Ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, giá dầu đã tăng khá mạnh do nhu cầu tăng cao và nguồn cung hạn chế.
Giá dầu liên tục tăng cao vì nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có tác động của chiến tranh. Ảnh Jae C. Hong|AP Photos
Những cú sốc về giá dầu không phải là mới. Nhìn xuyên suốt lịch sử, chúng là một phần không thể thiếu của thị trường dầu mỏ, không phải là sự bất thường. Chúng đã xuất hiện từ khi ngành công nghiệp dầu mỏ ra đời.
Nhiều yếu tố có thể gây ra cú sốc giá dầu. Chúng bao gồm sự thay đổi lớn về cung hoặc cầu ở mọi nơi trên thế giới, vì dầu mỏ là hàng hóa toàn cầu.
Các cú sốc cũng có thể là kết quả của chiến tranh và các cuộc cách mạng, là hậu quả của các giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các nước nhập khẩu nhiều dầu, là các vấn đề nội tại ở các nước xuất khẩu dầu, chẳng hạn như xung đột chính trị hoặc đầu tư yếu kém vào ngành công nghiệp dầu mỏ ở nước đó.
Tuy nhiên, mức tăng đột biến tồi tệ nhất về giá dầu thường là sự kết hợp của hai hoặc nhiều yếu tố nói trên, và đó là chính là tình hình hiện nay.
Biểu đồ giá dầu giai đoạn từ 1970 đến 2014. Đồ họa The Conversation, dữ liệu nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ
Nửa thế kỷ thăng trầm của giá dầu
Bắt đầu từ giữa những năm 1980, sản xuất dầu lửa phục vụ cho thị trường toàn cầu đã bắt đầu, và gia tăng nhanh chóng trong nửa đầu thế kỷ 20.
Vào giai đoạn đó, các công ty dầu lớn của Mỹ như Chevron, Amoco và Mobil được thành lập vào năm 1911, sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bắt buộc Standard Oi, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ gần như độc chiếm thị trường lúc bấy giờ, phải chia tách thành các công ty nhỏ hơn để có sự cạnh tranh lành mạnh.
Nhiều công ty dầu lửa lớn của Mỹ hiện giờ đều từ đế chế Standard Oil phân tách ra. Ảnh nguồn FT
Sự phân chia này cũng giúp duy trì mức sản xuất hợp lý để tạo ra giá dầu rẻ, đồng thời có nguồn cung dồi dào cho thị trường, khuyến khích việc tiêu thụ dầu mỏ nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều này chấm dứt khi vào năm 1960, các nước sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (viết tắt là OPEC/Organization of Petroleum Exporting Countries).
Các nước này quốc hữu hóa toàn bộ số dầu mỏ dự trữ và do vậy trở thành các thế lực mới trong cung cầu dầu lửa trên thế giới.
Năm 1973, các thành viên Ả Rập của OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu khi các nước phương Tây ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur với Ai Cập và Syria. Giá dầu thế giới tăng gấp 4 lần, từ mức trung bình 2,90 USD/thùng lên 11,65 USD.
Để đối phó với điều này, các nhà lãnh đạo chính phủ ở các nước giàu đã đưa ra các chính sách nhằm ổn định nguồn cung dầu.
Những điều này bao gồm việc tìm kiếm thêm dầu, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển năng lượng và tạo ra nguồn dự trữ dầu chiến lược mà các chính phủ có thể sử dụng để giảm thiểu các cú sốc giá dầu trong tương lai.
Nhưng sáu năm sau, giá dầu lại tăng hơn gấp đôi khi cuộc cách mạng ở Iran khiến nước này buộc phải tạm dừng sản xuất dầu lửa. Từ giữa năm 1979 đến giữa năm 1980, dầu đã tăng từ 13 USD/thùng lên 34 USD/thùng.
Trong vài năm tiếp theo, kết hợp với suy thoái kinh tế, việc thay thế dầu bằng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm và công nghiệp, và việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các phương tiện đi lại cá nhân nhỏ hơn đã giúp giảm nhu cầu và giá dầu.
Những mỏ dầu bị đốt ở Kuwait vào ngày 21/3/1991. Ảnh ORBIS via Getty Images
Cú sốc lớn tiếp theo xảy ra vào năm 1990 khi Iraq xâm lược Kuwait. Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại với Iraq và Kuwait, khiến giá dầu tăng từ 15 USD/thùng vào tháng 7/1990 lên 42 USD/thùng vào tháng 10 năm đó.
Quân đội Hoa Kỳ và liên quân đã tiến vào Kuwait và đánh bại quân đội Iraq chỉ trong vài tháng.
Trong chiến dịch này, Ả Rập Xê Út đã tăng sản lượng dầu hơn 3 triệu thùng mỗi ngày, gần bằng số lượng mà Iraq cung cấp trước đó, để giúp giảm bớt mức tăng giá dầu và rút ngắn thời gian tăng giá.
