Ai được mua, bán vàng miếng?
Đây là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, chỉ số khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Theo đó, Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP nêu rõ, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng muốn kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Doanh nghiệp
- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên.
- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 02 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trở lên.
Tổ chức tín dụng
- Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành trở lên.
Đẩy giá vàng trong ngày vía Thần Tài sẽ bị phạt bao nhiêu?
Khoản 4 Điều 12 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.
Theo đó, nếu cá nhân bán vàng không niêm yết công khai giá mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt mức gấp đôi, đến 100 triệu đồng theo khoản 3 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Ngày 10/01 Âm lịch hằng năm là ngày Vía Thần Tài, lợi dụng tâm lý mua vàng ngày Vía Thần Tài, rất nhiều cửa hàng bán vàng đẩy giá vàng lên cao nhằm thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, người có hành vi tăng giá vàng "quá tay" trong ngày Vía Thần Tài sẽ bị phạt.
Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định mức phạt cho trường hợp tăng giá vàng quá mức
Mua vàng sai địa điểm có thể bị phạt
Hiện có khoảng 38 đơn vị được kinh doanh mua, bán vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong đó có 22 Ngân hàng và 16 doanh nghiệp: Ngân hàng ACB, VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, TienPhongBank, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)…
Trường hợp mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 25 Nghị định 94/2014/NĐ-CP như sau:
- Cảnh cáo: Vi phạm lần đầu.
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Riêng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng không có giấy phép thì sẽ bị phạt tiền từ 300 - 400 triệu đồng theo điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định trên, mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng bị phạt cao nhất đến 20 triệu đồng (mức phạt giảm mạnh so với quy định tại trước đây).
Do đó, khi mua vàng miếng, cá nhân, tổ chức cần kiểm tra nơi dự định mua có đủ điều kiện kinh doanh mua, bán vàng miếng hay không.
Đặc biệt, khi đi mua vàng, người mua nên lấy hóa đơn đầy đủ. Đây là giấy tờ chứng thực giao dịch của người mua với cửa hàng. Ngoài ra, việc lấy hóa đơn, có ghi rõ số seri (đối với vàng miếng) in trên miếng vàng còn giúp người mua có thể bán vàng dễ hơn khi cần.
Trường hợp mua phải vàng giả, hóa đơn cũng sẽ là bằng chứng chứng thực giao dịch cho người mua.