nào khác) thì e rằng bạn thà tung đồng xu xấp ngửa để có câu trả lời. Bởi ngay cả chuyên gia nếu có trả lời câu hỏi này cũng phải dựa trên một loạt giả định mà trên thực tế có xảy ra hay không lại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Chẳng hạn, tại thời điểm hiện tại, chuyện lãi suất USD ở Mỹ sẽ tăng (là điều sẽ làm USD tăng giá so với tiền đồng) hay không vẫn còn chưa rõ, phụ thuộc vào Fed. Mà ngay bản thân Fed thì chắc cũng chưa rõ có phải sớm tăng lãi suất hay không, qua cách họ trả lời thị trường! Nói vậy để bạn thấy rủi ro đằng sau lời khuyến cáo của ai đó rằng nên/không nên đầu tư vào một tài sản nào đó vào lúc này.
Tóm lại, chỉ có mình bạn mới biết phải đầu tư vào đâu, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nếu có tham vấn, hỏi, nghe ý kiến của ai đó thì chỉ nên dùng chúng như dữ liệu đầu vào cho bài toán phân tích của mình. Nếu kết quả đầu tư không được như ý muốn thì hãy tự an ủi rằng những nhà đầu tư pờ rồ cũng không luôn thắng được thị trường!