Năm 2018 thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều vụ "chuyển nhà" từ sàn giao dịch chứng khoán này sang sàn khác. Những vụ "chuyển" từ Upcom lên HNX và HoSE, hoặc bị hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên Upcom là khá nhiều, và cũng là những vụ chuyển nhà "thông thường". Thế nhưng, xen vào đó cũng có nhiều vụ "chuyển nhà" ngược từ các sàn HNX và HoSE sang Upcom một cách hoàn toàn tự nguyện.
Hãy xem Gelex "mở hàng" vụ chuyển nhà năm 2018
Gelex (GEX) là doanh nghiệp đầu tiên "chuyển nhà" trong năm 2018 – từ Upcom sang niêm yết trên HoSE. Gần 267 triệu cổ phiếu GEX hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 15/1/2018 và chỉ mấy ngày sau đó, ngày 18/1/2018 đã giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE với giá tham chiếu 25.100 đồng/cổ phiếu.
Nhìn đồ thị giao dịch giá cổ phiếu GEX một năm qua có thể nhận thấy biên độ giao động giá khá lớn. Gelex tăng kịch trần 3 phiên đầu trên HoSE, sau đó là những nhịp điều chỉnh tăng/giảm, đặc biệt giai đoạn nửa đầu tháng 4/2018 GEX đạt đỉnh ở mức giá trên 32.100 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Vốn điều lệ của Gelex cũng tăng hơn gấp rưỡi so với thời điểm chuyển sàn, hiện trên 4.000 tỷ đồng.
Trong 1 năm qua Gelex cũng đã tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ, đưa mảng thiết bị điện thành mảnh kinh doanh truyền thống và chủ lực của công ty. Gelex đã từng bược tiến hành tập trung các công ty con trong cùng lĩnh vực về cùng một mối với các ngành logistic, electric và năng lượng…
Năm 2018 Gelex đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng doanh thu và 1.820 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó tính đến hết quý 3/2018 công ty đã thực hiện được gần 10.050 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
VNPD cũng "chuyển nhà" sang HoSE, vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng
Cũng hủy đăng ký giao dịch trên Upcom ngày 15/1 cùng ngày với Gelex còn có gần 102,5 triệu cổ phiếu VPD của CTCP phát triển điện lực Việt Nam (VNPD). VNPD niêm yết và giao dịch phiên đầu trên HoSE từ 22/1/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.100 đồng/cổ phiếu. Đến nay sau 1 năm chuyển sàn, vốn điều lệ VNPD tăng nhẹ lên thành 1.065 tỷ đồng nhờ phát hành gần 4,1 triệu cổ phiếu .
Diễn biến giá cổ phiếu VPD 1 năm qua cũng khá thăng trầm. Tăng mạnh giai đoạn cuối trên Upcom nhưng VPD lại chịu nhịp điều chỉnh giảm ngay khi lên HoSE, thậm chí giảm sâu đến vùng giá 12.600 đồng/cổ phiếu.
Năm 2018 VNPD đặt mục tiêu đạt 569 tỷ đồng doanh thu và 122,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018 công ty đã đạt hơn 467 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 139,2 tỷ đồng vượt 13% kế hoạch năm.
Tecgroup chuyển từ HNX sang HoSE
Ngày 28/2/2018 toàn bộ gần 18 triệu cổ phiếu TEG của Tecgroup hủy niêm yết trên HNX để chuyển sàn sang niêm yết trên HoSE. Ngay trước thềm chuyển sàn, TEG đã công bố BCTC quý 4/2018 với doanh thu gấp 3 cùng kỳ và LNST gấp đôi cùng kỳ.
Tecgroup cũng có biến động nhân sự lớn ngay trước khi lên sàn, khi ông Đặng Trung Kiên được bầu thay ông Hoàng Đình Lợi giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty.
TEG giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE vào ngày 9/3/2018 và đã có những phiên tăng điểm mạnh, biên độ giao động giá cổ phiếu TEG trong 1 năm qua cũng khá lớn. TEG kết thúc năm 2018 ở mức giá 7.690 đồng/cổ phiếu.
Đạt Phương chuyển nhà từ Upcom sang HoSE
Ngày 16/5/2018 toàn bộ gần 30 triệu cổ phiếu DPG của CTCP Đạt Phương chính thức hủy đăng ký giao dịch trên Upcom sau một năm rưỡi lên sàn, chuyển sang niêm yết trên HoSE. Phiên giao dịch đầu tiên trên HoSE vào 22/5/2018 với giá chào sàn 53.800 đồng/cổ phiếu.
