Đây là câu hỏi hóc búa đối với gia đình Chủ tịch Kim Jae Myeong của tập đoàn cà phê Dongsuh Group có tổng giá trị tài sản lên tới 2 tỷ USD theo ước tính của hãng tin Bloomberg.
Chủ tịch Kim chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ bảng xếp hạng tỷ phú nào và cũng đã rời bỏ các chức vụ quản lý chính của công ty từ cách đây hơn 20 năm nhưng tập đoàn Dongsuh vẫn nằm trong tay gia đình của ông Kim.
Với một cách thức khôn khéo, gia đình Chủ tịch Kim đã tìm được cách truyền lại khối gia sản khổng lồ này qua các đời con cháu mà vẫn tránh được sự truy tra của tổng cục thuế.
Không riêng gì gia đình Chủ tịch Kim, đây là tình trạng chung ở Hàn Quốc khi những công ty gia đình trị (Chaebol) nắm giữ hàng loạt các mảng kinh tế chủ chốt trong xã hội, thậm chí vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, những biến động chính trị gần đây đang đặt hàng loạt các doanh nghiệp này vào vòng nhắm của chính phủ sau nhiều thập niên thao túng nền kinh tế.
Bên trong nhà máy sản xuất của Dongsuh
Thuế cao
Thuế thừa kế tại Hàn Quốc có thể cao tới 50% và chỉ đứng thứ 2 sau Nhật Bản trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thậm chí tỷ lệ này có thể lên tới 65% với những cổ đông lớn.
Điều này đồng nghĩa với việc các gia đình kiểm soát tập đoàn sẽ mất lượng lớn tài sản cũng như quyền chi phối công ty nếu thừa kế không khéo. Chính bởi vậy giới thượng lưu Hàn Quốc đã nghĩ ra hàng loạt các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ trên, ví dụ như chuyển giao cổ phần cho công ty đối tác thành viên, vốn được điều hành bởi con cháu trong nhà.
Trên thực tế, những cách lách luật này không hề mới đối với cơ quan thuế và các chuyên gia luật nhưng chúng được xã hội và giới chính trị Hàn gián tiếp thừa nhận nhờ lượng lớn tài chính mà các công ty này ủng hộ cho chính trị gia khi họ vận động tranh cử.
Tuy nhiên, những vụ tham nhũng và bê bối gần đây liên quan đến cựu tổng thống Hàn Quốc đã khiến chính quyền Seoul xem xét kỹ hơn đối với giới nhà giàu nhằm thu hồi tiền thuế cho ngân sách. Dẫu vậy, động thái này có thể khiến các gia đình giàu có chuyển tiền ra nước ngoài nhằm bảo toàn tài sản thừa kế.
"Những công ty được thừa kế cho tầng lớp con cháu có thể tiếp tục gia tăng giá trị nhờ những vụ chuyển nhượng, mua bán cổ phần chồng chéo và khối tài sản này không bị đánh thuế", luật sư Kim Hai Ree của Global&Case nói.
Số liệu của Hội đồng thương mại công bằng Hàn Quốc (FTC) cho thấy trong 27 tập đoàn có giá trị vượt 10 nghìn tỷ Won (9,4 tỷ USD), số thương vụ mua bán cổ phần giữa các công ty thành viên lên tới 152,5 nghìn tỷ Won năm 2016, tương đương 12% tổng giá trị thương vụ của các doanh nghiệp này trong năm.
Những người thân quen của các tỷ phú Chung Mong Koo thuộc tập đoàn Hyundai Motor, Chey Tae Won của hãng SK hay Lee Kun Hee của Samsung là những người có giá trị giao dịch nội bộ nhiều nhất. Hãng Hyundai thông báo tổng giá trị giao dịch nội bộ đạt 30,3 nghìn tỷ Won, SK là 29,4 nghìn tỷ còn Samsung là 21,1 nghìn tỷ.
Lách luật
Công cuộc điều tra của FTC, cơ quan chuyên nhắm vào những vụ chuyển giao thừa kế trốn thuế tại Hàn Quốc chỉ nhằm vào những hãng có tổng giá trị tài sản trên 5 nghìn tỷ Won và thành viên gia đình nắm giữ quá 30% của công ty liên kết. Chính nhờ quy định này mà rất nhiều công ty Hàn đã lách luật.
