Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ "Việt Nam" liên tục được truyền thông nước ngoài nhắc đến trong thời gian vừa qua. Các nhà nghiên cứu, quan sát quốc tế đa phần đang nhận định rằng nền kinh tế 94 triệu dân sẽ nằm trong số những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày một leo thang. Một trong những lợi ích được nhắc đến nhiều nhất là việc thu hút dòng vốn đầu tư.
Sự chuyển hướng đầu tư này có thể được phân thành hai nhóm: Thứ nhất là những nhà đầu tư tiềm năng, đang cân nhắc giữa Trung Quốc và Việt Nam. Và trong tình hình bất ổn như vậy, họ có xu thế thiên hơn về Việt Nam.
Thứ hai là các nhà đầu tư đã hiện diện ở Trung Quốc, đang cân nhắc dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Với con số trên, vốn đăng ký FDI tiếp tục đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, 5 tháng năm 2016 đạt 10,1 tỷ USD; năm 2017 (12,1 tỷ USD) và năm 2018 (9,9 tỷ USD).
Tờ South China Morning Post hồi đầu tháng 5 phân tích rằng những lời đe doạ của Tổng thống Trump đang thúc đẩy dòng vốn từ Trung Quốc" vượt biên" nhanh chóng. Một loạt nhà sản xuất đã xem xét đưa một phần hoạt động đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam, trong mắt các nhà đầu tư, trở thành một địa điểm khá được ưa chuộng.
Ví dụ như khi nói đến sự chuyển dịch của Samsung ra khỏi Trung Quốc, tờ The Economist đánh giá Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn nhờ vào lực lượng lao động trẻ, đông đảo và chi phí thấp. Bởi đối với các chuỗi sản xuất, như Samsung, nhân công giá rẻ là một điểm quan trọng giúp họ tăng lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, sự nhiệt tình với các hiệp định thương mại tự do cũng khiến Việt Nam trở nên đặc biệt hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Một trong những nguyên nhân khiến cho chuỗi cung ứng vào Việt Nam gia tăng là vì trong nước đã có những cơ sở sản xuất có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, ông Phạm Hồng Hải, TGĐ Ngân hàng HSBC bình luận.
Ông cũng đồng tình cho rằng việc Việt Nam đang trở thành một lựa chọn phù hợp với chiến lược Trung Quốc+1 của các công ty đa quốc gia nhờ vào các bước đi phù hợp trong thời gian qua.
Cơ hội là có nhưng thách thức để nắm được cơ hội cũng không dễ dàng khi bên cạnh Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn còn thêm các sự lựa chọn khác khiến họ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định rót vốn. Nghĩa là, để dòng vốn FDI thực sự chảy vào bên trong nền kinh tế 94 triệu dân, Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia khác.
Ấn Độ là một ví dụ. Thị trường 1,3 tỷ dân, nhân công giá rẻ, tính kỷ luật cao cùng quy mô thị trường rất lớn là một trong những đất nước mà nhiều nhà sản xuất điện tử đặt lên bàn cân cùng Việt Nam khi tính đến sự chuyển dịch.
Hãng Pegatron – nhà lắp ráp lớn thứ 2 cho Apple vừa qua đã quyết định rót 300 triệu USD đầu tư vào Ấn Độ thay cho quyết định ban đầu là Việt Nam. Nguyên nhân được đưa ra là lý do nhân công tại Việt Nam không đáp ứng được. Các sản phẩm Apple sẽ được lắp ráp vào tháng 6/2019 và nếu vượt qua yêu cầu chất lượng sẽ được bày bán ở Mỹ trong mùa thu tới.
Không chỉ Ấn Độ, nếu không cẩn thận, Việt Nam cũng có thể bị cạnh tranh gay gắt bởi sự nổi lên của một số thị trường như Myanmar, Indonesia.
Điều này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo trong quý III/2018. "Nền kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và sự nổi lên của một số thị trường như Myanmar, Indonesia, dẫn đến, dòng vốn FDI đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rõ.
Như vậy, về lâu dài, Việt Nam vẫn phải tập trung vào các cam kết cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nâng cao năng lực của chính bản thân để có thể cạnh tranh tất tay trong cuộc đua thu hút vốn ngoại.
Tuy nhiên, vốn ngoại ở đây cũng phải được hiểu là dòng vốn có chất lượng cao, trọng tâm là những dự án thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ cao, có tính lan toả… Có như vậy, Việt Nam mới thực sự được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thay vì chỉ là một nơi "trú bão" và khi bão tan, họ sẽ cất buồm ra đi.