Ngay khi có thông tin sẽ chuyển sàn, cổ phiếu DPG đã tăng mạnh, có lúc tạo đỉnh ở vùng giá 68.200 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sau khi chuyển sàn, DPG chịu nhịp giảm sâu, có lúc còn giảm sâu dưới 35.000 đồng/cổ phiếu. DPG đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 ở mức giá 50.900 đồng/cổ phiếu.
Văn Phú Invest thì chuyển từ HNX sang HoSE
Văn Phú Invest (VPI) hủy niêm yết toàn bộ 160 triệu cổ phiếu trên HNX từ 20/6/2018 sau hơn nửa năm lên sàn. VPI đạt mức giá đỉnh 44.900 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 8/6/2018 khi còn ở trên Upcom.
Sau khi chuyển sàn niêm yết trên HoSE, VPI chào sàn với giá tham chiếu 43.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên cũng từ đó đến nay VPI luôn duy trì mức giá dưới 44.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lúc còn xuống dưới 42.000 đồng/cổ phiếu. VPI đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 ở mức giá 42.350 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu TVB của Chứng khoán Trí Việt tăng 68% so với đầu năm 2018
Nhìn vào đồ thị biến động giá 1 năm qua, cổ đông TVB của Chứng khoán Trí Việt hẳn rất vui mừng bởi cổ phiếu TVB đã tăng 68% so với thời điểm đầu năm 2018. Hơn 15 triệu cổ phiếu TVB đã hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 26/6/2018 và chuyển sang niêm yết trên HoSE.
Đến nay công ty đã phát hành thêm 1,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên gần 162 tỷ đồng. Và gần nhất, cuối tháng 12/2018 vừa qua TVB vừa chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 8 triệu cổ phiếu bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1.
Trên thị trường, cổ phiếu TVB có 3 phiên tăng điểm, trong đó có 2 phiên tăng trần trước khi kết thúc năm 2018, đóng cửa ở mức giá 24.200 đồng/cổ phiếu.
Chứng khoán Artex khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm
Một doanh nghiệp chứng khoán khác là Chứng khoán Artex (ART) cũng chuyển sàn từ Upcom lên HNX ngày 28/9/2018. Chứng khoán Artex có lẽ là doanh nghiệp nhiều biến động nhất trong số những doanh nghiệp "chuyển nhà" năm ngoái. Artex chào sàn HNX ở mức giá 8.100 đồng/cổ phiếu, ART đã tăng trần ngay phiên đầu chuyển sàn lên trên mệnh giá. Tuy nhiên đến nay sau hơn 3 tháng, giá cổ phiếu ART còn 2.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiế SGN giảm 11% sau hơn 4 tháng "chuyển nhà"
Cổ đông của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS – mã chứng khoán SGN) hẳn không nghĩ đến kịch bản khi cổ phiếu SGN chuyển sàn sang niêm yết trên HoSE lại giảm mạnh đến thế.
SAGS chuyển sàn trong bối cảnh tình hình cạnh tranh tại cảng hàng không đang ngày càng gia tăng, các đối thủ được định hình như VASGS chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất tại Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Hà Nội. Đồng thời việc VASGS kết hợp cùng CIAS thành lập Công ty TNHH Dịch vụ hàng không AGS tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã tạo nên đối thủ trực tiếp với công ty tại Cam Ranh.
Gần 24 triệu cổ phiếu SGN hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 23/7/2018. Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối trên Upcom là 146.000 đồng/cổ phiếu. SGN chào sàn HoSE ngày 1/8/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 140.000 đồng/cổ phiếu.
Sau hơn 4 tháng chuyển sàn, SGN đã giảm 11% so với thời điểm vừa "chuyển nhà", đang giao dịch quanh mức 125.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy kết quả kinh doanh của SAGS cũng rất khả quan khi doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 949 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và thực hiện được 78% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ và đã hòa thành 94% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Cổ phiếu SCS của Saigon Cargo Service giảm 17% sau 4 tháng chuyển sàn
Một doanh nghiệp trong ngành dịch vụ hàng không khác cũng chuyển sàn trong năm qua là CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC Saigon Cargo Service – mã chứng khoán SCS).
Nhìn lại, Saigon Carrgo Service đưa toàn bộ gần 46,2 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ 12/7/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 52.000 đồng/cổ phiếu. Sau một năm lên sàn SCS đã tăng vốn điều lệ lên thành gần 500 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng tăng gần gấp 3 lần, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom ở mức 168.500 đồng/cổ phiếu.