"Rất nhiều công ty đã hạ tỷ lệ sở hữu của chủ doanh nghiệp xuống 29,9% nhằm tránh mức 30%, qua đó thoát được sự điều tra của FTC", Chủ tịch Kim Sang Jo của FTC tuyên bố trước Nghị viện Hàn Quốc vào tháng 6/2017.
Hiện Hyundai đang nằm trong vòng ngắm của FTC. 2 người con của tỷ phú Chung Mong Koo đã hạ tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại công ty liên kết Innocean Worldwide xuống 29,9% vào năm 2015 khi các quy định điều tra của FTC có hiệu lực.
Báo cáo tài chính của Innocean cho thấy doanh số bán hàng cho các công ty liên kết thuộc Hyundai chiếm tới 79,9% tổng doanh số năm 2016.
Quay trở lại câu chuyện của tập đoàn Dongsuh, 2 người con của Chủ tịch Kim đang điều hàng công ty thông qua việc nắm giữ công ty liên kết Dongsuh Cos. Những công ty liên kết kiểu như vậy có thể mua lượng lớn cổ phần của công ty chính hoặc chịu trách nhiệm sản xuất khâu quan trọng nhất của tập đoàn, qua đó nắm giữ và điều hành toàn bộ doanh nghiệp.
Theo hãng tin Bloomberg, một người phát ngôn của tập đoàn Dongsuh thừa nhận sự nắm giữ của gia đình Chủ tịch Kim với công ty nhưng từ chối tiết lộ tổng giá trị tài sản cũng như việc chuyển giao tài sản thừa kế trong doanh nghiệp.
Hãng Dongsuh Foods Co đưa sản phẩm cà phê hòa tan sẵn lần đầu ra thị trường vào năm 1976 và hiện chiếm 85% thị phần cà phê pha sẵn ở Hàn Quốc hiện nay. Doanh thu của hãng đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD.
Công việc chuyển giao thừa kế của tập đoàn này bắt đầu từ năm 2006 khi gia đình ông Kim chiếm tới 66,1% cổ phần của Dongsuh Cos. Nếu xét tổng thế, 2 người con trai của ông Kim hiện chiếm 38,3% cổ phần của toàn bộ mảng kinh doanh tập đoàn, trong khi người cháy của ông Kim chiếm 11,2%.
Tuy nhiên, hãng Dongsuh lọt vào tầm ngắm của FTC khi 93,5% doanh thu của tập đoàn này đến từ các công ty liên kết. Tỷ lệ cổ tức chi trả năm 2013 đạt đến 88,9% khi người cháu trai của Chủ tịch Kim chiếm tới 50% cổ phần hoạt động kinh doanh của toàn tập đoàn.
"Dòng tiền cổ tức của những con cháu thừa kế cũng đóng vai trò rất lớn trong việc củng cố sức mạnh gia đình trị khi những người con có thể sử dụng chúng để mua lại các mảng hoạt động khác trong tập đoàn", Luật sư Kim của Global&Case nói.
Một số sản phẩm của Dongsuh
Phía FTC cho biết họ sẽ thực hiện cuộc điều tra nhắm vào Dongsuh xem có những vi phạm gì không. Tuy nhiên, cơ quan này chưa có hành động chính thức nào chống lại Dongsuh, hãng có tổng tài sản hiện lên tới 2 nghìn tỷ Won.
Làm từ thiện
Ngoài chiêu trò bán cổ phần hay chuyển giao những mảng chính cho các công ty liên kết, các tập đoàn gia đình trị còn có thể chuyển cổ phần cho những tổ chức từ thiện được kiểm soát bởi người thân trong gia đình, hoặc sáp nhập công ty con của họ với một công ty mới do họ hàng nắm giữ.
Theo các công tố viên, vào năm 2015 Samsung đã cho sáp nhập Smsung C&T với Cheil Industries, qua đó gia tăng tỷ lệ nắm giữ của người con Jay Y Lee trong gia đình đối với hoạt động sản xuất của tập đoàn và tránh được khoản thuế thừa kế khổng lồ. Hiện ông Lee đang bị kết án 5 năm tù giam vì đã hối lộ quan chức chính phủ đồng ý cho thỏa thuận sáp nhập này.
Việc Chaebol Hàn Quốc chuyển giao quyền thừa kế đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình kinh tế lâu đời này tại đây. Tuy nhiên, chúng phụ thuộc quá nhiều vào sự tin tưởng, mối liên kết lợi ích với chính trị và đôi khi tạo nên những tình huống dở khóc dở cười như vụ Lotte, khi 2 người con trai thừa kế đem nhau ra tòa.