Theo đó, ngày 21.6.2018, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Tuấn Hùng - Trưởng ban Tài chính PVEP - với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Tuấn Hùng là ai?
Ông Nguyễn Tuấn Hùng sinh năm 1971, được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tài chính PVEP tháng 3.2011, đến tháng 11.2011 thì bổ nhiệm làm Trưởng ban Tài chính PVEP.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong thời gian từ 2011-2014 khi ông Tuấn Hùng phụ trách Ban Tài chính PVEP, thì OceanBank đã chi lãi ngoài cho 712 hợp đồng tiền gửi PVEP, tổng số tiền lên tới 65,64 tỉ đồng.
Đối với tiền gửi không kỳ hạn, từ tháng 1.2011 đến tháng 6.2014, PVEP gửi tiền trên khoản thanh toán khoảng 200-500 tỉ và 10-20 triệu USD, với số tiền này OceanBank đã trả lãi ngoài 10,89 tỉ đồng.
Căn cứ vào số liệu tiền gửi của PVEP tại OceanBank trong khoảng thời gian trên thì ông Nguyễn Tuấn Hùng trực tiếp ký 86 tờ trình và gia hạn 202 hợp đồng, tổng số tiền gửi là trên 51 tỉ và 65.000USD, tiền lãi theo hợp đồng là 308,5 triệu và 6.319USD.
Tại phiên xét xử đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank đầu tháng 3.2017, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Thị Minh Phương khai được phân công và chịu trách nhiệm trả 263,4 tỉ đồng lãi ngoài cho 9 Cty, trong đó có TCty thăm dò khai thác dầu khí PVEP là 76,5 tỉ đồng; TCty Điện lực dầu khí Việt Nam là 35,53 tỉ đồng.
Được triệu tập trong vai trò người có liên quan, ông Nguyễn Tuấn Hùng nói: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, gửi tiền tại rất nhiều ngân hàng chứ không riêng tại OceanBank. Chúng tôi cũng không nhận lãi ngoài ở bất cứ ngân hàng nào”. Ông này khẳng định kể từ khi làm việc tại PVEP từ tháng 9.2011-2014 không nhận bất cứ khoản tiền nào từ các cá nhân của OceanBank.
Lãi ngoài và những cục tiền dưới gầm bàn
Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Minh Phương khai nhận: theo sự phân công, chỉ đạo của Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT OceanBank, Nguyễn Minh Phương được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc khách hàng và chi lãi ngoài cho một số khách hàng, trong đó có PVEP. Đầu năm 2011, Phương lần đầu gặp Tuấn Hùng.
Về việc chi tiền lãi ngoài Hợp đồng tiền gửi cho PVEP, sau khi Phương được bộ phận kế toán Hội sở OceanBank báo là đã làm xong thủ tục chi tiền thì Phương sẽ gọi điện hoặc nhắn tin cho Tuấn Hùng. Nếu Hùng ở văn phòng thì việc chuyển tiền diễn ra trực tiếp.
Trong rất nhiều lần, với những khoản chi trên 4 tỉ đồng, do số lượng tiền quá lớn, Phương phải cho vào hai túi và phải nhờ một nhân viên OceanBank đi cùng để xách hộ vì… quá nặng. Sau đó, theo lời khai, Phương đã để “bọc tiền” dưới chân bàn của Hùng.
Việc đưa tiền diễn ra từ 2011 đến 2014, tổng số tiền mà Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Trà My (PGĐ OceanBank chi nhánh Thăng Long) đưa tiền mặt cho Tuấn Hùng là hơn 65,6 tỉ đồng. Trong thời gian Phương nghỉ ốm, Nguyễn Trà My chi cho Hùng số tiền là 11 tỉ đồng.
Khai báo với cơ quan điều tra, My cho biết, đưa cho Hùng 4 lần, từ tháng 8.2013 đến tháng 12.2013. Tương tự như những lần đưa tiền của Phương cho Hùng, My xách những túi tiền đến tận trụ sở của PVEP để đưa tiền, có lần 2,1 tỉ, 2 tỉ… đều là tiền mặt.
Kết quả điều tra và các số liệu liên quan cho thấy Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Trà My đã đưa cho Tuấn Hùng tổng cộng 7 lần, tổng số tiền là trên 22,3 tỉ đồng.
Hiện nay, Tuấn Hùng đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Tuy nhiên câu hỏi là tại sao, lời khai của nguyên Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu và các chứng từ cho thấy OceanBank đã chi 76,78 tỉ đồng tiền lãi ngoài cho PVEP nhưng cơ quan điều tra mới xác định ban đầu là Nguyễn Tuấn Hùng - nguyên Trưởng ban Tài chính PVEP - nhận 22,3 tỉ. Số tiền này chia tiếp cho ai hay chỉ có Tuấn Hùng chiếm đoạt? Và hơn 50 tỉ đồng lãi ngoài mà OceanBank đã chi (theo lời khai của Minh Thu) đang ở đâu và đang bị ai chiếm đoạt?
Cơ quan chống tham nhũng của Myanmar bất ngờ "hỏi thăm" PVEP
Ngày 27.6.2018, Ủy ban Chống tham nhũng Myanmar (Anti Corruption Commission-ACC) phát đi thông tin về việc họ đang tiến hành điều tra một đơn khiếu nại. Theo đó, ACC nêu về việc PVEP thu được 5,364 triệu USD trong việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Pháp Maurel & Prom (M & P) trong năm 2014-2015 và PVEP chịu trách nhiệm đóng 40% thuế thu nhập bán tài sản 2.144.394 USD cho Cục Doanh thu nội địa (IRD), Myanmar theo mục 17.2 (f) của Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (Production Sharing Contract-PSC). Theo ACC, việc các khoản thuế phải đóng thể hiện trong Tuyên bố Tài chính của PVEP vẫn chưa được đóng cho IRD, Myanmar.
Ngày 3.6.2013, tờ Petrotime của Việt Nam thông tin: Ngày 31.5.2013, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký thỏa thuận chuyển nhượng Lô M2, Mottana, ngoài khơi Myanmar giữa TCty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) và Cty Maurel & Prom Exploration and Production 7 (Maurel & Prom) (Pháp). Theo đó, PVEP chuyển nhượng một phần quyền lợi tham gia của mình tại Lô M2 cho đối tác. Thương vụ này nhằm chia sẻ rủi ro trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, đồng thời tận dụng kinh nghiệm và công nghệ của đối tác. Việc chuyển nhượng này nằm trong chiến lược tái cơ cấu các dự án đầu tư nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của PVEP trong tương lai. Được biết, để làm rõ nội dung trên, phía Ủy ban Chống tham nhũng Myanmar đã thu xếp cuộc gặp với lãnh đạo PVEP ngày 2.7.2018 tại Myanmar.
Hôm qua (5.7), đại diện PVEP đã xác nhận với Lao Động rằng thông tin trên là đúng và cho biết thêm PVEP đã cử đoàn công tác làm việc với ACC để trao đổi và làm rõ về một số vấn đề và chi tiết về thuế liên quan đến hoạt động của PVEP tại Myanmar.
PVEP cũng cho rằng việc các DN được mời làm việc để giải trình và làm rõ những vấn đề liên quan là hoạt động bình thường đối với cơ quan chức năng của nước sở tại, ở cả Việt Nam cũng như nước ngoài.