Trên thị trường chứng khoán có vài chục cổ phiếu có thị giá lên đến 3 chữ số, trên 100.000 đồng. Những cổ phiếu này cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Đặc biệt trong số đó cũng có không ít cổ phiếu "nóng phỏng tay", cũng không ít cổ phiếu âm thầm giao dịch.
VCF của Vinacafe Biên Hòa vẫn đứng trên TOP
Tính đến thời điểm hiện tại, VCF của Vinacafe Biên Hòa đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/5/2021 ở mức 235.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của Vinacafe Biên Hòa rơi vào khoảng 6.200 tỷ đồng.
Xét về diễn biến giá cổ phiếu VCF thậm chí còn giảm 5,2% so với thời điểm đầu tháng 5 đến nay, và cũng chỉ tăng khoảng 3% kể từ đầu năm 2021. Tuy vậy, trên thực tế nhà đầu tư cũng không kỳ vọng vào sự tăng giá của cổ phiếu đặc biệt nay. Nguyên nhân một phần lớn bởi lượng cổ phiếu VCF tự do ngoài thị trường không nhiều, có đến 98,49% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa thuộc sở hữu của Masan Beverage. Thanh khoản trên thị trường không cao.
Vinacafe Biên Hòa cũng được biết đến là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao. Kết quả kinh doanh quý 1/2021, doanh thu thuần đạt 399 tỷ đồng, giảm 17,4% so với doanh thu đạt được quý 1/2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ.
RAL của Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Đứng thứ 2 về thị giá trên thị trường chứng khoán là RAL của Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Năm 2019 doanh nghiệp này được nhắc đến kèm với sự cố cháy nhà máy, giá cổ phiếu rơi mạnh về ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên ngay sau đó công ty phục hồi cả về kết quả kinh doanh, lẫn việc giá cổ phiếu tăng trở lại. Doanh thu năm 2020 đạt 4.922 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước đó còn lợi nhuận sau thuế tăng gần 81% lên mức 336 tỷ đồng.
Quý 1/2021 Bóng đèn Rạng Đông đạt 1.532 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 38,4% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 46% lên mức 110 tỷ đồng. EPS đạt 9.108 đồng.
Trên thị trường, thanh khoản cổ phiếu RAL duy trì đều đặn vài chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Hiện RAL giao dịch quanh mức 226.900 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với giá mở cửa đầu tháng 5 là 228.800 đồng/cổ phiếu. Điểm sáng là trong tháng 5 vừa qua RAL là có lúc tăng mạnh lên 241.900 đồng/cổ phiếu, vượt lên trên cả VCF để trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu ngành khu công nghiệp: NTC của Nam Tân Uyên và SIP của Đầu tư VRG
Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán hiện tại là NTC của doanh nghiệp ngành khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Nam Tân Uyên là doanh nghiệp được xem là "bé" với vốn điều lệ xấp xỉ 240 tỷ đồng tương ứng gần 24 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn. Thanh khoản thị trường ổn định với hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
NTC đã duy trì giao dịch ở mức giá 3 chữ số từ mấy năm nay. Hiện tại NTC đang giao dịch quanh vùng giá 200.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường rơi vào khoảng 4.800 tỷ đồng. Nếu so với giá thời điểm đầu tháng 5/2021 thì NTC giảm khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu. Về diễn biến, hồi đầu năm 2021 cổ phiếu NTC đã có lúc lên đến mức 297.000 đồng/cổ phiếu, tạm chiếm ngôi cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán lúc đó.
Một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu NTC duy trì mức cao, là sức hút ngành khu công nghiệp, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam khi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Năm 2021 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này. Kết quả kinh doanh quý 1 vừa được công bố cũng phản ảnh đúng thực trạng hiện nay: nhiều doanh nghiệp lãi lớn. Nam Tân Uyên ghi nhận doanh thu quý 1 đạt 68 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 113 tỷ đồng, tăng 32% so với quý 1/2021.
