Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - VBB) trước đây vẫn được người ta gọi với cái tên "ngân hàng của Bầu Kiên". Sở dĩ gọi như vậy là bởi tại nhà băng này, bầu Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên – người đang phải thụ án bởi liên quan đến 4 hành vi phạm tội về kinh tế - và người nhà từng sở hữu lượng rất lớn cổ phần. Tại VietBank, vợ của ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan vẫn đang là thành viên Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên gần đây những biến động về chuyển giao cổ phần cổ phiếu liên quan đến các cổ đông là vợ chồng ông Kiên và người nhà cho thấy cái tên "ngân hàng của Bầu Kiên" có lẽ sắp không còn phù hợp.
Khởi đầu của sự chuyển giao là bố mẹ vợ ông Kiên - bà Nguyễn Thị Kim Thanh và ông Đặng Công Minh - đồng loạt bán cổ phần hồi tháng 7. Trong đó mẹ vợ ông Kiên bán hơn 4,5 triệu cổ phần còn bố vợ ông bán hơn 5,5 triệu cổ phần – tổng cộng tương đương hơn 3% vốn của ngân hàng.
Tiếp đến, em gái ruột của ông Kiên – bà Nguyễn Thuý Lan – cùng với chồng và chị gái bà này trong tháng 7 cũng đã bán lần lượt hơn 6,6 triệu cổ phần, 6,2 triệu cổ phần và 6,5 triệu cổ phần VietBank. Tổng số cổ phần sang tay cho chủ mới của 3 người này là hơn 6% vốn của VietBank.
Tiếp theo, vợ chồng ông Kiên bà Đặng Ngọc Lan cũng đăng ký bán cổ phần VietBank, trong đó riêng ông Kiên muốn chuyển nhượng toàn bộ số 6,6 triệu cổ phần nhưng vài lần vẫn chưa thực hiện được. Mới đây nhất là tại thông báo ngày 3/12, VietBank cho biết việc ông Kiên bán vốn chưa thể hoàn tất do chưa thực hiện xong thủ tục chuyển nhượng chứng khoán.
Đến nay bố mẹ vợ ông Kiên lại tiếp tục đăng ký bán nốt số cổ phần còn nắm giữ với thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 19/12/2018 đến ngày 19/01/2019.
Như vậy, nếu các kế hoạch bán cổ phần của ông Kiên và người nhà hoàn tất thì số lượng sở hữu của bầu Kiên và người nhà tại VietBank sẽ giảm rất mạnh, chỉ còn bà Đặng Ngọc Lan nắm giữ 4,6% vốn.
Câu hỏi ai đã và đang thực hiện mua toàn bộ số cổ phần nói trên của bầu Kiên và người nhà vẫn chưa được công bố rõ ràng, tuy nhiên có nhiều nguồn tin cho rằng liên quan đến một nhóm cổ đông khác hiện hữu trong ngân hàng.
Ngoài việc chuyển nhượng cổ phần nói trên, VietBank mới đây cũng thu hút sự chú ý của dư luận khi phát hành hơn 100 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ theo kế hoạch. Trong số này có cả cổ phần phát hành cho cán bộ nhân viên và gần 91 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, theo thông báo của ngân hàng, trong số 91 triệu cổ phần đó chỉ có hơn 84,3 triệu cổ phần được đăng ký mua, còn lại gần 6,6 triệu cổ phần chưa có người mua và ngân hàng quyết định bán cho ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp (quê ở Quảng Ngãi). Với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu thì ông Hiệp sẽ phải bỏ ra số tiền là 66 tỷ đồng. Dù mới 24 tuổi nhưng ông Hiệp đang là chủ tịch của nhiều công ty tại Tp. Hồ Chí Minh.
Một chuyển động đáng chú ý nữa đang diễn ra tại VietBank - là hoạt động tất yếu xảy ra sau khi nhóm cổ đông của ông Kiên và người nhà thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới, cũng như việc phát hành cổ phần cho các cổ đông - đó là ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Theo đó, ngày chốt danh sách là 2/1/2019, thời gian tổ chức là ngày 18/1 tại Toà nhà Lim II hoặc địa điểm khác sẽ thông báo sau. Nội dung họp được ngân hàng thông báo là về "các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ", tuy nhiên theo giới quan sát không loại trừ liên quan đến nhóm cổ đông mới.
Hiện chủ tịch của ngân hàng là ông Dương Ngọc Hoà, một trong các cổ đông sáng lập của ngân hàng. Ông Hoà cùng vợ là bà Trần Thị Lâm và 3 người con - một trai hai gái - đều sở hữu lượng cổ phần khá lớn ở VietBank. Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, vợ chồng ông Hoà còn nổi tiếng với Tập đoàn Hoa Lâm - một tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, bệnh viện - nơi bà Lâm đang là chủ tịch.
Trong năm 2018 VietBank có nhiều kế hoạch lớn đề ra, trong đó bao gồm ngân hàng dự chi khoảng 1.400 tỷ đồng để mua tòa nhà Lim II tại số 62A đường Cách mạng Tháng Tám, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM; kế hoạch lợi nhuận 300 tỷ đồng; và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (nửa số tiền thu được từ phát hành cổ phần là 500 tỷ sẽ dùng để mua toà nhà).
Và cho đến thời điểm này, mọi chuyện dường như khá "thuận buồm xuôi gió" khi ngân hàng đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu cả năm trong 9 tháng đầu năm, khi lợi nhuận trước thuế đạt 302 tỷ. Còn việc chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu cho người lao động về cơ bản cũng đang thực hiện theo lộ trình.