Sophia, nhập gia tuỳ tục tại Việt Nam
Robot Sophia, công dân Ả Rập Xê Út là khách mời đặc biệt của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế Công nghiệp 4.0. Vị khách mời này gặp quan khách Việt Nam trong tà áo dài trắng và nói câu xin chào bằng tiếng Việt.
Robot Sophia được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI), công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói và khả năng xử lý dữ liệu bằng hình ảnh. Do đó, Sophia có thể học hỏi và trở nên thông minh hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI, trong đó có Yann LeCun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI của Facebook, tỏ ra nghi ngờ, họ cho rằng Sophia chỉ là trí thông minh nhân tạo "dởm".
Sophia nói chuyện tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam
Theo Yann LeCun, Sophia không có cảm xúc, không có chính kiến và không hiểu biết về những gì nói ra. Vị này cho rằng Sophia chỉ là một con rối.
Sophia được chuẩn bị để di chuyển. Ảnh: Tiến Tuấn
Câu hỏi cho Sophia trong cuộc phỏng vấn với đài ABC đều phải gửi trước. Điều này cũng lập lại tại Industry Summit 4.0 vừa qua, 3 câu hỏi tương tác với cô robot này đều được lên kịch bản sẵn.
Thêm nữa, việc chụp ảnh, tương tác cạnh Sophia đều rất thận trọng vì hệ thống dây diện ở phía sau.
Mô hình vệ tinh MicroDragon (tỷ lệ 1:1) do người Việt tham gia sản xuất
Vệ tinh MicroDragon được phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại 5 trường đại học Nhật, gồm: ĐH Tokyo, ĐH Keio, ĐH Hokkaido, ĐH Tohoku và Học viện công nghệ Kyoshu từ 2014 – 2018.
Ảnh: Tiến Tuấn
Vệ tinh có nhiệm vụ theo dõi chất lượng nước ven bờ. Dự kiến, trong tháng 12/2018 năm nay, vệ tinh sẽ được phóng lên.
Công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam là ngành mới, chưa có nơi đào tạo. Để thực hiện được vệ tinh này, 36 kỹ sư Việt Nam đã được cử sang Nhật học tập. Trong 2 năm, các kỹ sư đã tham gia chế tạo MicroDragon, dưới sự hướng dẫn của GS 5 trường ĐH Nhật. MicroDragon được hoàn thiện với hàm lượng 30% Việt Nam – 70% Nhật Bản.
Nền tảng kết nối của VNPT giúp đưa ra các giải pháp về ngành dọc
VNPT đã nghiên cứu và phát triển hệ thống nền tảng vạn vật kết nối. Dựa trên nền tảng này, VNPT đã xây dựng những giải pháp về ngành dọc như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, nhà thông minh…
Ảnh: Tiến Tuấn
Trạm thu phát sóng 4G của Viettel hoàn toàn do người Việt làm
Trạm thu phát sóng này là một sản phẩm 100% made in Vietnam, do các kỹ sư Viettel nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Trên thế giới, chỉ có khoảng 5 công ty sản xuất được sản phẩm này, ở Đông Nam Á không có quốc gia nào, còn nếu tính Châu Á, thì chỉ có Trung Quốc.
Hiện trạm thu phát sóng này, sau quá trình nghiên cứu đã được ứng dụng tại Hà Nam, Vũng Tàu, Campuchia và Đông Timor. Quy mô ứng dụng nhỏ nhằm đánh giá năng lực sản phẩm để tiếp tục tối ưu hoá.
YuMi - robot có hai cánh tay đầu tiên trên thế giới
Robot YuMi – IRB 14000 là sản phẩm của Tập đoàn Thuỵ Sỹ ABB. Đây là robot có hai cánh tay đầu tiên trên thế giới, được thiết kế như bản sao của cánh tay con người.
Với 7 trục gấp, cánh tay của YuMi cho phép thao tác mềm dẻo như tay người mà không lấn chiếm không gian của cộng sự.
Ngoài khả năng lắp ráp các chi tiết nhỏ, sản phẩm tiêu dùng, nếu được lập trình, YuMi cũng có thể múa, khéo léo chơi violin, như hôm robot này đón chào sinh nhật của công ty cách đây ít lâu.
Robot tại khu vực triển lãm của Vinfast
Khác với YuMi, IRB 6700 là robot công nghiệp loại lớn, có hiệu suất công cao nhất trong khoảng 150 – 300 kg.
Robot này được sử dụng trong nhà máy sản xuất ô tô của BMW. Hiện, Vinfast cũng đang sử dụng IRB 6700 trong nhà máy thân vỏ.