TTCK Việt Nam đang trải qua giai đoạn thăng hoa với sự bứt phá mạnh cả về điểm số và thanh khoản. Đóng góp vào diễn biến tích cực của thị trường thời gian qua không thể không nhắc tới vai trò của dòng tiền margin.
Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 1/2021 vào khoảng 110.000 tỷ đồng (~4,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm hoạt động cho vay 3 bên. Nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều 110.000 tỷ đồng.
Dù vậy, việc nhà đầu tư đẩy mạnh sử dụng margin đã khiến nhiều thời điểm một số CTCK hết nguồn cho vay. Theo quy định hiện hành, CTCK chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần Vốn chủ sở hữu (VCSH) và điều này khiến một số CTCK lớn đang tiệm cận mức giới hạn cho vay.
Nhiều CTCK tiệm cận giới hạn cho vay vào cuối quý 1
Thống kê 25 CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường cuối quý 1 cho thấy Chứng khoán MBS đang có tỷ lệ Dư nợ margin/VCSH lớn nhất với 189%, tiếp theo lần lượt là Chứng khoán Phú Hưng (PHS) với tỷ lệ Dư nợ/VCSH 188%; Chứng khoán Yuanta 187%; Chứng khoán HSC 186%; Chứng khoán Mirae Asset 176%...Đây là những CTCK sẽ khó có khả năng mở rộng cho vay margin nếu không sớm tăng vốn trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, các CTCK còn dư địa cho vay lớn có thể kể tới SHS khi tỷ lệ dư nợ margin/VCSH mới chỉ 64%; IBSC (tỷ lệ 53%); Vietinbank Securities (tỷ lệ 83%); Agriseco (tỷ lệ 42%); TCBS (tỷ lệ 83%); VCSC (tỷ lệ 93%); SSI (tỷ lệ 97%)…
Nhiều CTCK đẩy mạnh tăng vốn đáp ứng nhu cầu margin
Những quý gần đây, dư nợ margin trên thị trường liên tiếp lập kỷ lục, quý sau cao hơn quý trước. Trong trường hợp HoSE khắc phục được sự cố nghẽn lệnh, thanh khoản thị trường tiếp tục lên tầm cao mới thì nhu cầu margin tiếp tục lập đỉnh mới cũng là điều không quá bất ngờ.
Tuy vậy, hiện khá nhiều CTCK top đầu đang tiệm cận mức giới hạn cho vay khi dư nợ/VCSH đã gần 2 lần. Để tăng VCSH, CTCK có thể tăng dựa trên tích lũy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh hoặc chào bán cổ phiếu để tăng vốn. Việc tăng lợi nhuận sẽ không thể nhanh và thậm chí có phần "phập phù" dựa trên biến động thị trường. Do đó, các CTCK đã đẩy mạnh phương án phát hành cổ phiếu để gia tăng khả năng cho vay, đón đầu xu hướng bùng nổ thanh khoản thị trường trong thời gian tới.
Mùa ĐHCĐ đang diễn ra và có lẽ chưa khi nào giới đầu tư được chứng kiến nhu cầu tăng vốn mạnh như lúc này của các Công ty chứng khoán (CTCK).
Tại ĐHCĐ diễn ra vào cuối tháng 3, CTCK VNDIRECT (VND) đã thông qua việc phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1). Mục đích của đợt chào bán này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo.
Chứng khoán HSC cũng vừa hoàn tất lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành 152,52 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 14.000 đồng/cp (tỷ lệ thực hiện quyền 2:1). Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 2.135,3 tỷ đồng, trong đó HSC sẽ bổ sung 1.495 tỷ đồng cho hoạt động giao dịch ký quỹ; bổ sung 427 tỷ đồng cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và còn lại 213,3 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh.
Tương tự, ĐHCĐ Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã thông qua phương án 166,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) để tăng vốn lên 3.330 tỷ đồng ngay trong năm nay. Chứng khoán MBS thông qua phương án tăng vốn từ 1.643 tỷ lên 2.676 tỷ đồng từ việc phát hành ESOP, chào bán cho cổ đông, trả cổ tức; Chứng khoán SSI cũng phát hành gần 47 triệu cổ phiếu để chuyển cho lô trái phiếu trị giá 1.150 tỷ đồng với mức giá 24.541 đồng/cp.
Bên cạnh đó là hàng loạt các CTCK nhỏ đã và đang có kế hoạch nâng vốn lên 1.000 tỷ đồng như trường hợp Pinetree, Đại Nam (DNSE), Đà Nẵng (DNSC), Everes (EVS), An Bình (ABS)…để tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng dịch vụ cho giới đầu tư.