Sau đó không lâu, ngày 3/8/2018 SCS giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE ở mức giá 174.105 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau 4 tháng chuyển sàn, SCS đã mất đi 17% giá trị, hiện giao dịch quanh mức 144.000 đồng/cổ phiếu.
Tập đoàn Tiến Bộ cũng "dọn nhà" từ HNX sang HoSE
Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) đã hủy niêm yết trên HNX từ 8/8/2018 để chuyển sàn niêm yết trên HoSE từ 17/8/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.100 đồng/cổ phiếu. Sau gần 5 tháng chuyển sàn, TTB đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2018 ở mức 22.000 đồng/cổ phiếu – không có nhiều biến động so với thời điểm chuyển nhà.
Nếu so với thời điểm đầu năm 2018, thì TTB đã tăng gần gấp đôi so với mức 10.730 đồng/cổ phiếu chào năm mới 2018. Như vậy, thời điểm còn giao dịch trên Upcom cổ phiếu TTB đã đạt mức tăng trưởng rất lớn.
Bia Sài Gòn Miền Trung vượt 27% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
Doanh nghiệp ngành bia – gần 30 triệu cổ phiếu SMB của CTCP Bia Sài Gòn Miền Trung cũng hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 16/7/2018 để lên niêm yết trên HoSE từ 3/8/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 31.300 đồng/cổ phiếu. Đến nay sau 5 tháng lên sàn, SMB đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2018 ở mức 32.400 đồng/cổ phiếu – không có nhiều biến động so với ngày chuyển sàn.
Kết quả kinh doanh, Bia Sài Gòn Miền Trung vừa báo cáo đạt gần 117 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm, gấp 1,5 lần cùng kỳ và vượt 27% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Nước Thủ Dầu Một chuyển từ HNX sang niêm yết trên HoSE
Toàn bộ 81,2 triệu cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một đã hủy niêm yết trên HNX để chuyển sang niêm yết trên HoSE. Phiên giao dịch cuối cùng tại HNX vào 15/10/2018 và giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE vào ngày 24/10/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 19.840 đồng/cổ phiếu. Sau hơn 2 tháng chuyển sàn, giá cổ phiếu TDM không có nhiều biến động, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu.
Những vụ "chuyển nhà ngược" sang Upcom
Chuyển sàn ngược thì doanh nghiệp đáng được nhắc đến có Thế Giới số Trần Anh (TAG). Trần Anh hủy niêm yết tự nguyện trên HNX để chuyển sang giao dịch trên Upcom nhằm tái cơ cấu, tìm đối tác chiến lược.
Trên thực tế, giá cổ phiếu TAG giữ nguyên không đổi từ khi chuyển sàn, nguyên nhân bởi cổ đông lớn nhất - Thế Giới di động - hiện nắm phần lớn, trên 99% vốn cổ phần của Trần Anh. Ngay cả Wesite đăng nhập của Trần Anh cũng đã chuyển hướng hoạt động về dienmayxanh.com từ 1/10/2018.
Một doanh nghiệp khác cũng hủy niêm yết tự nguyện để tái cơ cấu là CTCP Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ (CCM). Tuy nhiên không hẳn là "lui về ở ẩn" như Xuân Mai Corp năm nào, Xi măng Cần Thơ vẫn đưa cổ phiếu lên Upcom để giao dịch từ 6/7/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 18.200 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, CCM đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom ở mức giá 27.300 đồng/cổ phiếu, tăng gấp rưỡi so với ngày chuyển sàn.
Hãy xem những doanh nghiệp bị "bắt buộc" rời nhà cũ
Sau khi cổ phiếu CDO bị tạm ngừng giao dịch không lâu, Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết đinh hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị từ 6/8/2018 để bảo vệ nhà đầu tư sau hàng loạt sai phạm, thậm chí còn dính đến cả án hình sự về thao túng giá cổ phiếu.
Theo thông tin công bố, bị can Nguyễn Vân Giang đã sử dụng chứng minh thư nhân dân của nhiều khách hàng để thành lập các công ty và mở tài khoản chứng khoán, tiến hành giao dịch chéo cổ phiếu CDO, đẩy giá cổ phiếu hòng kiếm lời. Một số nhà đầu tư bị thiệt hại do vụ việc này đã có đơn khiếu nại và tố cáo tới Cơ quan an ninh điều tra. Đến ngày 4/12, Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang.
