Từ đầu năm 2021 đến trước dịp nghỉ Tết Nguyên Đán vừa qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc. Chỉ số VnIndex đã chạm vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, cũng đã có lúc điều chỉnh giảm sâu. Thậm chí VnIndex đã trải qua phiên mất điểm nhiều nhất trong lịch sử cũng trong hơn 1 tháng đầu năm 2021 vừa qua.
Dù vậy, thống kê cho thấy, trên cả 3 sàn HoSE, HNX và Upcom có đến 427 mã tăng điểm trên 10% trong đó riêng sàn HoSE có 86 mã, HNX có 96 mã còn lại thuộc sàn Upcom.
Một cổ phiếu vừa có 22 phiên tăng trần liên tiếp
Quán quân tăng giá trên sàn HOSE thuộc về cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia. Cổ phiếu RIC vừa có chuỗi 22 phiên tăng trần liên tiếp ngay trước kỳ nghỉ Tết, bắt đầu từ 11/1/2021.
RIC mở cửa phiên giao dịch đầu năm ỏ vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ tết ở mức 20.700 đồng/cổ phiếu – tương ứng tỷ lệ tăng 314% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản cổ phiếu RIC cũng khá ổn định với những phiên có chục ngàn đến hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh.
Dù giá cổ phiếu tăng đột biến, nhưng kết quả kinh doanh của RIC vẫn không có đột biến. Đồng thời công ty cũng không có thông tin khác hỗ trợ cho chuỗi tăng giá chứng khoán. Doanh thu cả năm 2021 đạt gần 126 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỷ đồng – cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2020 lên gần 310 tỷ đồng. RIC được biết đến là đơn vị quản lý tổ hợp các khách sạn tại Thành phố Hạ Long, quản lý khu Casino và một số khu vui chơi.
Cổ phiếu BII cũng từng có 1 phiên tăng trần trong tổng số 19 phiên liên tiếp "xuyên năm"
Ở sàn HNX, nhà đầu tư chú ý đến cổ phiếu BII của Công nghiệp Bảo Thư. BII mở của phiên giao dịch đầu năm 2020 ở mức 3.600 đồng/cổ phiếu và đóng cửa nghỉ Tết ở mức 6.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 67%. Tuy nhiên chuỗi tăng giá của cổ phiếu BII đã bắt đầu từ giữa tháng 12/2020 khi cổ phiếu này đang giao dịch ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu (mở cửa phiên giao dịch ngày 14/12/2020). Tính từ mốc thời gian này BII có 17 phiên tăng trần trong tổng số 19 phiên giao dịch liên tiếp.
Diễn biến lớn nhất của BII từ đầu năm 2020 đến nay là sự thay đổi cổ đông lớn. Ông Đỗ Cần – một cổ đông lớn của Công nghiệp Bảo Thư từ tháng 6/2018 đã liên tục bán ra và không còn là cổ đông lớn. Ông Đỗ Cần đã bán ra tổng cộng khoảng 11 triệu cổ phiếu BII.
Bên mua vào, số lượng lớn nhất là ông Đỗ Thành Nhân, mộ nhà đầu tư cá nhân, đã mua tổng cộng 6,7 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn.
Một điểm cần ghi nhận, thanh khoản cổ phiếu BII trên thị trường rất cao, hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên với giá trị giao dịch hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Bảo Thư cũng khá đặc biệt. Tính chung cả năm doanh thu thuần đạt 707 tỷ đồng, gấp gần 28 lần so với doanh thu hơn 25 tỷ đồng đạt được năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi lỗ gần 98 tỷ đồng. Lợi nhuận của BII nhờ ghi nhận kết quả của quý 4 với gần 92 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - trong đó có gần 70 tỷ đồng từ thu nhập khác và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Lũy kế đến hết năm 2020 Bảo Thư vẫn còn lỗ lũy kế gần 56 tỷ đồng.
Cổ phiếu KBC của Kinh Bắc City
Ngành bất động sản khu công nghiệp là một trong những ngành có sự tăng trưởng trong năm 2020 nhờ kỳ vọng vào sự dịch chuyển sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành bất động sản khu công nghiệp cũng vì thế thăng hoa.
Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City) đạt mức tăng khoảng 58% kể từ đầu năm 2020 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 38.600 đồng/cổ phiếu.
Hỗ trợ cho sự bứt phá của cổ phiếu KBC không phải là kết quả kinh doanh. Năm 2020 công ty đạt 2.154 tỷ đồng doanh thu, giảm 33% so với năm 2019. Còn lãi sau thuế đạt gần 300 tỷ đồng, giảm 71% so với năm 2019.
Tuy nhiên, Kinh Bắc City lại đang triển khai loạt dự án trọng điểm năm 2021 và thành lập công ty vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng (trong đó Kinh Bắc City góp 60% tương ứng 1.080 tỷ đồng) để đầu tư vào dự án quần thể công nghiệp đô thị ở Hưng Yên.
