Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 125/QĐ-LĐTBXH công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn quốc, tổng số hộ nghèo là 609.049 hộ; tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%.
Có 6 địa phương không còn hộ nghèo là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương và Tây Ninh. Một số địa phương có số hộ nghèo rất thấp, như Quảng Ninh chỉ có 7 hộ.
Ở chiều ngược lại, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có số hộ nghèo cao. Trong đó, Sơn La là địa phương có tổng số hộ nghèo cao nhất, với hơn 44.000 hộ, tỷ lệ là 15,1% trên tổng dân số. Tiếp đến là Điện Biên, với gần 40.000 hộ, tỷ lệ lên tới 27,33% tổng dân số toàn tỉnh.
Danh sách kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.
Trong khi đó, với hộ cận nghèo, cả nước trong năm 2021 có khoảng 850.000 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11%. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng không có hộ cận nghèo.
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới 2022 - 2025 với chuẩn thu nhập bằng mức sống tối thiểu. Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp nhu cầu, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Theo đó, quy định về chuẩn nghèo đa chiều sẽ dựa trên nhiều tiêu chí, không chỉ tập trung vào thu nhập như phương pháp đo lường nghèo truyền thống. Các tiêu chí tiếp cận khác bao gồm đo lường mức độ tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) cùng 10 chỉ số về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.