Nhiều cú sốc về giá hơn xảy ra vào các giai đoạn 2005-2008 và 2010-2014 do nhu cầu tăng vọt, tác động bởi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Vào thời điểm đó, OPEC không thể mở rộng sản xuất do thiếu vốn đầu tư trong một thời gian dài.
Cơn bão hoàn hảo năm 2022
Khoan thăm dò địa chất tìm dầu tại điểm nứt vỡ Cuadrilla gần Blackpool (Anh). Ảnh Danny Lawson/PA
Nhiều yếu tố hiện đang khiến giá dầu tăng vọt trên toàn thế giới, trong đó có 3 yếu tố chính:
- Nhu cầu về dầu đã tăng nhanh hơn dự kiến trong những tháng gần đây khi các quốc gia hoạt động trở lại, sau một thời gian dài phong tỏa vì đại dịch.
- OPEC +, mối quan hệ đối tác lỏng lẻo giữa OPEC và Nga, đã không nâng sản lượng khai thác dầu lên một mức tương xứng, và tương tự, các công ty sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ cũng vậy.
- Các quốc gia đã mở các kho dầu và nhiên liệu dự trữ để lấp đầy khoảng trống do nguồn cung hạn chế tạo ra, khiến các kho dự trữ dầu giảm xuống tới mức rất thấp.
Những diễn biến này đã khiến các nhà giao dịch dầu lo lắng về tình trạng khan hiếm dầu. Đáp lại, họ đã tăng giá dầu.
Điều đáng chú ý là trong khi người tiêu dùng thường đổ lỗi cho các công ty dầu mỏ (và các chính trị gia) về giá dầu cao, thì những mức giá này lại do các nhà giao dịch hàng hóa ở các thị trường chứng khoán như New York, London và Singapore ấn định.
iểu đồ giá dầu từ năm 2006 đến 2022. Đồ họa của Statista
BTrong bối cảnh vốn đã khá ảm đạm đó, ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga chính thức tấn công Ukraine.
Các thương nhân nhanh chóng nhận ra viễn cảnh Nga sẽ bị trừng phạt và xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ bị cấm vận, và các lệnh đặt mua dầu tiếp tục với giá vọt lên cao.
Những yếu tố bất ngờ cũng đã xuất hiện. Các công ty dầu khí lớn bao gồm Shell, BP và ExxonMobil đang chấm dứt hoạt động tại Nga. Những người mua trên thị trường giao ngay đã từ chối dầu thô của Nga qua đường biển, có lẽ vì sợ các lệnh trừng phạt.
Hôm 8/3, chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Không quốc gia nào là khách hàng lớn của Nga, nhưng hành động của Hoa Kỳ và Anh đã tạo tiền lệ khiến một số nhà phân tích và thương nhân lo ngại điều này có thể dẫn đến một sự leo thang, khi Nga giảm hoặc ngưng xuất khẩu dầu sang các nước đồng minh của Mỹ.
Tập hợp các điều kiện này là chưa từng có. Nó không chỉ phản ánh sự phức tạp ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với các công ty năng lượng, vốn đang chịu áp lực từ các nhà hoạt động vì môi trường, để tránh thiệt hại thêm về danh tiếng và rời bỏ một trong những thị trường giàu dầu mỏ nhất trên thế giới.
Một số công ty, chẳng hạn như BP, đang từ bỏ những hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la.
Điều gì có thể xoa dịu cú sốc này?
Các nhân tố chính có thể giúp hạn chế cú sốc giá này là OPEC, chủ yếu chính là Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ. Đối với các quốc gia này, việc kìm hãm nguồn cung dầu là một lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy họ có khả năng thay đổi sự lựa chọn của mình.
Việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu Iran sẽ giúp nâng nguồn cung dầu cho thị trường, mặc dù không đủ để giảm giá dầu nhiều.
Việc tăng sản lượng từ các nhà sản xuất nhỏ hơn, chẳng hạn như Guyana, Na Uy, Brazil và Venezuela, cũng sẽ mang lại các lợi ích. Nhưng ngay cả khi kết hợp lại, những quốc gia này không thể đạt tới qui mô sản xuất của Ả Rập Xê Út hoặc Hoa Kỳ để có thể làm tăng mạnh nguồn cung.
Tất cả những điều không chắc chắn này làm cho lịch sử chỉ là một hướng dẫn phần nào cho cú sốc giá dầu. Hiện tại không có cách nào để biết các yếu tố thúc đẩy giá dầu sẽ tồn tại trong bao lâu, hoặc liệu giá dầu có tăng cao hơn nữa hay không.
Điều này rõ ràng mang lại sự không thoải mái cho người tiêu dùng khi họ phải đối mặt với chi phí nhiên liệu ngày càng cao trên khắp thế giới.
(Theo The Conversation)