Những cuộc khủng hoảng “bị lãng quên” vì xung đột Nga

29/05/2022 10:23
Khi sự quan tâm của thế giới đều đổ dồn vào xung đột vũ trang Nga-Ukraine, những cuộc khủng hoảng nhân đạo khác như ở Afghanistan, Yemen và vùng Sừng châu Phi đều trở nên mờ nhạt và sẽ tồi tệ hơn nếu không có sự can thiệp quyết liệt.

Những cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Ước tính khoảng 19 triệu người Afghanistan - gần một nửa dân số - đang trải qua tình trạng mất an ninh lương thực cực độ trong cuộc khủng hoảng leo thang nghiêm trọng kể từ khi Mỹ rút quân vào tháng 8/2021, chấm dứt hai thập kỷ hiện diện quân sự tại quốc gia Nam Á này.

Tại Yemen, khoảng 2/3 dân số, tương đương 19 triệu người, cũng phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do nước này phụ thuộc nhiều vào các đợt viện trợ. Khoảng 14 triệu người ở Kenya, Somalia và Ethiopia đang trên bờ vực của nạn đói.

Tổng Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Robert Mardini cho biết, cơ quan này đã nhận thấy sự sụt giảm nguồn tài trợ nhân đạo toàn cầu kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

“Hiện tại mọi sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc khủng hoảng Ukraine, mọi sự hỗ trợ cũng hướng về Ukraine. Liệu điều đó có ảnh hưởng tới các cuộc khủng hoảng khác không hay không, thời gian sẽ trả lời”, ông Mardini nói.

Ông Mardini cho biết các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ cho năm 2022 mới chỉ được tài trợ 42%, trong khi tỷ lệ này vào cùng thời điểm năm 2021 là 52%.

Bà Athena Rayburn, Giám đốc vận động, truyền thông và chiến dịch tại Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Afghanistan, cho biết tình hình tại nước này đã xấu đi rõ rệt kể từ khi Mỹ rút quân và vấn đề này không còn được nhiều người quan tâm như cách đây 9 tháng. Bà Rayburn lo ngại những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra ở Afghanistan.

“Các mạng lưới an sinh xã hội tồn tại trước tháng 8/2021 đều đã bị rút cạn. Trường học đóng cửa, bệnh viện đóng cửa, giá thực phẩm, nhiên liệu và tiền thuê nhà đều tăng. Điều đó đang khiến mọi người rơi vào trạng thái tuyệt vọng”, bà nói.

Theo bà Rayburn, chính phủ các nước đang cắt giảm ngân sách viện trợ nhân đạo cho Afghanistan và các quốc gia cũng đang chuyển hướng để dành nguồn lực cho Ukraine.

“Có rất nhiều lý do khiến vấn đề Ukraine thu hút chú ý nhiều đến vậy. Nếu so sánh với sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng dành cho Ukraine, thì cuộc khủng hoảng ở Afghanistan hoàn toàn mờ nhạt”, bà Rayburn đánh giá.

Các nguồn lực cạn dần

Ngoài việc làm chệch hướng sự chú ý của các chính phủ và công chúng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng trên thế giới, rút cạn viện trợ phát triển trong khi khiến giá một số mặt hàng ngày càng tăng cao.

Ông Daniel Maxwell, giáo sư về an ninh lương thực tại Trường Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman thuộc Đại học Tufts cho biết chiến tranh ảnh hưởng tiêu cực đến các nước vốn phải vật lộn để đối phó với giá lúa mì và ngô hoặc ngô đang tăng cao.

“Chiến tranh Nga-Ukraine đã gây ra những tác động mạnh mẽ về giá cả và do đó làm cho tất cả những cuộc khủng hoảng khác trở nên trầm trọng hơn. Mức độ ‘phủ sóng’ trên các phương tiện truyền thông cũng như các ưu tiên địa chính trị khiến Ukraine thu hút mọi sự chú ý cũng như viện trợ. Điều này khiến nguồn lực dành cho các khu vực khác trên thế giới sẽ bị hạn chế khá nhiều. Chúng ta có thể cân nhắc về 2 vấn đề cùng một lúc. Nhưng tôi không nhận thấy chúng ta đang làm như vậy”, ông Maxwell nói.

Tại Yemen, xung đột đã bùng phát kể từ khi liên minh các quốc gia vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành cuộc tấn công nhằm vào lực lượng nổi dậy Houthi vào năm 2015. Đất nước vốn đã nghèo lại phải chịu cảnh dịch bệnh và nghèo đói triền miên kể từ đó.

Sukaina Sharafuddin, một nhân viên cứu trợ Yemen, cho biết: “Nhiều gia đình đã không nhìn thấy trái cây hoặc rau trong nhiều tháng. Tôi đã gặp một người mẹ có 5 đứa con và tôi hỏi rằng cô ấy cho chúng ăn gì. Cô ấy nói đôi khi họ chỉ đun sôi nước với gia vị rồi uống vì không có thực phẩm”.

Ông Mardini cảnh báo, các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và vệ sinh, "đang trên bờ vực sụp đổ" trên khắp Yemen.

Một hội nghị gây quỹ của Liên Hợp Quốc cho Yemen vào tháng 3 đã đưa ra cam kết hỗ trợ nhân đạo 1,3 tỷ USD. Mặc dù điều đó được các nhà tổ chức hoan nghênh, nhưng nó chỉ chiếm chưa đến 1/3 so với con số mà Liên Hợp Quốc cho là cần thiết. Năm 2022 trở thành năm thứ sáu hoạt động viện trợ cho Yemen không được tài trợ đầy đủ.