Ngay khi chuyển sang đăng ký giao dịch trên Upcom cổ phiếu CDO cũng rơi vào tình trạng bị đình chỉ giao dịch và mới được đưa ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch từ 5/10/2018 với giá tham chiếu ngày giao dịch trở lại 900 đồng/cổ phiếu, hiện tại cổ phiếu CDO đang giao dịch ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu. Hóa đơn công ty cũng bị cưỡng chế, không còn giá trị sử dụng do công ty đã không chấp hành nộp tiền thuế, chậm nộp thuế…
KSA và B82 cùng bị hủy niêm yết bắt buộc
Chung số phận với CDO, cổ phiếu KSA của Khoáng sản Bình Thuận bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Còn cổ phiếu B82 của CTCP 482 bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX vì đã chậm nộp BCTC kiểm toán trong 3 năm liên tiếp.
Cổ phiếu KSA đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trên Upcom nhưng cũng cùng chung số phận với CDO khi bị đình chỉ giao dịch ngay khi chuyển sàn. Còn cổ phiếu B82 chính thức giao dịch trên Upcom từ 31/8/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi chuyển sàn cổ phiếu B82 cũng bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Hiện B82 đóng cửa năm 2018 vẫn ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu dù đã có lúc tăng lên 1.300 đồng/cổ phiếu giai đoạn ngay sau chuyển sàn.
Generalexim bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX, cổ phiếu giảm 9% giá trị sau khi chuyển sàn
Trường hợp bị hủy niêm yết cũng được nhắc đến nhiều trong năm nữa là Generalexim (TH1) bởi lúc đó ông Trần Anh Vương, hay còn gọi với tên "nổi tiếng" hơn là Shark Trần Anh Vương đang làm Chủ tịch HĐQT công ty. Generalexim bị hủy niêm yết trên HNX từ 20/4/2018 do thua lỗ liên tiếp 3 năm và số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017.
Ngay sau đó TH1 đăng ký giao dịch trên Upcom từ 27/4/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 5.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên TH1 chuyển sàn chưa lâu thì Shark Vương cũng từ chức, không còn là Chủ tịch Generalexim từ 2/7/2018.
Chuyển sàn, TH1 cũng hầu như rất ít giao dịch khớp lệnh, và hiện giao dịch ở mức 5.000 đồng/cổ phiếu, giảm 9% so với thời điểm "chuyển nhà".
TV1 và KHL bị "ép rời nhà cũ" do kiểm toán từ chối đưa ý kiến trên BCTC năm 2017
Gần 26,3 triệu cổ phiếu TV1 của CTCP Tư vấn xây dựng điện 1 cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE từ 13/6/2018 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC hợp nhất năm 2017. Cơ sở để kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến rất nhiều, ví dụ như việc công ty chưa đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi một số công nợ đã quá hạn thanh toán, như việc kiểm toán không thu thập được bằng chứng về khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 408 tỷ đồng, hay về vốn hóa chi phí lãi vay của Thủy điện Sông Bung 5…
Ngay sau khi hủy niêm yết, TV1 đã đăng ký giao dịch trên Upcom từ 22/6/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.800 đồng/cổ phiếu và cũng bị hạn chế giao dịch từ 22/6/2018 – cổ phiếu TV1 chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần. Đến nay sau nửa năm "chuyển nhà", cổ phiếu TV1 đã tăng 12%, lên mức 15.400 đồng/cổ phiếu.
Cũng với nguyên nhân kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC năm 2017, cổ phiếu KHL của CTCP Khoáng sản và VLXD Hưng Long phải hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 1/6/2018 và đăng ký giao dịch trở lại trên Upcom từ 8/6/2018 với giá chào sàn chỉ vỏn vẹn 300 đồng/cổ phiếu. Đồng thời với việc chuyển sàn, cổ phiếu KHL cũng bị hạn chế giao dịch trên Upcom, chỉ giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Hiện sau 6 tháng, dù có biến động nhưng cổ phiếu KHL vẫn đang giao dịch ở mức 300 đồng/cổ phiếu.
Lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, PXA bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX
Cổ phiếu PXA thì bị hủy niêm yết trên HNX từ 5/6/2018 do công ty đã lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017 theo BTC kiểm toán năm 2017. PXA giao dịch trở lại trên Upcom từ 13/6/2018 với giá tham chiếu 600 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi chuyển sàn PXA cũng bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần.
Năm 2019 đã bắt đầu với phiên giao dịch đầu tiên chỉ số VnIndex giảm 0,79 điểm, xuống còn 891,75 điểm đánh dấu mở màn năm mới. Rất nhiều điều thú vị và bất ngờ đang chờ các nhà đầu tư và doanh nghiệp phía trước.