Trung Đông chiếm 29% tổng xuất khẩu LNG của toàn cầu, tập trung vào Qatar, Oman và Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE). Xuất khẩu từ Qatar và UAE phải đi qua eo biển Hormuz, một điểm vô cùng nhạy cảm, nơi hai tàu chở dầu bị tấn công hồi đầu tháng 6/2019, trong đó có 1 tàu bị tấn công bằng ngư lôi.
Về lý thuyết, nếu cuộc xung đột kéo dài dọc theo các tuyến đường như "Cuộc chiến tàu chở nhiên liệu" đã từng xảy ra những năm 1980 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại LNG. Hơn 26% trong tổng số các tàu chở LNG đi qua Eo biển Hormuz trong năm 2018, theo thống kê của hãng BP, tỷ lệ gần tương đương so với gần 30% dòng chảy dầu mỏ đi qua nơi này, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng. Qatar chiếm phần lớn trong số đó, ấy là chưa kể một tỷ lệ lớn nhập khẩu của một số nước ngoài khu vực này.
Theo các chuyên gia, Iran có rất ít "lợi ích" nếu phát động một cuộc chiến toàn diện đối với các tàu chở dầu. Tuy nhiên, những cuộc tấn công lẻ tẻ có thể tác động không nhỏ đến thị trường LNG.
LNG là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại khí đốt toàn cầu. Theo dự đoán mới nhất của BP, khoảng 40% tăng trưởng sản lượng khí gas toàn cầu từ nay đến 2020 sẽ đến từ nhiều khu vực khác nhau. Trong đó, LNG dự kiến sẽ chiếm 2/3, và những thị trường tiêu thụ nhiều nhất sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ và những nước Châu Á khác.
Đối với Trung Quốc, nhập khẩu LNG vẫn tăng lên để hạn chế sự phụ thuộc vào than đá – gây nhiều ô nhiễm. Tuy nhiên, theo quan điểm "chiến lược", khác với Mỹ, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu. Ngay cả trước khi bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã phụ thuộc tới hơn 70% nhu cầu dầu mỏ vào nhập khẩu. Tỷ lệ này còn cao hơn cả Mỹ ở lúc đỉnh điểm họ phụ thuộc, năm 2005. Trung Quốc cũng phải phụ thuộc tới 44% nhu cầu khí đốt thông qua nhập khẩu (số liệu năm 2018). Triển vọng tỷ lệ phụ thuộc trong mặt hàng LNG chắc chắn sẽ còn tăng thêm nữa.
Theo chuyên gia Stephen O'Sullivan của Viện nghiên cứu năng lượng Oxford, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu là lý do khiến Bắc Kinh phải dự trữ lượng dầu chiến lược rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng của mặt hàng khí gas thị ngược lại. Sự trái ngược giữa phụ thuộc vào dầu nhập khẩu ngày càng tăng và nhập khẩu khí gas ngày càng tăng có thể liên quan tới sự khác biệt giữa môi trường chính trị toàn cầu khi nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 10 năm trước và môi trường chính trị hiện nay khi mức tăng khối lượng đối với mặt hàng khí gas cũng tương tự. Rõ ràng tình trạng hiện tại của Trung Quốc khó khăn hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ.
Mặt hàng LNG cũng bị cuốn vào cuộc chiến thương mại, khi Trung Quốc áp thuế quan đối với LNG của Mỹ. Để đảm bảo nguồn cung, Trung Quốc phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp LNG. Dĩ nhiên môi trường thay đổi có khả năng làm chậm lại tốc độ tăng trưởng nhu cầu LNG của Trung Quốc, và điều đó có thể định hình lại triển vọng thị trường năng lượng với nhiều kịch bản khác nhau.
Rõ ràng là nếu Trung Quốc giảm mua từ Qatar và Mỹ thì sẽ phải tăng mua từ những nhà cung cấp tiềm năng khác. Ngoài những nước cung cấp trong khu vực như Australia, Malaysia…, các dự án phát triển khí ở miền Đông Châu Phi có thể sẽ được hưởng lợi, vì những dự án của Canada ở bờ biển Thái Bình Dương bị trì hoãn lâu. Argentina với ngành khí đã phiến phát triển cũng có thể sẽ hưởng lợi. Theo Wood Mackenzie thì sản lượng của họ đỉnh điểm vào những tháng Hè sẽ đúng vào thời điểm nhu cầu cao nhất của Châu Á trong những tháng mùa Đông.
Tương tự, khí đốt dẫn qua đường ống từ Nga và Trung Á, cũng như LNG của Nga sẽ được tiêu thụ mạnh. Đường ống "Sức mạnh của Siberia" sẽ sớm bắt đầu chuyển khí cho Trung Quốc, và sẽ nhanh chóng trở thành dòng chảy quan trọng. Đáng chú ý, khách hàng Trung Quốc đã có 20% cổ phần trong dự án LNG của Novatek PJSC trên bờ biển Bắc Cực của của Nga- thỏa thuận được công bố chỉ cách đây vài tháng, sau khi Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trầm trọng hơn, Trung Quốc có thể đối phó với khả năng "thiếu thốn" LNG bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào cả LNG. Chẳng hạn như phát triển năng lượng tái tạo trong nước (lĩnh vực mà Trung Quốc được đánh giá là có nhiều tiềm năng). Tuy nhiên, dù Trung Quốc có nỗ lực đến mấy thì cũng phải mất nhiều năm nữa mới đạt được tăng trưởng như mong muốn. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Ấn Độ, một thị trường khác có tiêu thụ khí gas tăng trưởng nhanh và cũng phụ thuộc nhiều vào Qatar.
Nguy hiểm hơn cả là địa chính trị "nóng bỏng" có thể gây ra sự đột biến về giá trong lĩnh vực năng lượng, có thể làm giảm tiêu thụ trong một thời gian dài. BP hồi đầu năm đã vẽ ra một kịch bản ở đó có sự dịch chuyển nhanh chóng sang những nguồn năng lượng ít carbon. Và điều này bắt đầu xảy ra. Bên cạnh sự gián đoạn có thể lâu dài nguồn cung từ Trung Đông, cuộc chiến thương mại và lập trường của Mỹ đang làm xáo trộn thị trường khí gas. Ngày 12/6 vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ cân nhắc các hành động trừng phạt nhằm hủy bỏ dự án vận chuyển khí gas từ Nga sang Đức bởi theo ông Trump thì hiện Đức đang phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu khí gas từ Nga. Mỹ và nhiều nước châu Âu lo ngại đường ống này sẽ giúp Nga đi vòng qua để tránh Ukraina. Điều này sẽ giúp Matxcova dùng nguồn cung năng lượng như là vũ khí đối với các nước lân cận mà không cần cắt nguồn vận chuyển sang Tây Âu.