Sau khi Hà Nội công bố, dự án đã gây chú ý vì suất đầu tư khổng lồ: 7.210 tỷ đồng, tức là hơn 3.100 tỷ đồng cho 1 km đường (tương đương 3,1 tỷ đồng/m đường).
Con đường “đắt nhất hành tinh” còn gây bức xúc bởi việc điều chỉnh quy hoạch. Bà Lục Lan Hương (195 Đê La Thành) cho biết, người dân dãy số lẻ khu vực đường Đê La Thành luôn ủng hộ chủ trương xây dựng Vành đai 1 nhằm giải tỏa ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, ngày 4/5/2017 UBND thành phố Hà Nội đưa 139 hộ dân dãy số lẻ Đê La Thành vào diện tích đất xen kẹt; điều chỉnh quy hoạch, bổ sung khu đất này vào dự án để làm bãi đỗ xe, công viên cây xanh. Theo bà Hương, các hộ dân đa số đến đây ở từ những năm 70, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng công trình kiên cố và ổn định cuộc sống.
Tương tự, gần 100 hộ dân trên đường La Thành (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cũng đang nằm trong diện GPMB lần 2. Đa số các hộ dân ở đây nằm trong diện GPMB làm công viên Thủ Lệ và tái định cư về đây từ những năm 1960. Họ được cấp “sổ đỏ”, xây dựng nhà kiên cố nhưng đến nay lại một lần nữa nằm trong quy hoạch phải di dời.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, quy hoạch đô thị và GPMB là câu chuyện muôn thửa chưa có lời giải mỗi khi Hà Nội mở đường mới. Hà Nội đang thiếu một lộ trình hợp lý và rõ ràng trong việc quy hoạch phát triển chung. Với mật độ dân cư tăng nhanh như hiện nay nếu không có quy hoạch tổng thể rõ ràng thì chắc chắc sẽ còn thêm những con đường “đắt nhất hành tinh”.
Cần minh bạch về quy hoạch
TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc đầu tư dàn trải, phân kỳ đầu tư dài và các yếu tố chủ quan khác đã trực tiếp và gián tiếp khiến chi phí đầu tư làm đường ở Vành đai 1 nói riêng, địa bàn Thủ đô nói chung trở nên đắt đỏ. Theo ông Phong, đầu tư xây dựng khép kín toàn tuyến Vành đai 1 là cần thiết, tuy nhiên việc tiếp tục xuất hiện những tuyến đường “đắt nhất hành tinh” thể hiện những bất cập trong quản lý quy hoạch, đầu tư các dự án giao thông nội đô tồn tại nhiều năm qua.
Theo Luật Thủ đô, Hà Nội có cơ chế đặc thù về quy hoạch, GPMB cho những đoạn đường mở bằng ngân sách. Do đó, Hà Nội hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế mở rộng thêm 50m tính từ hai bên đường, đấu giá quyền sử dụng đất để hỗ trợ tiền làm đường. Nhưng Hà Nội không vận dụng cơ chế này vì nhiều lý do.
TS. Nguyễn Minh Phong kiến nghị, Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng những chế tài mạnh mẽ để nâng cao trách nhiệm, tăng tính minh bạch các quy hoạch sau phê duyệt. Cùng với đó là thanh kiểm tra chất lượng các quy hoạch, tránh tình trạnh GPMB 2 lần, giúp cải thiện hiệu quả đầu tư công.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Bính, Phó Giám đốc BQLDA cho biết, trong tổng chi phí làm đường thì chi phí lớn nhất là GPMB, hỗ trợ tái định cư đã lên đến hơn 5.800 tỷ đồng (hơn 80%). Trước câu hỏi về Quy hoạch chấp thuận từ năm 1998 nhưng sau 20 năm mới thực hiện khiến tuyến đường bị “trượt giá” lên quá cao, ông Bính cho biết, giao đất cho chủ đầu tư vào thời điểm nào thì sẽ định giá đất tại thời điểm đó.
Giai đoạn trước, lãnh đạo Hà Nội cũng muốn thực hiện dự án nhưng không làm được vì chưa cân đối được ngân sách. Thực hiện được tuyến đường này là nỗ lực, quyết tâm lớn của lãnh đạo thành phố. Đồng thời cũng phải dồn một số dự án khác để tập trung hoàn thành tuyến đường Vành đai 1.
Năm 2010, Hà Nội cũng cho thông xe đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có chiều dài 550 m với tổng mức đầu tư 642 tỷ đồng và được coi là “đắt nhất hành tinh”. Đầu năm 2014, Hà Nội đã thông xe đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sau 5 năm khởi công xây dựng. Tuyến đường dài hơn 500 m nhưng tổng mức đầu tư lên đến hơn 700 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư tuyến đường “đắt nhất hành tinh” cao dần qua các năm.