Không chỉ Nam Tân Uyên, nhóm các cổ phiếu có thị giá đạt 3 chữ số còn thuộc ngành khu công nghiệp còn có SIP của CTCP Đầu tư VRG. Quý 1 vừa qua, xét về doanh thu, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) đạt 1.331 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Trong số đó, mảng doanh thu từ cung cấp điện, nước và dịch vụ tiện ích khu công nghiệp đều tăng trưởng mạnh. Tính riêng mảng bán điện đã đạt 1.035 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 78% tổng doanh thu toàn công ty. Báo cáo cũng ghi nhận, tổng giá trị bất động sản đầu tư của SIP đến hết quý 1 đạt 4.831 tỷ đồng – chủ yếu là đất và cơ sở hạ tầng cho thuê. Lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt 208 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 186 tỷ đồng.
Không chỉ kết quả kinh doanh thuận lợi, trên thị trường cổ phiếu SIP cũng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất. Hiện SIP giao dịch quanh mức 171.000 đồng/cổ phiếu và duy trì mức cao này từ đầu năm 2021 đến nay. Thậm chí thời điểm đầu năm có lúc SIP tăng vọt lên mức 228.700 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu "nóng phỏng tay"
Những cổ phiếu có thị giá 3 chữ số, lại có thanh khoản thị trường rất cao với nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên không hề ít. Một trong số đó phải kể đến THD của Thaiholdings. Đây có lẽ là cổ phiếu để lại nhiều dấu ấn nhất trên thị trường suốt 1 năm qua.
Lên sàn tháng 6/2020 với 53,9 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu, THD đã tao ấn tượng cho nhà đầu tư khi tăng trần 17 phiên liên tiếp, và đưa giá lên mức 95.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch thứ 18 trên sàn – gấp 6 lần giá chào sàn chỉ trong chưa đầy 1 tháng. ThaiHoldings được nhắc đến không chỉ do giá cổ phiếu biến động mạnh trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư còn biết đến ThaiHoldings qua "ông chủ" nổi tiếng với cái tên quen thuộc: Bầu Thụy.
Trong 1 năm lên sàn, Thaiholdings còn gây chú ý khi phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên gấp 6,6 lần với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.960 tỷ đồng, đồng thời tăng vốn điều lệ lên thành 3.500 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu THD hiện giao dịch ở mức 198.500 đồng/cổ phiếu – với thị giá này, vốn hóa công ty đạt xấp xỉ 69.400 tỷ đồng. Từ đầu tháng 5/2021 đến nay cổ phiếu THD tăng khoảng 6%.
Kết quả kinh doanh, doanh thu quý 1/2021 tăng gấp hơn 7 lần cùng kỳ, đạt 1.086 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế gấp 40 lần, lên 367 tỷ đồng.
Những cái tên gây bất ngờ trong 1 năm qua còn có GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (Global Asset Business). Năm 2019 công ty lên sàn với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu và có 1 năm 2019 khá êm đềm dù vẫn trải qua chuỗi tăng trần đến 8 phiên cuối cùng của năm. GAB đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 16.250 đồng/cổ phiếu.
Năm 2020 mới bắt đầu với 20 phiên tăng trần trong tổng số 21 phiên giao dịch đầu tiên của năm. Sau đó liên tục là những phiên tăng điểm – GAB nhanh chóng vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu chỉ 2 tháng sau đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2/2020, tương ứng mức tăng khoảng 6 lần.
Đà tăng của GAB vẫn không ngừng, và hiện đang tiệm cận vùng giá 200.000 đồng/cổ phiếu – GAB đang giao dịch quanh mức 193.500 đồng/cổ phiếu – gấp 12 lần thời điểm đầu năm 2020.
GAB được các nhà đầu tư quan tâm khi liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết và FLC Faros. Hiện ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 51,09% vốn điều lệ GAB, cùng với đó là thông tin về việc sáp nhập FLC Faros vào GAB.
