Kể từ dấu ấn sáp nhập bất thành tại ĐHĐCĐ năm 2019, Ricons vẫn tăng trưởng bất chấp Covid-19, ngược lại Coteccons (CTD) trải qua quý thứ 9 liên tiếp ghi nhận dòng tiền âm. Điểm lại, sau tranh cãi không có hồi kết tại Đại hội năm ngoái, Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương tuyên bố sẽ không đề cập lại việc sáp nhập nữa.
Mặc dù vậy, phía cổ đông bên ngoài vẫn còn nhiều băn khoăn: "Trước sự lớn mạnh của Ricons, nhiều tin đồn cho rằng Coteccons đang mất dần khách hàng về tay Ricons do một số thành viên quản lý cấp cao trong HĐQT và Ban Giám đốc của Coteccons đồng thời cũng giữ vị trí quan trọng tương tự tại Ricons".
Liệu Ricons có phát triển nếu không có sự hậu thuẫn của Coteccons?
Theo BCTC Quý 1/2020, mặc dù biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện, song lợi nhuận Coteccons về mức thấp nhất trong 5 năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 427 tỷ - cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, Ricons vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bất chấp những khó khăn chung của ngành xây dựng. Cụ thể, doanh thu thuần quý 1/2020 của Ricons đạt 1.092 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng với doanh thu tăng từ 739,4 tỷ lên 946 tỷ đồng.
Cần nhấn mạnh, từ năm đầu tiên tái cấu trúc (2015), Ricons ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 2.825 tỷ, tăng 78%. Lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ đồng, tăng 97%. Ricons những năm sau đó bước vào thời kỳ hoàng kim với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 50%, con số tại chỉ tiêu lợi nhuận lên đến 76% cho giai đoạn 2014-2018. So sánh với Coteccons, nếu như lợi nhuận sau thuế của Coteccons tăng chưa đến 5 lần trong 5 năm qua thì lãi ròng của Ricons thậm chí tăng hơn 10 lần cho cùng giai đoạn.
Đáng chú ý, theo số liệu BCTC, nhóm cổ đông đặt nghi vấn liên quan đến việc doanh thu của Coteccons cho Ricons tăng gấp 4 lần, tương đương mức tăng doanh thu từ Ricons cho Coteccons trong năm 2019. Con số tương ứng lần lượt là 335 tỷ đồng và 1.332 tỷ đồng. Điều đáng nói là giá trị hàng hóa, dịch vụ của Coteccons cho Ricons xấp xỉ phần lẻ. Nói cách khác, doanh thu ròng Ricons nhận được từ khách hàng Coteccons lên tới 1.000 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là liệu Ricons có thể phát triển vượt bậc, bất chấp những khó khăn chung của thị trường nếu không có sự hậu thuẫn của dàn lãnh đạo chủ chốt, đồng thời cũng là thành viên HĐQT của Coteccons?
Sáp nhập hay tháo xích để thoát khỏi mẫu thuẫn lợi ích?
Điểm lại quá trình thành lập của Ricons, tiền thân là Công ty Phú Hưng Gia, thành lập vào năm 2004. Giai đoạn 2010 - 2014, Ricons tiến hành tái cấu trúc cơ cấu lãnh đạo. Hàng loạt nhân lực chủ chốt nhiều kinh nghiệm từ Coteccons được điều vào đội ngũ quản lý của Ricons.
Trên thực tế, ông Nguyễn Bá Dương (Chủ Tịch HĐQT Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Coteccons) và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Coteccons) cũng là 3 thành viên (trong số 5 thành viên) của HĐQT của Ricons. Hơn nữa, ông Trần Quang Quân đồng thời là Chủ Tịch Ricons. Bà Hà Tiểu Anh (Trưởng phòng Tài chính Kế toán Coteccons) đang kiêm nhiệm chức Trưởng Ban Kiểm soát của Ricons. Mặt khác, cơ cấu cổ đông của Ricons có 5 cổ đông lớn cũng là những lãnh đạo cấp cao nói trên.
"Mối quan hệ giữa hai công ty vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa có quan hệ thầu chính/thầu phụ và lại có chung đội ngũ điều hành này tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn lợi ích chưa biết sẽ giải quyết như thế nào?", nhóm cổ đông đặt nghi vấn.
Có nhiều giả thuyết hình thành trước thềm ĐHĐCĐ của cả hai công ty này. Về phía Coteccons, liệu trước tình hình kinh doanh sụt giảm Coteccons có quay trở lại giải bài toán sáp nhập với Ricons, nhằm củng cố sức mạnh của Coteccons, đồng thời quy tụ nhân sự của Coteccons và Ricons về một mối?
Tuy nhiên khi cơ cấu cổ đông của Coteccons và Ricons có sự khác biệt lớn thì việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cổ đông mỗi bên theo những cách rất khác nhau, đặc biệt với các cổ đông lớn.
Về phía Ricons, thị trường đang dấy lên dấu hỏi có thể Ricons sẽ phải thay thế các thành viên chủ chốt - hiện vừa điều hành Coteccons và Ricons, tháo xích để Công ty phát triển độc lập.
Tựu chung, nhiều dấu hỏi được nhóm cổ đông bên ngoài đưa ra trước thềm ĐHĐCĐ của 2 bên. Liên quan đến mối quan hệ 2 bên, về sự bất đồng cổ đông lớn cũng như tương lai phát triển của 2 tên tuổi trong ngành.