Cổ phiếu PGT vừa có loạt chuỗi tăng trần
Cổ phiếu PGT của CTCP PGT Holdings vừa có chuỗi tăng giá ấn tượng. Xét 10 phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ tết vừa qua PGT đã có 7 phiên tăng trần, 2 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm điểm. Còn tính từ đầu năm 2021 đến nay PGT đã tăng 150%, từ vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu lên 7.500 đồng/cổ phiếu. Trong đó PGT bứt phá mạnh mẽ nhất từ đầu tháng 2/2021 đến nay.
Cổ phiếu NRC của Tập đoàn Danh Khôi
Cổ phiếu NRC của Tập đoàn Danh Khôi tăng 66% từ đầu năm 2021 đến nay – đây cũng là giai đoạn cổ phiếu NRC tăng đột biến sau chuỗi thời gian dài cổ phiếu này duy trì giao dịch dưới 14.000 đồng/cổ phiếu.
Nhắc đến Tập đoàn Danh Khôi nhiều nhà đầu tư còn thấy mới lạ, nhưng trên thực tế, Danh Khôi là cái tên mới được thay đổi từ tháng cuối năm 2021 thông qua Đại hội cổ đông bất thường dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Tên cũ là CTCP bất động sản Netland.
Trong khi cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ thì kết quả kinh doanh lại giảm sút mạnh so với năm 2019. Doanh thu cả năm đạt hơn 207 tỷ đồng – giảm 61% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế giảm 31% xuống còn hơn 62 tỷ đồng – và còn cách rất xa kế hoạch lãi 200 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.
Cổ phiếu ART của Chứng khoán Artex
Cổ phiếu ngành chứng khoán cỏ ART của Chứng khoán Artex. Mở cửa phiên giao dịch đầu năm ở mức 3.300 đồng/cổ phiếu, ART liên tục có những phiên tăng trần, đưa cổ phiếu lên mức 7.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tỷ lệ tăng 112%.
Ngay sau đó ART giảm mạnh, và điều chỉnh về mức 4.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng mức giảm 30% từ vùng đỉnh tính từ đầu năm 2021 đến nay.
Cổ phiếu SGT của CTCP Viễn Thông Sài Gòn (Saigon Tel) cũng đã tăng mạnh giai đoạn đầu năm 2020. Tính từ đầu năm 2021 đến nay SGT đã có 16 phiên tăng trần trong tổng số 28 phiên giao dịch từ đầu năm. Trong số 11 phiên còn lại, có 5 phiên giảm sàn, 2 phiên tăng điểm, còn lại là đóng cửa ở mức giảm điểm hoặc về giá tham chiếu.
Trước kỳ nghỉ tết, SGT đóng cửa ở mức 13.300 đồng/cổ phiếu – gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, trước đó SGT đã có lúc tăng đột biến lên mức 18.350 đồng/cổ phiếu, gấp 2,8 lần thời điểm đầu năm. SGT cũng là một trong những cổ phiếu có biên độ tăng/giảm mạnh trong hơn 1 tháng đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, quý 4 vừa qua công ty lãi vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng, cải thiện nhiều so với số lỗ 14,8 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2019. Doanh thu cả năm đạt hơn 470 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước đó còn lãi sau thuế tăng 27,7% lên mức 14,3 tỷ đồng. Dù vậy Saigon Tel còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Cổ phiếu ngành dệt may, GMC của Garmex tăng 67% từ đầu năm 2021. Cổ phiếu LHC của Thủy lợi Lâm Đồng tăng 63% từ đầu năm. VNH của Việt Việt Nhật tăng gấp đôi lên 2.600 đồng/cổ phiếu. KDM của Tập đoàn đầu tư Lê Gia tăng gấp đôi lên 4.800 đồng/cổ phiếu. VHG của Cao su Quảng Nam từng tăng 87% lên mức 2.800 đồng/cổ phiếu và giảm 43% về mức 1.600 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Cổ phiếu HTP của In sách giáo khoa Hòa Phát hăng 79% lên 17.900 đồng/cổ phiếu. VOS của Vận tải Biển Việt Nam, SPI của CTCP SPI. Hay như LUT của Lương Tài đã tăng từ 6.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, lên 9.000 đồng/cổ phiếu rồi lại giảm về mức 5.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Cổ phiếu TTA của Công ty Trường Thành đã tăng từ mức 19.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên 20.650 đồng/cổ phiếu và giảm về 15.200 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng tỷ lệ giảm 27%.... Đây là nhóm những cổ phiếu thanh khoản cao, giá biến động mạnh thời gian đầu năm 2021 đến nay.
Thị trường chứng khoán giai đoạn đầu năm 2021 đã rung lắc với biên độ mạnh, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng vẫn khá tích cực trong năm. Dòng tiền từ các nhà đầu tư mới - nhà đầu tư F0 đang liên tục đổ vào thị trường trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức rất thấp. Số liệu từ VSD cho biết trong tháng 1 có tới hơn 86.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.