Trong bối cảnh nền kinh tế của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, thì làn sóng thu hút dòng vốn đầu tư vào BĐS công nghiệp lại đang diễn ra mạnh mẽ.
Nguồn cầu về loại hình BĐS công nghiệp xây sẵn tăng trưởng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc đang dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.
6 tỉ USD FDI đăng kí mới vào khu công nghiệp
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 21,2 tỷ USD, với 1.947 dự án đăng ký đầu tư mới với số vốn là 10,36 tỷ USD. Bạc Liêu chiếm 18,86% nhờ vào dự án Nhà máy điện LNG của Singapore trị giá 4 tỷ USD. Các thị trường dẫn đầu khác là TP.HCM chiếm 15,34%, Hà Nội 13,78% và Bà Rịa - Vũng Tàu với 10,13%. Mức đầu tư từ Singapore đạt 6,76 tỷ USD, chiếm 31,91% tổng vốn FDI đăng ký, tiếp theo là Hàn Quốc 3,16 tỷ USD, tương đương 14,94%; và Trung Quốc với 1,87 tỷ USD, tương đương 8,85%.
Trong 9 tháng đầu năm, ngành sản xuất và chế tạo có tổng vốn FDI đăng ký giảm từ mức18,089 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước xuống còn 9,88 tỷ USD với 614 dự án cấp mới, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2020 các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) đã trực tiếp thu hút khoảng 335 dự án FDI với số vốn đăng ký mới khoảng 6 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký mới cho ngành sản xuất ở khu vực phía Bắc đạt 2,88 tỷ USD, chiếm hơn 61,13% tổng vốn đăng kí mới; theo sau đó là khu vực phía Nam với 1,60 tỷ USD, tương đương 34.05%, và miền Trung là 4.82% với 227 triệu USD.
Cho đến 9 tháng năm 2020, tỉnh Hà Nam thu hút nhiều vốn FDI đăng ký mới nhất với con số là 477.720.043 USD, chiếm 10,14% tổng vốn đầu tư FDI. Tiếp theo là Hải Phòng với 438.844.053 USD, chiếm 9,31% và tỉnh Bắc Ninh đạt 348.405.000 USD, tương đương 7,39%.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên; và ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai là đang dần trở nên khan hiếm. Một số công ty đang xem xét các tỉnh cấp 2 thay thế như Tây Ninh và Vĩnh Long và đó là lý do tại sao vào năm nay chúng ta được chứng kiến các thương vụ đầu tư sản xuất lớn vào các địa điểm đó như Jinyu Tire từ Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD vào khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh.
Đất công nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu thuê tăng mạnh
Theo thông tin từ Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến tháng 6/2020, cả nước có 374 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 114 nghìn ha, trong đó 280 khu đã đi vào hoạt động và tiếp tục mở rộng thêm trên 77,000 ha. 75 khu mới mở rộng thêm 29,000 ha và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trong nửa đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy trên toàn thị trường đạt 73.7%. Ngoài ra, 17 khu kinh tế ven biển sẽ bổ sung khoảng 845,000 hạ nguồn cung cho thị trường. Thống kê 6 tháng đầu năm, dòng vốn FDI đã đổ khoảng 6 tỉ USD vào các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng mạnh từ 2018 đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu có thêm các khu công nghiệp mới trên các địa bàn trọng yếu. Ở khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy đạt 88% ở Tp.HCM, 99% ở Bình Dương, 94% ở Đồng Nai, 84% ở Long An, 79% ở Bà Rịa Vũng Tàu. Ở phía Bắc, tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.
Dự kiến, làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao hơn.
Đồng Nai đang quy hoạch thêm 8 KCN. Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Võ Tấn Đức đã công bố kế hoạch xây dựng bốn khu công nghiệp mới ở Long Thành. Xã Phước Bình sẽ có thêm 2 KCN, quy mô 900 ha, mỗi KCN cho thuê thêm khoảng 500 ha. Các xã Tân Hiệp và Bình An mỗi xã sẽ phát triển một KCN.
Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào công ty con là CTCP Đầu tư Phát triển KCN Vinhomes. Hai dự án đầu tiên của tập đoàn sẽ là tại Hải Phòng, bao gồm Khu công nghiệp Nam Tràng Cát với tổng diện tích 200 ha; và KCN Thủy Nguyên có tổng diện tích 319 ha. Dự kiến hai KCN sẽ đi vào hoạt động năm 2021.
Trong quý 4/2021, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh mới với quy mô 238 ha của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City) sẽ mang lại nguồn cung cần thiết cho tỉnh Bắc Ninh. Trong cùng quý này, TNI Holdings Việt Nam sẽ khai trương KCN Sông Lô 1 với diện tích 177 ha tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại tỉnh Long An ở phía Nam, Công ty cổ phần TIZCO và Công ty Cổ phần Quản Lý KCN Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào Khu công nghiệp Việt Phát với tổng diện tích 1.800 ha vào năm 2021.