Cổ phiếu NVL của Địa ốc No Va (Novaland) cũng là một trong những cổ phiếu "nóng phỏng tay" khi thanh khoản lớn, hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Giá cổ phiếu hiện giao dịch ở mức 135.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường của doanh nghiệp rơi vào khoảng 156.700 tỷ đồng.
Novaland vừa thông qua phương án phát hành gần 386 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, dự kiến tăng vốn điều lệ lên 14.587 tỷ đồng.
Nhắc đến những cổ phiếu nóng, có thị giá 3 chữ số còn phải nhắc đến MSN của Masan, MWG của Thế giới di động, DGW của Thế giới số, SAB của Sabeco, PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cặp đôi VHM của Vinhomes và VIC của Tập đoàn Vingroup. Đây đều là những cổ phiếu có thanh khoản thị trường rất lớn.
Cổ phiếu giành quán quân tăng trưởng trong tháng 5
Tháng 5 vừa qua thị trường chứng khoán đón nhận thêm 1 cổ phiếu vào nhóm những cổ phiếu có thị giá 3 chữ số là BIO của CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang. Cổ phiếu này đang duy trì mức giá dưới mệnh giá 9.500 đồng/cổ phiếu nhiều tháng liền, bất ngờ tăng tần phiên giao dịch ngày 22/4 với tỷ lệ tăng kịch trần 40%.
Tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay có tổng cộng 18 phiên giao dịch thì BIO có 2 phiên giảm sàn, một phiên tăng điểm gần đạt mức trần và 15 phiên tăng trần. Giá cổ phiếu BIO đã tăng từ mức 17.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng, lên cao nhất 161.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng hơn gấp 9 lần trước khi giảm sàn phiên vừa qua về mức 130.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá này vẫn còn cao hơn gấp 7 lần so với thời điểm đầu tháng 5. BIO chiếm luôn vị trí quán quân về tăng giá trong tháng 5 vừa qua trong khi kết quả kinh doanh không có gì nổi trội.
Còn rất nhiều cổ phiếu có thị giá 3 chữ số
Bất ngờ nhất có lẽ là WCS của Bến xe Miền Tây. Một doanh nghiệp "bé hạt tiêu" với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bến bãi xe, lương nhân viên bình quân xấp xỉ 20 triệu đồng/năm, thường xuyên chi trả cổ tức tỷ lệ rất cao. WCS cũng luôn nằm trong TOP những doanh nghiệp đạt EPS cao nhất thị trường chứng khoán hàng năm.
Cổ phiếu WCS cũng là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán, thậm chí có lúc còn chen chân vào TOP3 những cổ phiếu có thị giá cao nhất. Hiện WCS giao dịch quanh mức 196.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp rơi vào khoảng 490 tỷ đồng.
Loạt cổ phiếu có thị giá 3 chữ số
Trên thị trường, điểm danh những cổ phiếu có thị giá 3 chữ số còn rất nhiều. Ngành hàng không đóng góp 1 cái tên là SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn. SCS đang giao dịch quanh mức 133.000 đồng/cổ phiếu. Còn có VEF của Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam đang giao dịch quanh mức 134.800 đồng/cổ phiếu. Còn có FOC của FPT Online đang giao dịch quanh mức 108.000 đồng/cổ phiếu. Còn có DHC của Đông Hải Bến Tre hiện giao dịch quanh mức 102.300 đồng/cổ phiếu.
Ngành mía đường có SLS của Mía đường Sơn La đang giao dịch quanh mức 118.000 đồng/cổ phiếu. Ngành dược còn có DP3 của Dược phẩm Trung Ương 3 giao dịch quanh mức 114.500 đồng/cổ phiếu.
Những cổ phiếu hầu như không có thanh khoản, hoặc thanh khoản thấp còn có CMF của Thực phẩm Cholimex, CAB của Truyền hình cáp Việt Nam, HLB của Nước giải khát Hạ Long, hay IN4 của CTCP In số 4.