Dòng tiền F0 ồ ạt đổ vào thị trường, xu hướng đầu cơ "lên ngôi" khiến giao dịch chứng khoán năm 2021 trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nếu nửa đầu năm là thời điểm hoàng kim của nhóm "bank, chứng, thép" thì đến nửa cuối năm nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ lại chiếm lĩnh thị trường.
Từ trước đến nay, cổ phiếu trên sàn UPCoM thường bị các nhà đầu tư "bỏ quên". Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu "trà đá" ở sàn này cũng thu hút dòng tiền đầu cơ mạnh, tăng giá hàng chục lần bất chấp tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, thậm chí thua lỗ bết bát.
Theo thống kê, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán năm 2021 có đến 5 cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM và từng có mức thị giá rất thấp. Bên cạnh những cái tên quen thuộc từng "làm mưa làm gió" trên thị trường, cũng có nhiều cổ phiếu dường như "vô danh" khi tăng sốc nhưng không gây ấn tượng với nhà đầu tư bởi thanh khoản quá thấp.
Quán quân thuộc về một cổ phiếu tăng hơn 21 lần
Quán quân tăng giá năm 2021 thuộc về Công ty cổ phần Ntaco (mã ATA) với mức tăng 21,5 lần từ mức giá vỏn vẹn 200 đồng hồi cuối năm ngoái lên mức 4.300 đồng/cp. Tuy có đà tăng mạnh nhất trong năm, song ATA vẫn là một trong những mã có thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, mã này không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư khi nhiều phiên không có giao dịch hoặc thanh khoản giao dịch luôn duy trì ở mức thấp.
Nhìn lại quá khứ, thời kỳ đỉnh cao của ATA là khi cổ phiếu chạm mốc 30.000 đồng/cp vào năm 2010. Khi đó, tình hình kinh doanh của ATA khá ổn định khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, thời điểm huy hoàng cũng mau chóng kết thúc khi tình hình kinh doanh lao dốc mạnh qua từng năm, cổ phiếu cũng rớt giá thảm hại xuống mức 200 - 300 đồng. Riêng năm 2020, ATA báo lỗ hơn 5 tỷ đồng và đây là năm thứ tư liên tiếp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.
Cổ phiếu từng "nổi loạn" với màn tăng sốc giảm sâu trong vài tháng
Á quân tăng giá năm nay thuộc về một cái tên quen thuộc "họ Louis" - cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital. Cổ phiếu này từng "nổi sóng" trên thị trường khi tăng 64 lần từ mức 1.170 đồng lên đỉnh lịch sử 74.800 đồng/cp vào cuối tháng 9. Dưới "bàn tay vàng" của Louis Holding, TGG "lớn nhanh như thổi" với chuỗi ngày tăng trần miệt mài khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên. Không riêng gì TGG, hàng loạt mã liên quan đến Louis Holding như BII, AGM, APG,…cũng "vịt hóa thiên nga" với mức tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, sau giai đoạn tăng sốc là chuỗi ngày TGG giảm sâu, nằm sàn liên tiếp. Châm ngòi cho đà giảm sốc của nhóm Louis là sau thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến kiểm tra, làm rõ những bất thường liên quan đến diễn biến cổ phiếu. Mặc dù đã bốc hơi khoảng 75% từ đỉnh xuống mức 18.500 đồng/cp nhưng cổ phiếu TGG vẫn ghi nhận tỷ lệ tăng 1.481% từ đầu năm và là mã tăng mạnh nhất trên sàn HoSE.
Một cái tên đặc biệt được chú ý trong năm qua là Tổng Công ty Licogi (mã LIC) khi tăng mạnh từ một cổ phiếu trà đá giá 5.500 lên mức giá đỉnh "ba chữ số" 146.700 đồng/cp vào cuối tháng 11. Không kém cạnh TGG, cổ phiếu LIC từng được xem như hiện tượng trên những diễn đàn với lời hô hào có cánh "mua LIC dưới 200 là món quà của thượng đế".
Tuy nhiên, đang trên đỉnh vinh quang, cổ phiếu LIC tụt dốc không phanh xuống mốc 66.500 đồng/cp (phiên 31/12), tức bốc hơi hơn nửa giá trị chỉ trong vòng một tháng. Đến nay, cơn sóng thần cổ phiếu này dần trôi về quá khứ, chỉ còn lại những nhà đầu tư bị kẹp hàng ở vùng giá đỉnh cay đắng gặm nhấm khoản lỗ khó "về bờ". Tuy tụt sâu từ vùng đỉnh, song cổ phiếu này đã tăng gấp 26 lần so với mức giá cuối năm 2020.
Trong khi cổ phiếu tăng phi mã, tình hình kinh doanh lại khá bết bát khi thua lỗ 28 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, quý 3 doanh nghiệp này đã có lãi trở lại 54 tỷ đồng, nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh mà đến từ khoản lãi tài chính 77 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh
Mức tăng "chục lần" còn ghi nhận trên cổ phiếu NOS của CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông với mức tăng 1.250% trong năm vừa qua. Tuy thị giá cổ phiếu NOS vẫn ở mức thấp dưới mệnh giá, song đây là mức đỉnh trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.
Không đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu, tình hình kinh doanh của NOS khá bết bát khi chưa thể thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên hàng chục năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, NOS báo lỗ 111 tỷ đồng, vốn chủ âm gần 4.300 tỷ do khoản lỗ lũy kế lên đến 4.500 tỷ đồng.
Một cái tên mới nổi trên thị trường gần đây là cổ phiếu CMS của CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam. Trong một năm qua, cổ phiếu CMS đã tăng tăng hơn 10 lần lên mốc 31.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 31/12).
Trái ngược với sự "thăng hoa" trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của CMS lại không mấy sáng sủa khi liên tục ghi nhận thua lỗ. Thống kê trong 3 năm gần đây, năm 2019 là năm duy nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, song mức lãi nhỏ giọt chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2020 CMS báo lỗ ròng gần 14 tỷ đồng, đây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Sang đến năm 2021, tình hình kinh doanh của CMS vẫn không cải thiện hơn. Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu CMS đạt 133 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp âm gần 9 tỷ đồng, tăng 19% so với khoản lỗ năm trước. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh trì trệ tạo áp lực khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ chuyển từ dương 51 tỷ đồng sang âm 63 tỷ đồng.