Các thương vụ M&A đình đám trong 9 tháng năm 2020
Theo Savills Việt Nam, trong quý 3/2020, các thương vụ mua bán và sáp nhập BĐS công nghiệp vẫn diễn ra sôi động mặc dù thị trường còn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Điển hình cho xu hướng này là tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam. Hay "gã khổng lồ" kho bãi Châu Á – GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỉ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co. Và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...
Trong lĩnh vực sản xuất, tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đặc biệt trong quý 3/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ tập đoàn Wistron (Đài Loan).
Điều quan trọng hơn hết là một số các nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam hơn, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra.
Theo đại diện Savills Việt Nam, hầu hết các giao dịch cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo diễn ra từ 2019, trong khi nhiều hợp đồng thuê cũng được thực hiện từ các công ty đã ở Việt Nam và muốn mở rộng sản xuất. Các hạn chế đi lại đã giới hạn những yêu cầu và gia nhập thị trường mới, trì hoãn việc khảo sát địa điểm mới của các nhà đầu tư quốc tế, do đó làm giảm số lượng hợp đồng thuê đã thực hiện với các nhà đầu tư địa phương.
Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao kỷ lục
Năm 2020 là năm giá thuê đất công nghiệp ghi nhận mức tăng kỷ lục. Nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các khu công nghiệp gần các thành phố lớn leo thang. Tại miền Nam, giá thuê đất trong các KCN năm 2020 đạt 147 USD m2 tại Tp.HCM, 107 USD/m2 tại Bình Dương, 98 USD/m2 tại Đồng Nai, 123 USD/m2 tại Long An và 65 USD/m 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại miền Bắc, giá thuê tại Hà Nội lên đến 129 USD/ m2, Bắc Ninh là 95 USD/m2, Hưng Yên lên 83 USD/m2, Hải Dương là 76 USD/m2 và Hải Phòng lên tới 96 USD/m2.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, giá chào thuê đất công nghiệp đang biến động chưa từng có. Tp.HCM và Hà Nội dẫn đầu về tốc độ tăng giá thuê trong khi mặt bằng giá chung các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể tại TP.HCM, một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất từ 150 USD mỗi m2, nay tăng lên 300 USD mỗi m2 đối với kỳ hạn 30-45 năm. Tại Đồng Nai, mức giá chào thuê từ 100 USD mỗi m2 lên đến khoảng 155 USD mỗi m2, Long An ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD mỗi m2 lên khoảng 200 USD mỗi m2.
Tại một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, dù giá chào thuê thấp hơn phía Nam nhưng cũng ghi nhận mức tăng trưởng. Đơn cử như Hà Nội, giá thuê từ 155 USD mỗi m2, nay tăng lên khoảng 260 USD mỗi m2. Hay tại khu vực Bắc Giang, giá chào thuê từ 55 USD mỗi m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD mỗi m2...Tương tự, tại phân khúc nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận mức giá chào thuê tăng từ 5-10% ở các dự án mới. Chỉ riêng phân khúc nhà xưởng xây sẵn có giá chào thuê ổn định.
Mức giá chào thuê ở trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí quản lý, dịch vụ. Giá chào thuê đất công nghiệp được tính cho kỳ hạn thuê còn lại của dự án. Thông thường, kỳ hạn còn lại của dự án dao động từ 30-45 năm.
Vị chuyên gia này cho hay, việc giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao là do lực cầu quá mạnh nhưng nguồn cung tạm thời còn hạn chế. Từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế, bất động sản công nghiệp chủ yếu tập trung vào các nguồn chủ lực là đất cho thuê. Trên thực tế, nguồn cung đất công nghiệp mặc dù có xu hướng tăng dần theo năm nhưng lực cầu tăng mạnh hơn.
Khảo sát của CBRE Việt Nam, trong 12 tháng qua, nhu cầu khách thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất lớn đã khiến nguồn cung liên tục được mở rộng. Một số ngành đang mở rộng diện tích thuê như điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng nhanh.... Các khách thuê lớn đã hiện diện tại Việt Nam và nguồn cầu bất động sản công nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng trong bối cảnh các nhà sản xuất mở rộng thêm.
Các nhà đầu tư mới về lắp ráp ôtô và linh kiện để cung ứng tại Việt Nam có sự hiện diện rõ. Những doanh nghiệp này tìm hiểu và mở rộng ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, cũng có các nhà đầu tư đang tìm hướng phát triển nhà kho cho thuê.
