Mối quan hệ Mỹ - Triều trước đây vô cùng căng thẳng vào giai đoạn 2016-2017. Thậm chí có những thời điểm ông Trump đã đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên nếu như buộc phải làm vậy để bảo vệ đồng minh. Tháng 10 năm 2017, quân đội Mỹ đã bố trí xung quanh bán đảo Triều Tiên 3 hạm đội và một lực lượng hạt nhân chiến thuật đủ lớn để hủy diệt 4 lần Triều Tiên, nguy cơ chiến tranh hạt nhân nổ ra rất cao.
Ngày 27/10/2017, Triều Tiên cũng tuyên bố họ đã hoàn thành hạt nhân tên lửa. Trong bài phát biểu đầu năm mới năm 2018, ông Kim Jong Un cho biết, Triều Tiên hoàn thành vũ khí hạt nhân và chuyển hướng chiến lược sang ưu tiên cải thiện phát triển kinh tế. Đến tháng 3 năm 2018, Triều Tiên tự nhận là cường quốc hạt nhân, xác định vị thế mới.
Sau đó trong năm 2018, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu đi vào đàm phán. Tại thế vận hội Olympics Pyong Chang diễn ra, Triều Tiên đồng ý cử 5 đoàn đại biểu trong đó có 1 đoàn đại biểu cấp cao dự thế vận hội. Từ đây, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Ý tưởng chọn Việt Nam xuất phát từ Tổng thống Moon Jae In
“Trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào ngày 27/4/2018, tại cuộc gặp bên lề ở khu vực Bàn Môn Điếm, Tổng thống Moon Jae In và Chủ tịch Kim Jong Un đã đề cập đến Việt Nam tất cả 16 lần trong cuộc nói chuyện kéo dài 46 phút. Ông Moon Jae In đã khuyến khích lãnh đạo Kim sang Việt Nam tham khảo mô hình phát triển kinh tế và ông Kim cũng nhiều lần trực tiếp đề cập đến Việt Nam.
Sau đó, Tổng thống Moon có thông tin lại câu chuyện về cuộc gặp với chủ tịch Kim cho phía Hoa Kỳ” - ông Thái cho biết, theo nguồn tin từ Hoa Kỳ.
Sau thế vận hội Pyong Chang, Triều Tiên bật tín hiệu cho biết Hàn Quốc có thể cử đặc phái viên sang Triều Tiên. Trong tiệc chiêu đãi ngày 6/3/2018, ông Kim Jong Un có nhờ đặc phái viên truyền thông điệp đến Tổng thống Mỹ rằng ông sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa, và Tổng thống Trump nhận lời ngay.
Hội nghị lần một, ông Trump đã định sẽ tổ chức tại Việt Nam, nhưng vì thời điểm đó có một số vướng mắc nên cuối cùng hai bên chọn Singapore làm chủ nhà. Đến Hội nghị lần hai, cả phía Mỹ và Triều Tiên đều thống nhất Việt Nam là sự lựa chọn phù hợp hơn cả.
“Ban đầu, Tổng thống Donald Trump không đề xuất tổ chức ở Hà Nội ngay. Phía Hoa Kỳ cho biết, ông Trump rất thích Đà Nẵng” – Tiến sĩ Thái nói.
Sau hội nghị APEC 2017 diễn ra vào tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, ngài Tổng thống tỏ ra rất hứng thú. Thực tế trong dịp đó, Việt Nam rất linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho các đoàn đại biểu tham dự, khiến cho các nguyên thủ vô cùng phấn khởi.
Sau APEC, lực lượng an ninh Mỹ đã khảo sát và có phương án bảo vệ ở Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà được phía Mỹ khen là rất đẹp, thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là con đường độc đạo, dễ phong tỏa.
Bất chấp ý định trong buổi đàm phán ngày 7/2/2018 của phía Hoa Kỳ về việc sẽ chọn Đà Nẵng, Chủ tịch Kim cho rằng Hà Nội mới là nơi có nhiều ý nghĩa biểu tượng với ông. Ông Thái phân tích: thứ nhất, Hà Nội chính là thủ đô của cách mạng, biểu tượng của lòng dũng cảm, anh dũng kiên cường trong chiến đấu và cả cải cách phát triển. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành – ông nội lãnh đạo Kim Jong Un đã từng thăm Hà Nội 2 lần. Đà Nẵng có tất cả các yếu tố về địa chiến lược, nhưng lại không có được lịch sử cách mạng như Hà Nội, nên ông Kim kiên quyết chọn Hà Nội.
Thứ hai, ông Kim muốn kết hợp sự kiện này để thăm chính thức Việt Nam. Có lẽ là nhất cử lưỡng tiện khi vừa kết hợp được câu chuyện đa phương với Mỹ và các đồng minh, vừa tính được câu chuyện song phương với Việt Nam. Sang năm rất có khả năng Việt Nam sẽ thành Chủ tịch ASEAN, kết hợp với khả năng cao quay trở lại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc lần 2. Nếu Triều Tiên tranh thủ được quan hệ với Việt Nam sẽ vô cùng có lợi.
