Năm 2019 sàn giao dịch chứng khoán chứng kiến nhiều mã cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu. Có những cổ phiếu được các nhà đầu tư nhắc mãi vì tạo ra khá nhiều cảm xúc, nhưng cũng có những mã cổ phiếu dù tăng sốc, vẫn không gây được ấn tượng cho các nhà đầu tư.
Quán quân tăng trưởng thuộc về 1 cổ phiếu tăng 83 lần
Quán quân của tăng trưởng cổ phiếu năm 2019 chắc chắn thuộc về VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinaxad). Đang duy trì mức giá mà trước nay thường gọi "ly trà đá" dưới 1.000 đồng/cổ phiếu suốt nhiều năm liền do bị điều chỉnh giá khi thường xuyên trả cổ tức cao, VNX gây bất ngờ từ phiên giao dịch ngày 22/3/2019 với chuỗi 31 phiên tăng trần liên tiếp với chỉ 1 phiên ngắt quãng trong đó. Từ mức giá 1.200 đồng/cổ phiếu VNX nhảy vọt lên mức 54.900 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1,5 tháng.
VNX tiếp tục duy trì mức giá cao này hơn 2 tháng sau đó, trước khi tạo bất ngờ với đỉnh mới ở giá 84.300 đồng/cổ phiếu – gấp hơn 100 lần so với thời điểm đầu năm 2019. Hiện tại VNX đã giảm nhiệt và giao dịch đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 ở mức 65.000 đồng/cổ phiếu – vẫn gấp khoảng 83 lần giá thời điểm đầu năm.
Vinexad tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được ra đời từ năm 1975 với vốn 7 tỷ đồng. Công ty thực hiện cổ phần hóa năm 2006, đến nay vốn điều lệ công ty là 12,2 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến VNX "hot" khiến cổ đông không "nhả" hàng là, ngoài việc trả cổ tức cao, Vinaxad còn thường xuyên lọt danh sách những doanh nghiệp đạt EPS cao. Năm 2017 EPS đạt 7.181 đồng thì năm 2018 đạt 10.177 đồng/cổ phiếu.
Đây cũng là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao. Trước đó nhiều năm, cổ đông công ty hầu như không có giao dịch khớp lệnh, giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm mỗi lần chia cổ tức, và đến lúc VNX còn được hưởng cơ chế đặc biệt do chia cổ tức lớn hơn thị giá.
Cổ phiếu gây chú ý nhất trong năm: Kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh
Thế nhưng, VNX không được nhắc đến nhiều trong cả năm qua cũng bởi thanh khoản thị trường rất thấp, các nhà đầu tư cũng không mặn mà giao dịch cổ phiếu này. Thế nhưng, những cái tên khác dù có tỷ lệ tăng giá thấp hơn rất nhiều như BOT, SIP... vẫn được các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn.
BOT Cầu Thái Hà là tân binh của sàn Upcom năm 2019 này với giá chào sàn 10.000 đồng/cổ phiếu. BOT đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau khi chào sàn và nhanh chóng tạo đỉnh ở mức 58.600 đồng/cổ phiếu. Hiện BOT đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 ở mức 55.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần 6 lần giá chào sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu BOT từ khi lên sàn hồi đầu năm 2019.
Cùng với đó, bản công bố thông tin tiết lộ, BOT Cầu Thái Hà vẫn đang thua lỗ do gánh nặng lãi vay lớn. Quý 3 vừa qua công ty lỗ tiếp 42 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm 2019 lên 128 tỷ đồng.
BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà, công ty thành lập năm 2014. Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng và mới chính thức thu phí từ 10/2/2019. Do vậy vẫn dễ hiểu khi BOT Cầu Thái Hà đang còn khoản nợ vay tài chính hơn 1.100 tỷ đồng tính đến hết quý 3/2019.
Dù giá cổ phiếu tăng mạnh, thanh khoản cũng không hề thấp, nhưng mới đây BOT Cầu Thái Hà phát hành riêng lẻ 8,5 triệu cổ phiếu cho 5 nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đến phút cuối, 3 nhà đầu tư đăng ký trước đó bỏ cuộc, buộc HĐQT công ty phải lựa chọn 3 cái tên khác thay thế.
Cổ phiếu âm thầm và lặng lẽ tăng trong năm
SIP cũng là một cổ phiếu chiếm nhiều giấy mực năm 2019. Là một cổ phiếu ngành khu công nghiệp, SIP đã gây nên một "hiện tượng" khi tăng hơn 8 lần sau khi chào sàn, từ 17.200 đồng/cổ phiếu lên 140.000 đồng/cổ phiếu.
Dù sau đó SIP đã điều chỉnh giảm về mức 95.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2019, nhưng vẫn đủ gấp khoảng 6 lần ngày chào sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu SIP sau hơn nửa năm lên sàn.
Khác với BOT, kết quả kinh doanh của SIP cũng rất thuận lợi với số lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng chỉ trong quý 3, nâng tổng lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 lên 416 tỷ đồng, tăng 189% so với cùng kỳ năm 2019 và đã vượt 108% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Tổng doanh thu 9 tháng đạt hơn 3.100 tỷ đồng, cũng tăng 37% so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm.
Ngoài ra, "Sức hút" chính của SIP một phần nữa nằm ở 4 Khu công nghiệp với tổng diện tích thương mại 2.280ha, trong đó có 2 khu công nghiệp tại Tp HCM và 2 khu khác ở Tây Ninh và Đồng Nai. Bao gồm Khu công nghiệp Phước Đông ở Tây Ninh có tổng diện tích phần KCN 2.190ha và diện tích phần thương mại 1.524ha; KCN ĐônG Nam có diện tích phần KCN 287ha và diện tích thương mại 200ha; KCN Lê Minh Xuân 3 có diện tích phần KCN 311ha và diện tích phần thương mại 220ha; và KCN Lộc An – Bình Sơn có diện tích phần KCN 497ha và diện tích phần thương mại 336ha.
Cổ phiếu đem lại nhiều cảm xúc nhất
Trong khi đó KHD của Khoáng sản Hải Dương lại khiến các nhà đầu tư quan tâm dở khóc dở cười. Đang ổn định ở mức giá 9.800 đồng/cổ phiếu, KHD bất ngờ tăng mạnh lên đến 66.400 đồng/cổ phiếu, gấp 7 lần giá lúc chưa biến động.
KHD duy trì mức giá đó được gần 2 tháng trước khi lao dốc vào giữa tháng 8, có lúc về dưới mệnh giá, và hiện giao dịch quanh mức 11.500 đồng/cổ phiếu – quay lại gần mức giá thời điểm tăng mạnh.
Việc giá cổ phiếu KHD tăng cũng khá bất ngờ khi kết quả kinh doanh của công ty không hề đột phá. Doanh thu năm 2018 đạt 118 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8 tỷ đồng, tăng 6% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Năm 2019 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc đến với các nhà đầu tư. Năm 2020 cũng đã mở màn với nhiều "sóng gió" từ những ngày đầu năm. Năm nay hứa hẹn sẽ lại có những bước đột phá của các cổ phiếu khiến các nhà đầu tư bất ngờ.