36 chuyên gia Hoa Kỳ và 38 chuyên gia châu Âu đã nhận được câu hỏi về khả năng gây ra suy thoái kinh tế của COVID-19 trong một cuộc khảo sát của IGM Forum, một diễn đàn của các nhà kinh tế tên tuổi Hoa Kỳ và châu Âu
"Ngay cả khi tỷ lệ tử vong của COVID-19 được chứng minh là không quá lớn (tương tự như số ca tử vong do cúm mùa thông thường), nó có khả năng gây ra suy thoái lớn". Ông/bà đồng ý hay không đồng ý ở mức độ nào với tuyên bố trên?
19% nhóm chuyên gia Hoa Kỳ đồng ý mạnh mẽ, 44% đồng ý, 31% không chắc chắn và 8% không đồng ý.
Trong số các chuyên gia của châu Âu, đa số đồng ý rằng một cuộc suy thoái lớn có thể xảy ra: 48% đồng ý mạnh mẽ, 34% đồng ý, 13% không chắc chắn và 4% không đồng ý.
Thông tin chi tiết về quan điểm của các chuyên gia được thể hiện trong các bình luận ngắn mà họ có thể đưa vào khi họ tham gia khảo sát. Những bình luận này chỉ ra sự đồng thuận rộng rãi trên cả hai nhóm chuyên gia, rằng sẽ có một sự suy thoái mạnh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ kéo dài của suy thoái thì mỗi chuyên gia lại có một ý kiến khác nhau.
Ví dụ, Anil Kashyap tại Chicago, người đề cập đến định nghĩa về suy thoái kinh tế của NBER , nhận xét: "Có thể sẽ có một sự suy giảm mạnh, nhưng liệu nó có đủ bền để tăng đến mức trở thành suy thoái hay không?".
Và Jean-Pierre Danthine của Trường Kinh tế Paris, giống như Kashyap, nói rằng ông không chắc chắn rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra, lưu ý rằng: "Hai quý tăng trưởng âm thì có thể. Còn suy thoái lớn: rất không chắc chắn, phụ thuộc đáng kể vào các phản ứng chính sách".
Trong số ít các chuyên gia không đồng ý rằng một cuộc suy thoái lớn có khả năng xảy ra, Kenneth Judd tại Stanford nói: "Nếu nó giống như bệnh cúm thông thường, thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi. COVID-19 chỉ đe dọa những nền kinh tế già cỗi và suy yếu".
Trong số đông những người đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ với tuyên bố rằng "suy thoái kinh tế lớn là hậu quả có thể xảy ra của đại dịch, bất kể số người thiệt mạng vì nó" (62% của nhóm chuyên gia Hoa Kỳ và 82% của nhóm chuyên gia châu Âu), một số chuyên gia lưu ý về tác động kinh tế của các biện pháp đang được thực hiện để ngăn chặn đại dịch.
Elena Carletti của Bocconi nói: "Tỷ lệ lây nhiễm đáng lo ngại hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong, vì nó đóng cửa toàn bộ nền kinh tế và đè nặng áp lực lên hệ thống y tế".
Patrick Honohan của Trinity College Dublin trả lời: "Ngay cả khi tỷ lệ tử vong thấp, thì đó cũng là do việc ngăn chặn có hiệu quả, và điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến tổng cung và cầu".
Luigi Guiso của Viện Kinh tế và Tài chính Einaudi cho biết thêm: "Để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đòi hỏi phải ngừng hoạt động kinh tế hoàn toàn - một cú sốc cung lớn".
Và Richard Schmalensee tại MIT nhận xét: "Nói các biện pháp phòng ngừa là lý do "chủ yếu" cho suy thoái thì có thể hơi quá, nhưng các biện pháp phòng ngừa được thực hiện ở nhiều quốc gia đúng là sẽ có tác động tiêu cực đáng kể".
Các chuyên gia khác chỉ ra nguyên nhân suy thoái có thể đến từ "yếu tố sợ hãi".
Larry Samuelson tại Yale nói: "COVID-19 tàn phá nhiều hơn thông qua sự hoảng loạn và gián đoạn - hơn là việc gây chết người. Để tránh suy thoái kinh tế, chúng ta có thể xem COVID-19 như khi chúng ta bị cúm".
Nicholas Bloom tại Stanford lưu ý: "Cú sốc cung, sốc cầu lớn và bất ổn. Vix [một chỉ số về kỳ vọng biến động thị trường] đã xấp xỉ 50".
Darrell Duffie tại Stanford nhận xét: "Chúng tôi thấy những dấu hiệu ban đầu của suy thoái về giá cả nợ và vốn chủ sở hữu, cũng như trong các phản ứng chính sách tài chính tiền tệ".
Xavier Freixas của Đại học Pompeu Fabra nhận xét về tác động của toàn cầu hóa: "Sự kết nối đương đại giữa các ngành công nghiệp và các quốc gia có thể sẽ biến sự bế tắc của một ngành thành cuộc suy thoái diện rộng".
Christian Leuz tại Chicago cũng ám chỉ đến sự kết nối giữa các quốc gia: "Mức độ nghiêm trọng của suy thoái có thể khác nhau tùy theo quốc gia. Nhưng ở nhiều quốc gia, các hiệu ứng dây truyền đã khá nghiêm trọng".
Và Albert Alesina tại Harvard nói: 'Nếu những thứ ta đang thấy ở Ý xảy ra trên diện rộng, thì đó sẽ là một cuộc suy thoái lớn".
Pete Klenow tại Stanford thì nhấn mạnh chi phí suy thoái về mặt kinh tế của cá nhân: "Đáng buồn thay, những mất mát với phúc lợi xã hội còn nghiêm trọng hơn suy giảm trong hoạt động kinh tế, gây ra tử vong và bệnh tật".