Các yếu tố chủ chốt thúc đẩy nguồn cầu có thể kể đến là Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự kết nối lưu thông ngày càng tốt hơn, và đây là cú huých lớn thúc đẩy nguồn cầu bất động sản công nghiệp từ khắp nơi đổ về.
Bên cạnh đó, Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng làm gia tăng nhu cầu dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn có các hiệp định thương mại tự do, chính sách ưu đãi đầu tư... cũng đang tạo bệ phóng thu hút nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, tại khu vực miền Bắc đã xuất hiện một số khu vực mới nổi về đất công nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Còn khu vực miền Nam, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận... đang ngấp nghé trở thành những cụm công nghiệp mới nổi.
Còn theo Savills Việt Nam, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn vẫn là phân khúc thu hút nhu cầu cao từ các khách thuê không muốn đưa ra cam kết thuê đất dài hạn do phụ thuộc chủ yếu vào các đơn hàng ngắn hạn. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê chạy đua trong việc bổ sung nguồn cung đất công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng.
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BWID) với hơn 500 ha tại 10 địa điểm thuộc tám thành phố trọng điểm, tăng từ 209 ha trong nửa đầu năm 2018, tiếp tục mở rộng với tư cách là nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê lớn nhất Việt Nam.Các sản phẩm của BWID đa dạng, bao gồm nhà xưởng/nhà kho xây sẵn (RBF/RBW) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS).
Các nhà phát triển kho vận toàn cầu đã tham gia vào thị trường bất chấp đại dịch đang diễn ra. Logos Property từ Úc đầu tư vào Việt Nam thông qua một liên doanh (JV) phát triển logistics trị giá 350 triệu USD. GLP, nhà phát triển kho lớn nhất ở châu Á, đang lên kế hoạch liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD với SEA Logistics Partners (SLP). Công ty Mirae Asset Daewoo Co và Tập đoàn Naver của Hàn Quốc cùng đầu tư 37 triệu USD vào trung tâm logistics LogisValley tại tỉnh Bắc Ninh.
Bức tranh bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2021
Theo các chuyên gia trong ngành, trên nền sáng của BĐS công nghiệp trong năm 2020, dự báo trong cả năm 2021 BĐS công nghiệp sẽ phát triển bởi tác động từ các Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cùng với đó, nhiều tập đoàn trên thế giới lập kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao… cũng là lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hi vọng cho năm 2021.
Theo các chuyên gia trong ngành, không có gì là chắc chắn đối với năm tới, nhưng sự phụ thuộc của phân khúc công nghiệp tại Việt Nam vào việc các chuỗi cung ứng di cư ra khỏi Trung Quốc khá rõ ràng khi nhiều chủ nhà đã nhận định rằng năm tới sẽ là một năm bận rộn và hiệu quả sau khi những hạn chế này được gỡ bỏ.
Với sự cải thiện trong chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và sản xuất công nghiệp trong tháng 9, các chuyên gia hy vọng tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục nếu Việt Nam kiểm soát số ca Covid-19 ở mức thấp. Cuối năm 2020 có thể được chứng kiến các nhà đầu tư và người thuê cố gắng nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán cũng như đạt được các thỏa thuận song phương với các đơn vị phát triển BĐS để chốt được mức giá có lợi nhất trong khi các chủ đầu tư vẫn có thể linh hoạt đàm phán trong bối cảnh đại dịch. Nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào 6 tháng đầu năm 2021, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên, khiến các nhà đầu tư phải chốt giá càng sớm càng tốt.
Bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, phân khúc BĐS Công nghiệp của Việt Nam cũng đang nhận được nhiều lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, cũng như xu hướng dịch chuyển các nhà máy và vốn đầu từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc đại dịch Covid-19 kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết "Mô hình Trung Quốc + 1 có thể ngày càng được các nhà sản xuất theo đuổi, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Chiến lược "Trung Quốc +1" chắc chắn sẽ có hiệu quả trong thời gian tới khi nhiều tập đoàn đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm. Điều này sẽ tăng cường việc cố gắng theo đuổi để sở hữu BĐS công nghiệp nói chung tại các khu kinh tế trọng điểm.
Còn theo CBRE Việt Nam, hoạt động đa dạng hóa vị trí địa lý của các cơ sở sản xuất được đẩy nhanh sẽ là nguồn cầu chính cho thị trường trong thời gian tới. Trong lúc giá thuê đất đã đạt mức cao ở các khu công nghiệp có vị trí đắc địa, việc tìm kiếm nguồn cung đất của khách thuê được mở rộng ra các khu vực xa hơn vùng trung tâm công nghiệp hiện hữu. Thêm vào đó, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang có những thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình mới. Nổi bật là ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm pháp lý, nhân sự giúp hỗ trợ khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Điều này đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam tích hợp giữa cung cấp bất động sản lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý.