Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Ngày 28/12/2017, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2018.
Đáng chú ý, trong lộ trình từ 1/1/2018 -31/12/2018, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%. Kể từ 1/1/2019 trở đi, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 40%.
Việc siết dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã tác động khá nhiều tới thị trường. Trong năm 2018, tín dụng bất động sản có xu hướng bị siết lại, các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn khi giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, vốn là các khoản vay có thời gian rất dài; lãi suất cho vay tăng lên đồng thời ngân hàng đưa ra các điều kiện cho vay khắt khe hơn trước.
Ngoài ra, việc phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng vào nửa cuối năm nhằm bổ sung nguồn vốn dài hạn. Cùng với đó, các ngân hàng cũng tìm đến phương án khác là huy động vốn từ phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn nhanh chóng.
Siết tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro: chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng
Đáng lưu ý trong năm 2018, NHNN đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống. Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018, trong đó không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt và tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ,...
Trước nghị trường quốc hội kỳ họp thứ 6, khóa XIV, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tỷ trọng cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro vẫn được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm. Dư nợ tín dụng với kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, tín dụng BĐS chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 7,4%. Trong khi cùng kỳ năm 2017 tín dụng bất động sản tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%. Dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.
Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp
Ngày 18/6/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/08/2018.
Đáng chú ý, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.
Theo nhiều chuyên gia, việc cho vay đảo nợ nói chung và mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để đảo nợ thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu của các ngân hàng.
Do vậy, động thái siết chặt của NHNN có thể khiến nhiều doanh nghiệp đang có khoản nợ lớn ở các TCTD gặp khó khăn và chính các ngân hàng cũng sẽ vất vả với việc giải quyết món nợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc cấm các ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp là cần thiết để chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu và sức khỏe các ngân hàng, doanh nghiệp được nhìn nhận thực chất hơn.
Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Agribank từ 1% lên 3%
Ngày 29/5/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 1158/QĐ-NHNN về tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quyết định 1158 có một số thay đổi lớn như: giảm tỷ lệ DTBB đối với các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và tiền gửi bằng ngoại tệ của QTDND, tổ chức tài chính vi mô về 0%; nâng tỷ lệ DTBB của Agribank và Ngân hàng Hợp tác xã đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%/tổng số dư tiền gửi phải tính DTBB thay cho mức cũ là 1%…
Siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt
Thông tư 21/2017 của NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 02/04/2018.
Theo đó, việc giải ngân vốn vay bằng tiền mặt sẽ bị siết chặt, thu hẹp lại. Các chuyên gia cho rằng, mục đích của quy định nhằm giám sát mục đích sử dụng vốn. Việc giải ngân vốn tín dụng qua tài khoản sẽ kiểm soát được chuyện khách hàng sử dụng vốn ngay từ đầu. Từ đó, tránh trường hợp khách hàng lợi dụng vay vốn để đảo nợ từ nơi này sang nơi khác dẫn tới phát sinh nợ xấu.
15 tuổi trở lên được mở và sử dụng thẻ ngân hàng
Thông tư 26/2017-TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 03/03/3018.
Một trong những nội dung sửa đổi của Thông tư là về quy định về đối tượng được mở và sử dụng thẻ tại Theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Ngoài ra, TT hướng dẫn nội dung hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ của về cấp tín dụng quả thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đáng lưu ý, một trong những mục tiêu được đề ra là đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; Đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.
Chiến lược ngành ngân hàng xác định phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.
Nhiều khách hàng được cấp tín dụng vượt hạn mức theo quy định mới
Chính phủ đã có Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung). Quyết định có hiệu lực thi hành từ 1/5/2018.
Theo đó, khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng các điều kiện gồm: Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.
Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận. Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.