Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023. Mặc dù ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các ngành, trong đó nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế với nhiều điểm sáng, song, rất nhiều chỉ số vĩ mô cho thấy rõ những thách thức, khó khăn với DN và nền kinh tế, đòi hỏi cần phải có ngay những chính sách kịp thời để tăng trưởng ổn định, bảo đảm các cân đối lớn.
Hai chân kiềng quan trọng của tăng trưởng là sản xuất và tiêu dùng đã ghi nhận sự suy giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm. Đầu tiên là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đã giảm khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế - đã giảm tới 6,9%.
Trong bối cảnh nhóm hàng công nghiệp chế biến hiện đang chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, khi sản xuất công nghiệp giảm, đã kéo theo tăng trưởng xuất, nhập khẩu giảm theo. Mặc dù ghi nhận xuất siêu hơn 2,8 tỷ USD, song cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng qua đều giảm sâu - ở mức 2 con số (trong đó, xuất khẩu giảm hơn 10% và nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm trước) - là rất đáng báo động.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 đã giảm khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục thống kê về quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này - nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay - cho thấy “chân kiềng tiêu dùng” vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể, cho dù tháng đầu năm trùng với thời gian cao điểm mua sắm hàng hoá tiêu dùng dịp lễ, Tết.
Chân kiềng quan trọng thứ 3 là đầu tư, mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao của đầu tư công qua 2 tháng đầu năm - tăng tới 18%, song cả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) và đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đều có sự sụt giảm mạnh - cho thấy sức lan toả của nguồn vốn “mồi” chưa lớn.
Chỉ trong 2 tháng, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường tăng tới 14,5%. Bình quân một tháng có hơn 25.700 DN phải tạm ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập của hàng vạn lao động.
Mặc dù mới trải qua 2 tháng đầu của năm, số ngày nghỉ lễ, Tết kéo dài, nhưng khi cả 3 động lực quan trọng của tăng trưởng đều có sự sụt giảm hoặc có dấu hiệu sụt giảm, đã bộc lộ rõ những khó khăn nội tại của nền kinh tế trước những cú sốc, tác động từ bên ngoài; là những chỉ dấu rất đáng lo lắng về sức chống chịu và niềm tin thị trường, niềm tin của DN và nhà đầu tư.
Tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” mới đây, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu, phải “bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc”. Đồng thời, phải “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính…”.
Thiết nghĩ, yêu cầu này cần phải đẩy mạnh trong mọi mặt hoạt động của nền kinh tế, không chỉ riêng đối với lĩnh vực đầu tư công hay các chương trình mục tiêu, trọng điểm. Từ những con số được thống kê, cần nhận diện và làm rõ các nguyên do để có giải pháp phù hợp và hữu hiệu. Có như vậy, mới đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng và đủ sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài./.