Cũng trong tháng 3, Ủy ban Khẩn cấp Thảm họa, một liên minh các cơ quan viện trợ của Anh, kêu gọi viện trợ cho Ukraine, quyên góp được 240 triệu USD trong 2 tuần đầu tiên. Lời kêu gọi tương tự cho trường hợp của Yemen, vào tháng 12/2016 chỉ huy động được 36 triệu USD.

Theo bà Sharafuddin, sự chênh lệch trong việc gây quỹ là do người dân ở các quốc gia tài trợ “cảm thấy gắn kết hơn với những gì đang xảy ra ở Ukraine”.

“Khi họ nghe về Yemen, họ tập trung vào tin tức chính trị, điều khiến họ lo lắng hoặc sợ hãi. Nhưng thực tế, người dân mới là nạn nhân thực sự. Ý kiến của tôi, với tư cách là một người Yemen và với tư cách là một người mẹ, là nếu các chính phủ vào cuộc, điều này có thể kết thúc ngay ngày mai”, bà Sharafuddin.

Sự mệt mỏi của các nhà tài trợ

Từ lâu, cộng đồng nhân đạo đã phải chật vật tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng vào các cuộc khủng hoảng kéo dài không ngừng, chẳng hạn như cuộc nội chiến ở Syria, đã bước sang năm thứ 11.

Bà Susan D. Moeller, giáo sư truyền thông và các vấn đề quốc tế tại Đại học Maryland, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Sự vô tâm: Các phương tiện truyền thông bán dịch bệnh, nạn đói, chiến tranh và cái chết như thế nào”, cho biết các tổ chức tin tức khó giữ được sự quan tâm của khán giả đối với các sự kiện kéo dài.

“Phương tiện truyền thông không thể bao quát những sự kiện không có đột biến. Tất cả những sự kiện nóng hổi và mới phát hiện đều được coi là một cuộc khủng hoảng tức thì, cho dù đó là một trận động đất hay một vụ ám sát, các hãng truyền thông, tin tức sẽ liên tục đưa về nó. Nhưng đến tháng thứ năm hoặc năm thứ năm trong một cuộc xung đột đang diễn ra, tin tức về chúng thường biến mất”, bà Moeller nhận định.

Theo bà, nếu thông tin không xuất hiện đều đặn và liên tục, công chúng thậm chí cũng ít có khả năng nhận thức được một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra, chứ chưa nói đến việc gây áp lực để các nhà lãnh đạo phải hành động.

Vùng Sừng châu Phi đang ở trong đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm, khiến hàng triệu người có nguy cơ chết đói. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò trong tháng này do tổ chức từ thiện Christian Aid thực hiện cho thấy chỉ có 23% số người được hỏi cho biết đã nghe nói về cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, 91% nói rằng họ biết thông tin về việc Nga tấn công Ukraine.

Abdikarim Mohamed, người phát ngôn viên Hội Chữ thập đỏ khu vực Đông Phi, cho biết người dân ở Somalia, Ethiopia và Kenya gần như hoàn toàn dựa vào viện trợ của nhà nước “bởi vì mọi người dường như không quan tâm” đến việc giúp đỡ.

“Đây không phải là vấn đề mới. Có sự mệt mỏi của các nhà tài trợ. Nhưng quy mô của vấn đề hiện đang chạm mức mà chúng ta cần các chính phủ tập trung để cố gắng ngăn chặn những người này chết”, ông Mohamed nói./.

Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
9 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
10 giờ trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
11 giờ trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
11 giờ trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Giá USD hôm nay 20/9: Bất ngờ tăng tỷ giá "chợ đen" lấy lại mốc 25.000 đồng
11 giờ trước
Giá USD hôm nay 20/9: Trong nước, tỷ giá "chợ đen" bất ngờ tăng 65 đồng ở cả 2 chiều so với cùng thời điểm ngày hôm qua, lên mức 24.965 - 25.065 VND/USD. Trái lại, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại đồng loạt giảm.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 19/9: Tỷ giá "chợ đen" lao dốc, bán ra dưới 25.000 đồng
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 19/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết tại thị trường tự do bất ngờ "rơi" 50 đồng ở cả 2 chiều khiến chiều bán chính thức về dưới mốc 25.000 đồng. Hiện thị trường này đang niêm yết ở mức 24.850 - 24.950 VND/USD.
6 phút “chạm” may mắn trên điện thoại với Bingo18
2 ngày trước
“Vừa sáng mua vé dự thưởng, chỉ 6 phút sau đã biết mình trúng thưởng rồi thấy tiền về ngay, tinh thần của tôi rất phấn khởi”, chị Ngọc Bích - một người chơi xổ số Bingo18 chia sẻ.
Giá USD hôm nay 18/9: Tỷ giá "chợ đen" giảm, ngân hàng phục hồi
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 18/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả 2 chiều, xuống mức 24.900 - 25.000 VND/USD. Ngược lại, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết bắt đầu hồi phục khi đồng loạt tăng từ 50 đồng đến hơn 80 đồng so với ngày hôm qua.
Khủng hoảng Volkswagen: Nếu đóng cửa nhà máy sẽ khiến cả 1 thị trấn điêu đứng, 60.000 cư dân lo mất kế sinh nhai, chính Bộ trưởng phải vào cuộc
2 ngày trước
“Sẽ không có Wolfsburg nếu thiếu Volkswagen”, một nhân viên Volkswagen nói.