Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thời gian qua nhiều công trình lớn trên cả nước đã được phát động khởi công và hoàn thành đúng tiến độ nhanh chóng đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.
Một trong những công trình trọng điểm phải kể đến là Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW, tổng vốn đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng.
Theo thiết kế và tiến độ dự án, tổ máy 1 và 2 của Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ lần lượt phát điện vào quý III và quý IV/2024. Dự án khi hoàn thành sẽ có sản lượng phát điện bình quân trên 488 triệu kWh/năm, tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công trình Thủy Điện Hòa Bình, tiếp theo là Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta. Công trình Thủy điện Hòa Bình cũng là biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam-Liên Xô trước đây cũng như Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay. Với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
“Việc nghiên cứu để khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2 chính là thể hiện sự kế thừa và phát huy sáng tạo, phát triển của hệ thống của thế hệ hôm nay, tiếp nối những thế hệ đi trước, để tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Chúng ta đang nghiên cứu việc chống lãng phí, thì Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng tận dụng được dòng nước thừa để phát điện với công suất 480MW. Đây là sáng kiến rất quan trọng của giới nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, Thủ tướng đánh giá.
Cũng trong thời điểm chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cầu Thăng Long (Hà Nội) đã chính thức thông xe trở lại, sau hơn 4 tháng thi công sửa chữa. Đánh giá về chất lượng, ý nghĩa của công trình này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam khẳng định: Với công nghệ châu Âu đã được chuyển giao thành công, nhất là về kỹ thuật bê tông và đinh neo, sức chịu tải của cầu sẽ được nâng lên 2,5-3 lần so với trước đây và tuổi thọ kết cấu bê tông lên tới 30 năm.
“Xét về tuổi thọ và độ bền của cầu trong lần sửa chữa này, riêng phần bê tông có thể kéo dài trên 30 năm. Còn phần thảm nhựa sau khi tuân thủ đúng kĩ thuật, 5-10 năm sau sẽ duy tu, bảo trì. Quá trình sửa chữa lần này đảm bảo tiến độ, mỹ quan, kịp thời kết nối với Đường Vành đai 3 đã hoàn thành tháng 11/2020. Khi thông cầu và đường sẽ đem lại hiệu quả, giải quyết ùn tắc, giảm tải cầu Nhật Tân. Các doanh nghiệp vận tải sẽ rút ngắn được quãng đường vận chuyển hàng hòa, tăng hiệu quả kinh tế”, ông Huyện nói.
Đơn vị quản lý dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội cũng vừa mở cửa cho người dân vào thăm quan đoàn tàu đầu tiên. Đây là những sự kiện được công khai đến người dân về kỹ thuật, công nghệ, tiến độ của các dự án nhằm chào mừng Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII.
Ông Phạm Viết Cường và ông Nguyễn Công Thuận người dân Hà Nội chia sẻ: “Thăm quan đoàn tàu chúng tôi thấy thiết kế đẹp, đi lại thoải mái. Công ty tổ chức cho người dân vào thăm quan đường sắt trên cao, nhất là thăm quan ga số 1 tại Nhổn khiến mọi người đều cảm thấy rất vui. Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển giao thông thành phố là điều rất đáng hoan nghênh…”
Người dân cũng kỳ vọng, không chỉ chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, các công trình trọng điểm sau khi đi vào sử dụng phải đảm bảo chất lượng, vận hành hiệu quả, góp phần phát triển đất nước.