“Họp Hội nghị Mặt trận cậu nhớ một tiếng cho nghỉ giải lao một lần nhé”. Mỗi lần họp phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận, ngồi ở bàn Chủ tịch, ra vào không thoải mái nên anh Sáu thường ghé tai tôi nói nhỏ như vậy. Nghiện thuốc lá nặng, nên cứ một tiếng, anh Sáu lại phải ra ngoài để hút thuốc”.
Kỷ niệm về cố Thủ tướng Phan Văn Khải-một người anh thân thiết suốt 30 năm qua đối với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam là những câu chuyện rất đời thường, gần gũi và chất phác như chính con người cố Thủ tướng. “Tôi kém anh Sáu 4 tuổi, nhưng chúng tôi thân thiết như anh em, bạn bè. Chúng tôi chơi tự nhiên và trong sáng lắm, chứ chưa bao giờ nghĩ là vì chức tước, quan hệ hay tiền bạc”.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Túc gần như chỉ gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải là “anh Sáu” đầy thân thương. Ông kể, dù “anh Sáu” lên làm Thủ tướng, nhưng vẫn gần gũi tất cả mọi người. Những người bạn lâu năm như ông cũng có chút e ngại vì Thủ tướng bận trăm công ngàn việc, không có nhiều thời gian, nhưng “anh Sáu” thỉnh thoảng lại mời ông và mọi người đến nhà, đôi khi chỉ là để nhâm nhi chén rượu, ăn vài món ăn dân dã mà mọi người cùng thích.
“Trong cuộc sống đời thường, tuy là Thủ tướng, nhưng anh thích sống cuộc sống của người dân. Tôi nhớ anh Sáu rất thích ăn các món ăn dân dã, đặc biệt là lòng lợn, tiết canh. Vì thế, thỉnh thoảng Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương lại phải hấp chín tiết canh để đảm bảo sức khỏe cho anh. Trong những lần tôi được ăn cùng anh và đoàn ngoại giao, tôi thấy các món khoái khẩu của anh là những món người dân thường ăn, chứ không phải cao lương mỹ vị gì”- ông Túc nhớ lại.
Trong các cuộc họp với MTTQ Việt Nam, ông Túc, khi đó là Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (tương đương Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bây giờ-PV) thường bố trí để Thủ tướng cùng quan khách ăn ở phòng riêng, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải không thích thế. Thủ tướng hay nhắc “Túc cứ để mình thoải mái” và vào ngồi với dân, nói chuyện và ăn cùng mọi người. “Anh Sáu rất thân thiện nên khi nói chuyện với Thủ tướng, mọi người cảm thấy gần gũi, không có khoảng cách”.
Suốt những năm làm Phó Thủ tướng rồi làm Thủ tướng, quan hệ của “anh Sáu” với Mặt trận, với các tổ chức chính trị-xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… gắn bó với nhau hết sức tự nhiên, mật thiết trên cơ sở đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. “Cuộc đời anh rất trong sáng. Anh thực sự là người cộng sản vì cuộc sống của dân, được dân mến, dân tin. Vì thế, suốt thời gian anh Sáu làm Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng, không thấy có một nghi ngại nào về cuộc sống cá nhân của anh liên quan đến tiền bạc, lợi ích cá nhân”-ông Túc tự hào.
Ông Nguyễn Túc |
Ông Nguyễn Túc chia sẻ, ông học được ở "anh Sáu" nhiều điều. Trước hết là tinh thần học tập. Anh Sáu liên tục học tập, trau dồi kiến thức, kể cả khi làm Thủ tướng, ông vẫn không quên thói quen thường xuyên đọc sách. “Khi anh Sáu nhậm chức Thủ tướng đúng giai đoạn khủng hoảng tiền tệ ở châu Á, anh là người có công lớn đưa đất nước vượt qua khó khăn. Làm được điều này, một phần dựa trên cơ sở kiên trì học tập, kiên trì trau dồi kiến thức và tự rút kinh nghiệm của anh. Điểm thứ hai mà tôi học được ở anh là luôn gắn bó với dân, với sống cuộc sống của dân và luôn coi lợi ích của dân là lợi ích tối cao”.
Ông Nguyễn Túc nhớ mãi ngày Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm. Ông hiểu rằng, lời nói của “anh Sáu” ngày hôm đó là những day dứt từ tận đáy lòng. “Anh Sáu xin lỗi dân, nhận khuyết điểm trước dân vì đã không thể khắc phục được tình trạng tham nhũng. Đây là lời xin lỗi rất nghiêm túc, rất trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ gần 2 nhiệm kỳ”.
Theo ông Nguyễn Túc, thế hệ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ông có may mắn được sống cạnh Bác Hồ, được học tập Bác. “Thế hệ ấy trong sáng và học được Bác Hồ nhiều điều. Việc Thủ tướng Phan Văn Khải nhận khuyết điểm trước dân và xin lỗi dân chính là học tập phong cách của Bác Hồ. Khi thắng lợi, Bác nói là công lao của dân, của Đảng, nhưng sai lầm thì Bác nhận về mình với tư cách là người lãnh đạo cao nhất. Thế hệ đó ai cũng coi trọng tính Đảng, coi việc nhận trách nhiệm về mình. Khi thấy không làm được thì xin rút. Tôi cũng thấy lo lắng một điều là càng thế hệ về sau, việc học tập Bác Hồ không còn như các thế hệ đi trước”.
Ông Nguyễn Túc kể, trước khi vào lại miền Nam sau khi từ nhiệm năm 2006, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp ông và những người bạn thân thiết để tạm biệt.
Trong lần gặp này, nguyên Thủ tướng trăn trở rằng, đất nước đổi mới được mấy chục năm nhưng điều cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lo lắng đang thành sự thật. Đó là khi phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì sẽ có một đội ngũ doanh nhân. Nếu đội ngũ doanh nhân đó không được giáo dục đến nơi đến chốn về tinh thần yêu nước thì lại là một điều hết sức nguy hiểm. Nếu như đội ngũ cán bộ công chức không được giáo dục đến nơi đến chốn mà có những tư tưởng sai trái, thì tiền cộng với quyền lực, sẽ không biết đưa đất nước đến đâu.
“Càng ngẫm, tôi càng thấy trăn trở của anh Sáu rất đúng. Tiền gắn với quyền, tình trạng mua quyền, mua chức, chạy tội vẫn xảy ra thì tôi càng thấm thía điều đó. Nếu Trung ương khóa XII, và trước đó là khóa XI không làm mạnh về chỉnh đốn Đảng thì không biết tình hình sẽ đi đến đâu”- ông Túc chia sẻ.
Nghe tin “anh Sáu” lâm trọng bệnh, ông Nguyễn Túc lo lắng và liên tục hỏi thăm. Hôm nay, khi nghe tin dữ về "anh Sáu", ông và nhiều anh em, bạn bè rất buồn vì đây là một sự mất mát vô cùng to lớn không thể bù đắp được. “Một người anh của mình, sống cả cuộc đời vì dân vì nước ra đi là một sự mất mát, thiệt thòi cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân”./.