Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/4.
Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy, để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
Bên cạnh đó, tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây: Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; tránh, trú bão; thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn...
Trường hợp được giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt
Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 2/4/2018.
Khách hàng là bên thụ hưởng đáp ứng các điều kiện dưới đây: Không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Luôn có từ 2 cảnh sát trên xe vận chuyển tiền, vàng, bảo vật
Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2018/NĐ-CP quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.
Hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong, đặt trong các container hoặc thùng chứa hàng, khóa, kẹp chì và bảo quản an toàn. Đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ, phải có 02 xe hộ tống bảo vệ.
Đồng thời, bảo đảm ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không.
Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: Tiền mặt, giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Tài sản quý trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, có hiệu lực từ 15/4, quy định cơ quan, tổ chức và cá nhân (gồm trường học, chung cư, rạp chiếu phim...) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định.
Ngoài ra, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.
Điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp chênh lệch là 0,25 điểm. Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.Các thí sinh này không dùng quyền xét tuyển thẳng thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải theo quy định của từng trường.
Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất (ngành cao đẳng), sư phạm thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Đó là những điểm nổi bật tại thông tư 07/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 15/4.
Mạng xã hội phải loại bỏ nội dung vi phạm trong 3 giờ
Ngày 01/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp phải có quy trình để xác định phạm vi nguồn thông tin, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn; Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu.
Đối với mạng xã hội, phải bảo đảm người sử dụng đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội. Tương tự như trang thông tin điện tử, mạng xã hội cũng phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi phát hiện hoặc có yêu cầu.
Điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học công lập
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2018.
Thông tư này quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).
Thông tư cũng nêu rõ điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thông qua việc xét hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề với hạng hiện giữ và thẩm định, quy đổi điểm công trình khoa học.
Công trình khoa học quy đổi gồm: Bài báo khoa học; kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế; giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích; sách phục vụ đào tạo; báo cáo khoa học được công bố toàn văn trong kỷ yếu của hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; tác phẩm nghệ thuật, chương trình biểu diễn, thành tích thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.