Các giao dịch điên cuồng đã đẩy giá trị của nhà bán lẻ trò chơi điện tử lên mức 20 tỷ USD, gấp 14 lần so với cách đây một tháng. Giá tăng quá nhanh và các giao dịch cổ phiếu kịch tính đã thu hút nhiều sự chú ý, kể cả Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
Các nhà đầu tư cá nhân đã công khai nổi dậy chống lại các quỹ đầu cơ, những tổ chức đã nhìn GameStop sớm muộn gì cũng đi theo con đường của các cửa hàng băng đĩa. GameStop đã thua lỗ 5 trong 6 quý vừa qua, doanh thu giảm 30% trong quý gần nhất.
Cổ phiếu GameStop tăng vọt 70% trong một ngày, đóng cửa ở mức 325 USD, đánh dấu một tuần đầy biến động trên Phố Wall với mức tăng hơn 400%. Các nhà đầu tư cá nhân cũng nhận ra rằng, nếu giá cổ phiếu tăng, các quỹ đầu tư khổng lồ đặt cược giá cổ phiếu đi xuống sẽ sai lầm. Họ buộc phải mua cổ phiếu và sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn nữa.
Giao dịch tương tự cũng xảy ra với AMC Entertaiment, BlackBerry và Nokia...
Tại sao cổ phiếu GameStop lại tăng?
Hiện tượng GameStop bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, khi Ray Cohen, đồng sáng lập công ty cung ứng thú cưng trực tuyến Chewy tiết lộ rằng ông đang nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty.
Với những thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cohen nói rằng sẽ dẫn dắt GameStop tập trung vào bán hàng kỹ thuật số, thể thao điện tử và chơi game di động.
Đầu tháng này, GameStop đã bổ nhiệm Cohen và hai cựu giám đốc điều hành khác của Chewy vào hội đồng quản trị với nhiệm vụ chuyển đổi doanh nghiệp thành một đế chế kỹ thuật số.
Cổ phiếu đã tăng gần gấp đôi trong tuần sau thông báo.
GameStop "short squeeze" là gì?
Những người tuyên bố mua cổ phiếu GameStop đã coi những nỗ lực của họ như một cuộc nổi loạn tài chính.
Hồi đầu năm, GameStop là một trong những công ty mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư bán khống - họ đặt cược vào một công ty và kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi giá cổ phiếu công ty đó giảm.
Để bán khống một công ty, người bán thường vay một lượng cổ phiếu bán nó ngay sau đó với ý định sẽ mua lại cổ phiếu khi giá giảm. Người bán sẽ trả lại cổ phiếu cho tổ chức họ đã vay và bỏ túi phần chênh lệch giá.
Nhưng nếu người bán khống tính sai và giá cổ phiếu tăng, họ vẫn sẽ phải trả lại số cổ phiếu đã vay của mình. Họ buộc phải mua cổ phiếu với giá cao hơn, hiện tượng này gọi là "short squeeze". Trong tình huống này, những người bán khống cố gắng cắt lỗ và mua cổ phiếu. Điều này có thể đẩy chu kỳ tăng giá thậm chí còn cao hơn.
Trong trường hợp của GameStop, một số quỹ đầu cơ đã bán khống cổ phiếu này khi giá của nó dưới 20 USD. Đến ngày 29/1, giá cổ phiếu đã lên tới 325 USD.
Khi các nhà đầu tư khác mua một cổ phiếu để đẩy giá cổ phiếu lên gây tổn hại cho những người bán khống, đó gọi là "short squeeze". Đây là những gì các nhà đầu tư cá nhân (trong WallStreetBets) dường như đã làm để phòng ngừa các quỹ đầu cơ bán khống.
Các công ty môi giới đã phản ứng với cơn điên cổ phiếu như thế nào?
Khi GameStop và các cổ phiếu khác bắt đầu lao dốc, các công ty môi giới hàng đầu đã chuyển sang hạn chế giao dịch - một quyết định khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân tức giận. GameStop đã giảm hơn 44%, đóng cửa ở mức 194 USD.
Interactive Brokers đã đưa ra hạn chế với giao dịch cổ phiếu GameStop, nói rằng các vị thế mua cổ phiếu sẽ cần tỷ lệ ký quỹ 100% và các vị thế bán sẽ yêu cầu ký quỹ 300%, vô thời hạn.
Robinhood cũng thực hiện hành động tương tự để kiềm chế GameStop và các công ty khác như AMC, BlackBerry, Express, Koss, Nokia và Naked Brand Group.
Ít nhất 7 công ty môi giới bao gồm TD Ameritrade, Robinhood, E-Trade, Charles Schwab, Fidelity Investments, Vanguard và Interactive Brokers đã trải qua sự cố gián đoạn dịch vụ, mà nhiều người cho rằng là do khối lượng giao dịch tăng cao.
Nhà đầu tư phản ứng ra sao?
Nhiều nhà đầu tư giao dịch trên Robinhood, Interactive Brokers và các nền tảng khác nhận thấy tài khoản của họ bị hạn chế sau đợt bán tháo GameStop. Kể từ đó, Robinhood thông báo rằng họ sẽ cho phép "mua có giới hạn" GameStop và các cổ phiếu khác nhưng các nhà đầu tư đã báo cáo những hạn chế này lên cơ quan chức năng.
Một số đã đệ đơn kiện chống lại Robinhood, cáo buộc công ty môi giới chặn quyền mua cổ phiếu GameStop lên Tòa án. Đơn kiện cũng nói rằng Robinhood đã cố tình hạn chế các giao dịch để chiếm đoạt lợi nhuận của các nhà đầu tư, thao túng thị trường… Phát ngôn viên của Robinhood từ chối bình luận.
Hành động của quan chức Chính phủ?
Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki nói rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và những người còn lại trong nhóm kinh tế chính quyền Biden đang theo dõi tình hình. Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ sự biến động giá cực mạnh của một số cổ phiếu và cam kết bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân.
Các thành viên Đảng Dân chủ trong các ủy ban Hạ viện và Thượng viện giám sát ngành dịch vụ tài chính cho biết họ dự định tổ chức các phiên điều trần về vấn đề này. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (D-Mass.) đã gửi thư yêu cầu Chủ tịch SEC - Allison Herren Lee xem xét hoạt động thị trường ảnh hưởng đến GameStop và các công ty giao dịch công khai khác, đồng thời cảnh báo rằng "việc thao túng giá cổ phiếu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và tác động của việc sụp đổ kinh tế liên quan đến đại dịch".
Bộ trưởng Tư pháp Texas - Ken Paxton thông báo trong một tweet hôm thứ Sáu rằng ông đang mở cuộc điều tra về Robinhood, Discord và các quỹ đầu cơ mà ông đã cáo buộc gian lận trên thị trường tự do để thu lợi cho Phố Wall.