Các công ty từ American Airlines cho đến General Electric và cả những nhà cung ứng nhỏ hơn đều đang than phiền về những rắc rối tài chính từ Boeing 737 MAX. Một số hãng hàng không Mỹ và cả nước ngoài đã phải thay đổi các chặng bay và cả dự định tăng trưởng công suất hoặc trì hoãn quá trình thuê phi công và các chương trình khuyến mãi.
Sau khi giảm sản lượng hàng tháng từ mức 52 chiếc từ tháng 4, hiện Boeing sản xuất 42 chiếc MAX và những phiên bản khác của chiếc 737. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP quý II của Mỹ, đồng thời cảnh báo những tác động tiêu cực có thể kéo dài nếu như Boeing không thể khôi phục lại tốc độ giao máy bay.
Boeing hiện là nhà sản xuất xuất khẩu nhiều nhất và cũng chính là một trong những công ty tư nhân tạo ra nhiều việc làm nhất ở Mỹ. MAX là mặt hàng bán chạy nhất của hãng, và những chiếc máy bay có giá hơn 30 tỷ USD đã phải "án binh bất động" sau khi các nhà quản lý trên toàn cầu cấm bay sau một loạt sự cố, đặc biệt là sau vụ tai nạn thảm khốc lần thứ hai vào tháng 3 năm nay.
Boeing hi vọng có thể giao trở lại trong quý IV, nhưng một số hãng hàng không dự đoán rằng những chiếc máy bay MAX sẽ chỉ có thể hoạt động trở lại sớm nhất là vào năm sau. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của Mỹ và số đơn đặt hàng hóa lâu bền ở ngay tại thời điểm không thể tệ hơn. Các nhà sản xuất Mỹ đang phải chịu đựng chi phí gia tăng và buộc phải cắt giảm sản lượng vì thuế quan và căng thẳng thương mại.
"Đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến câu chuyện kinh tế Mỹ giảm tốc", Ward McCathy, chuyên gia kinh tế trưởng của Jefferies LLC nhận định.
Tháng 5, lượng đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ giảm 1,3% so với tháng trước. Trong đó lượng đơn đặt hàng về máy bay dân dụng và linh kiện máy bay đã giảm tới 2 tỷ USD, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu máy bay thương mại giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán tác động từ Boeing sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu như hãng tiếp tục thu hẹp sản xuất.
Boeing đã phải giảm sản lượng để hạn chế số máy bay đang chất đống trong các nhà máy, và điều đó gây ra áp lực lớn lên các nhà cung ứng vốn đã đầu tư rất nhiều để đáp ứng dây chuyền sản xuất những chiếc Boeing MAX. Sự thiếu chắc chắn về màn trở lại của MAX và kế hoạch sản xuất của Boeing gây ra nhiều khó khăn cho 13.000 nhà cung ứng nội địa khi phải đưa ra các quyết định đầu tư và tuyển dụng.
GE, nhà cung cấp động cơ duy nhất cho MAX thông qua liên doanh với công ty Safran của Pháp, dự tính những chiếc máy bay Boeing MAX sẽ gây thiệt hại khoảng 300 triệu USD trong quý II.
Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, Boeing chưa cắt giảm nhân viên nào mặc dù các nhân viên cho biết họ lo sợ sắp bị sa thải. Giới phân tích dự đoán đến cuối năm nay số máy bay mà Boeing đã làm ra những không thể giao cho khách hàng có thể lên đến 300 chiếc.
Tuần trước Boeing cho biết trong vài năm tới sẽ bồi thường khoảng 5,6 tỷ USD cho những hãng hàng không bị ảnh hưởng. Ngoài ra hãng ước tính chi phí sản xuất máy bay sẽ đội thêm 2,7 tỷ USD. Họ cũng công bố kế hoạch tăng sản lượng từ mức 42 chiếc mỗi tháng hiện nay lên 57 chiếc vào năm tới. Kế hoạch này khiến cổ phiếu của một loạt nhà cung ứng cho Boeing cũng như của các hãng hàng không bật tăng.
American Airlines đã phải hủy 7.800 chuyến bay trong quý II vì Boeing 737 MAX bị cấm bay, dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 185 triệu USD. Southwest Airlines, hãng hàng không phục vụ nhiều khách nội địa nhất ở Mỹ và là hãng sử dụng dòng MAX nhiều nhất trên thế giới, đã thu hẹp kế hoạch mua thêm hơn 40 chiếc máy bay trong năm nay xuống còn 34 chiếc. Hãng phải hoãn chương trình đào tạo ban đầu cho 50 phi công mới và cũng hoãn cả lộ trình thăng tiến của 50 phi công khác đang muốn được thăng hạng từ phi công phụ lên cơ trưởng.