Hà Nội là địa phương có chi phí đắt đỏ nhất cả nước, Quảng Ninh đứng thứ 2 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,5% so với Hà Nội, tăng 4 bậc so với năm 2020. Hầu hết các nhóm hàng của Quảng Ninh đều thấp hơn Hà Nội từ 4 - 8%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cao hơn Hà Nội bằng 102,18% và đồ uống thuốc lá bằng 107,12%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Đứng thứ ba cả nước là TP. Hồ Chí Minh với chỉ số SCOLI bằng 98,98%. Tiếp theo là Đà Nẵng và Hải Phòng với chỉ số SCOLI lần lượt là 96,4% và 95,58%.
So với năm 2020, năm 2021 có 31 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 27 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 5 địa phương không biến động. Trong đó có 10 địa phương có chi phí sinh hoạt ngày càng đắt lên, tăng từ 8 - 22 bậc.
Tỉnh có mức độ đắt đỏ tăng nhiều nhất là Kiên Giang, từ vị trí 39 trong năm 2020 lên vị trí 17 vào năm 2021 với chỉ số SCOLI 93,54%. Theo báo cáo, chỉ số SCOLI của tỉnh tăng chủ yếu do nhóm đồ uống thuốc lá cao hơn 6,78%, bưu chính viễn thông cao hơn 4,89%, giáo dục cao hơn 6,34%.
Tiếp theo là tỉnh Khánh Hòa, tăng 15 bậc so với năm 2020, tăng từ 94,13% lên 94,55% và xếp vị trí thứ 8 trong năm 2021. Báo cáo chỉ ra giá nhóm đồ uống và thuốc lá cao hơn 10,93% so với Hà Nội, nhóm thuốc và dịch vụ y tế cao hơn 7,38%,.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Hà Tĩnh là tỉnh có chi phí sinh hoạt thay đổi nhiều thứ 3, từ vị trí 35 trong năm 2020 lên vị trí 22, tăng 13 bậc do nhóm đồ uống và thuốc lá cao hơn 11,44% so với Hà Nội, nhóm thuốc và dịch vụ y tế cao hơn 7,37%.
Đồng Tháp từ vị trí 59 trong năm 2020 lên ví trí 47 do nhóm đồ uống và thuốc lá cao hơn 16,99% so với Hà Nội, nhóm bưu chính viễn thông cao hơn 6,51%.
Một số tỉnh khác có chi phí sinh hoạt ngày càng tăng là Bắc Kạn (tăng 10 bậc), Vĩnh Phúc (tăng 10 bậc), Lạng Sơn (tăng 9 bậc), Đồng Nai (tăng 8 bậc) và Hà Nam (tăng 8 bậc).
Đặc biệt, trong các địa phương có chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ có Khánh Hòa và Lạng Sơn lọt top 10 địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất năm 2021.