Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã có những nhận định về nền kinh tế Việt Nam tại sự kiện Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017. Sự kiện diễn ra tại TP HCM mới đây.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, 6 tháng đầu năm đã có những nhận định không sáng về nền kinh tế Việt Nam, dựa vào các chỉ số dùng để hoạch định nền kinh tế. Nhưng trong quý 3, Việt Nam đạt được tốc độ kinh tế với 7,46%, giúp cho 3 quý của 2017, tiệm cận đến mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra. Đến thời điểm hiện tại, theo ông Kiên, có thể nói tương đối chính xác là sẽ đạt được tốc độ 6,7%. Với tốc độ như vậy, nhiều yếu tố vĩ mô trong nền kinh tế đã được thực hiện.
Đó là đảm bảo thu ngân sách bên bênh cạnh việc siết chặt kỷ luật chi và đạt được bội chi của 2017 ở mức dưới 4%, góp phần làm cho nền kinh tế ổn định hơn.
Những điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam 2017
- Thứ nhất, hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô (13 chỉ tiêu) đã có thể nói là đạt được.
- Thứ hai, các vấn đề ban hành chính sách mới được các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô đưa ra phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Thứ ba, tăng trưởng sản xuất công nghiệp được cải thiện và chỉ số công nghiệp năm nay cũng tăng trưởng cao nên đảm bảo ổn định của nền kinh tế. Tăng trưởng trong dịch vụ và du lịch so với 2016 đạt kết quả khá hơn. Quyết định của Quốc hội và chính phủ về miễn visa cho một số quốc gia có lượng khách du lịch lớn vào Việt Nam và visa điện tử đã hỗ trợ tăng trưởng trong dịch vụ và du lịch.
- Thứ tư, năm 2017, tăng trưởng xuất khẩu đạt được như kế hoạch đề ra. Tăng trưởng được tách thành 2 nhóm. Nhóm 1, dựa vào các doanh nghiệp FDI. FDI chủ lực là Samsung khi Samsung vượt qua sự cố Galaxy và đưa ra mẫu mới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao. Nhóm 2, các sản phẩm thuần Việt Nam như da giày, dệt may dù khó khăn vẫn đạt được tốc độ cao.
- Thứ năm, yếu tố từ nội lực nền kinh tế từ nông nghiệp như gạo, tôm, cá. Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu rau quả trên 1 tỷ đô la Mỹ. Gạo không chiếm trọng lớn nữa trong nông nghiệp. Như vậy là bước đầu đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.