Cuối cùng, phía Hoa Kỳ chấp nhận nhượng bộ Triều Tiên và đồng ý tổ chức tại Hà Nội.
Việt Nam không chỉ là mô hình kinh tế!
Ông Thái cho biết, phía Hoa Kỳ nói với ông rằng: “Việt Nam không chỉ đơn thuần là nơi hội họp, mà còn có rất nhiều giá trị gia tăng. Mỹ coi Việt Nam là một điển hình về phát triển kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thế giới, biết rõ quy trình dỡ bỏ lệnh cấm vận từ Hoa Kỳ, là một hình mẫu cho Triều Tiên”.
Tuy ông Kim Jong Un chỉ có 2 ngày thăm chính thức Việt Nam, nhưng các quan chức cấp cao Triều Tiên thì đã đến Việt Nam từ 2 tuần trước khi diễn ra hội nghị.
Về phía Chủ tịch Kim, ông Thái phân tích: “Chừng nào còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, đất nước còn trong tình trạng chiến tranh, Chủ tịch Kim không thể nào rút nguồn chi cho quân đội để tập trung phát triển kinh tế. Chỉ khi có Hiệp định dừng chiến tranh, ông mới có thể cải tổ quân đội, thu nhỏ quy mô lại”.
Ở Triều Tiên, nam giới đến tuổi 18 phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 10 năm, nữ giới là 7 năm, vậy Triều Tiên sẽ không còn nhiều nhân lực để tham gia sản xuất. Nếu không có tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ông Kim Jong Un không có cách nào để thay đổi luật nghĩa vụ quân sự, không có cách nào để rút nguồn lực đầu tư cho nhà trẻ, trường học, bệnh viện. Do đó một hiệp định chấm dứt chiến tranh là thứ chủ tịch Kim vô cùng mong muốn.
Singapore dở khóc dở cười với 4 máy bay, 2 chiếc thảm đỏ
Việt Nam đã hỗ trợ hết sức cho cả hai bên Triều – Mỹ cũng như phóng viên của các quốc gia còn lại trong 6 bên liên quan. Thực tế, Việt Nam chỉ là nước chủ nhà và đã thành công với vai trò của riêng mình. Đặc biệt sự chân thành của Việt Nam đã được cả hai bên cũng như cộng đồng thế giới ghi nhận. “Có lẽ người Việt Nam, lòng yêu chuộng hòa bình đã ở trong máu, và cả nhà nước cũng như người dân Việt Nam đều muốn cống hiến cho hòa bình”, ông Thái nhận xét.
Ông Thái có nhiều mối quan hệ với phía Singapore. Tại Singapore, ông đã gặp ông S Rajaratnam cũng như các cán bộ ngoại giao để trao đổi kinh nghiệm. Phía Singapore cho biết: Năm ngoái khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần một, đoàn tiếp đón của Singapore cũng không được thông báo chi tiết cho đến tận phút chót.
Thậm chí khi 4 máy bay của Triều Tiên đã hạ cánh ở sân bay mà Cục lễ tân phụ trách đón tiếp vẫn chưa biết ông Kim ngồi trên máy bay nào để trải thảm đỏ, trong khi thảm đỏ chỉ có 2 tấm. Cuối cùng đoàn tiếp đón phải “đánh liều” chọn 2 máy bay lớn hơn để trải thảm đỏ, hy vọng là chủ tịch Kim ngồi trên 1 trong 2 máy bay đó. May mắn là họ đã đúng. Và may mắn hơn cho Việt Nam, đến Hà Nội ông Kim Jong Un di chuyển bằng tàu hỏa, chỉ có duy nhất 1 cửa.
Để bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Kim, Việt Nam đã bố trí bảo vệ dọc 200km từ Lạng Sơn về tận đến Hà Nội. Đó là điều mà Singapore với nguồn nhân lực hạn chế không thể làm được.
Theo TS Trần Việt Thái, ông Kim Jong Un cũng tin tưởng Hà Nội hơn nhiều so với Singapore. Triều Tiên cởi mở với Việt Nam từ những chi tiết rất nhỏ. Khi sang Singapore, Triều Tiên phong tỏa 5 tầng ở khách sạn St.Regis, 2 tầng trên và 2 tầng dưới so với tầng ông Kim ở. Họ mang theo toàn bộ vật dụng từ ga trải giường, lược, máy sấy,… từ Triều Tiên đi để đảm bảo an toàn.
Nhưng ở Việt Nam, chủ tịch Kim hạ cửa kính vẫy tay chào Việt Nam. Trong tiệc chiêu đãi, ông còn chơi thử đàn bầu. Tuy chỉ là những cử chỉ nhỏ nhưng cho thấy những thái độ rất khác của ông Kim với Hà Nội. Đó là điều không thể có được nếu như Việt Nam không cho thấy sự chân thành.