Và sau đây là những điều ít ai biết về Giám đốc các Chi nhánh ngân hàng thương mại - một vị trí đầy quyền lực mà cũng không ít rủi ro.
Điều kiện để có thể trở thành Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng thương mại
Trong nhiều năm qua, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều "khát" ứng viên cho vị trí Giám đốc Chi nhánh. Vì để trở thành Giám đốc Chi nhánh NHTM bạn phải hội đủ các yêu cầu sau:
Thứ nhất, yêu cầu về mặt pháp lý: một người muốn trở thành Giám đốc Chi nhánh NHTM nói riêng và TCTD nói chung phải đáp ứng các điều kiện khá khắt khe được quy định tại Điều 50 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Quy định thì rất nhiều, nhưng tựu chung, Giám đốc Chi nhánh NHTM phải tối thiểu đáp ứng là: tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành, có thâm niên công tác và quản lý, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp không được đảm nhận chức vụ theo quy định tại Điều 33 Luật các TCTD 2010.
Thứ hai, để trở thành Giám đốc Chi nhánh NHTM, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về pháp lý, bạn phải tốt nghiệp đại học và có chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt là mảng tín dụng. Giám đốc Chi nhánh NHTM điều kiện tiên quyết và cơ bản nhất là bạn phải am hiểu tín dụng và có kiến thức về tín dụng. Nếu không có trình độ chuyên môn về tài chính ngân hàng, không biết về tín dụng và chưa từng kinh qua công tác tín dụng thì thật khó để bạn có thể đảm nhận vị trí Giám đốc Chi nhánh NHTM.
Thứ ba, Giám đốc Chi nhánh NHTM phải là người có kinh nghiệm, thâm niên công tác trong ngân hàng hoặc các ngành tài chính có liên quan. Đây không phải là ràng buộc pháp lý, mà là yêu cầu cơ bản của các NHTM khi phỏng vấn, tuyển dụng hoặc đề đạt bổ nhiệm bạn vào vị trí Giám đốc Chi nhánh. Nếu không có kinh nghiệm công tác, thì hồ sơ bạn dù có "đẹp" đến mấy thì cũng có thể bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Và đó là lý do vì sao mà các NHTM thường tuyển dụng Giám đốc Chi nhánh chính là những người đã từng hoặc đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chi nhánh tại một NHTM khác.
Có thể nói, để trở thành Giám đốc Chi nhánh NHTM bạn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rất khắt khe về pháp lý, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác cũng như khả năng quản trị, điều hành. Không phải ai có tiền, có học thức, có kinh nghiệm cũng đều có thể trở thành Giám đốc Chi nhánh NHTM. Mà yêu cầu của vị trí đặc biệt này là bạn phải hội tụ đầy đủ các yếu tố đó. Vì thế mà vị trí Giám đốc Chi nhánh luôn là vị trí hot và nhạy cảm đối với tất cả các NHTM hiện nay.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng thương mại và những điều chưa biết
Giám đốc Chi nhánh NHTM như đã nêu là một vị trí hết sức đặc biệt, quyền lực nhưng cũng đầy rủi ro và rất nhạy cảm. Và sau đây là những "bí mật" mà không phải ai cũng biết về vị trí Giám đốc Chi nhánh NHTM:
Một là, Giám đốc Chi nhánh NHTM là vị trí đầy quyền lực. Mặc dù hiện nay các NHTM có khuynh hướng quản lý theo mô hình tập trung. Nghĩa là phần lớn các nội dung nghiệp vụ sẽ tập trung về Hội sở các ngân hàng để xử lý. Ví dụ như: tuyển dụng tập trung, chi lương tập trung, thẩm định giá tập trung, duyệt tín dụng tập trung, thanh toán quốc tế tập trung,...Tuy nhiên, hầu hết mô hình tập trung của các ngân hàng vẫn chưa hoàn chỉnh. Đâu đó, vẫn còn một số ngân hàng giao thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, phê duyệt tín dụng, định giá, chi phí quản lý,...cho các Giám đốc Chi nhánh tự quyết và chịu trách nhiệm. Và nói gì thì nói, dù cơ chế quản lý tập trung toàn phần hay một phần thì quyền lực của Giám đốc Chi nhánh NHTM vẫn còn rất lớn.
Đương nhiên, các ngân hàng vẫn có đầy đủ công cụ pháp lý, các quy định nội bộ để điều chỉnh và kiểm soát quyền lực của Giám đốc Chi nhánh, nhưng sự kiểm soát theo hướng trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho Giám đốc Chi nhánh mới là chìa khóa để các Giám đốc Chi nhánh thể hiện hết năng lực của mình. Còn nếu các NHTM vì quản trị rủi ro, quá kiềm kẹp quyền hạn của Giám đốc Chi nhánh thì thật khó để các Giám đốc Chi nhánh thể hiện hết năng lực và thăng hoa với tài năng của mình. Và để dễ hình dung, nếu ví von một ngân hàng như một vương quốc lớn thì các Giám đốc Chi nhánh cũng như một "ông vua nhỏ" tại tiểu vương quốc riêng của mình.
Hai là, Giám đốc Chi nhánh NHTM là vị trí đầy trách nhiệm và không ít rủi ro. Về tổng thể, Giám đốc Chi nhánh phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các mặt hoạt động của đơn vị mình quản lý: từ kinh doanh, vận hành đến quản trị rủi ro. Mọi rủi ro xảy ra tại đơn vị, người chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất đó chính là Giám đốc Chi nhánh. Không chỉ chịu trách nhiệm trên hồ sơ thẩm định giá, hồ sơ cấp tín dụng do mình ký mà Giám đốc Chi nhánh còn phải chịu trách nhiệm cho cả những hồ sơ, những công việc mà mình ủy quyền hoặc phân công cho cấp dưới phụ trách như công tác quản lý chứng từ, an toàn kho quỹ, chăm sóc khách hàng tại quầy,... Giám đốc Chi nhánh được ví như vị "thuyền trưởng" và phải chịu tất tần tật các trách nhiệm về nguyên nhân làm con tàu không vượt sóng được hoặc bị đắm, bị thủng hay thậm chí bị trầy xước nhẹ. Và chính bởi yếu tố được trao quá nhiều quyền lực, nếu không có bản lĩnh nghề nghiệp, không biết giữ mình thì dễ sa vào con đường tham nhũng, nhận hối lộ tình tiền trong tuyển dụng, bổ nhiệm và xét duyệt cho vay...
Ba là, độ tuổi đẹp nhất để làm Giám đốc Chi nhánh NHTM tầm khoảng 35 đến 45. Thực tế cho thấy đây là độ tuổi mà có nhiều Giám đốc Chi nhánh NHTM nhất. Đương nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, các Giám đốc Chi nhánh NHTM dưới 30 và trên 50. Theo người viết, độ tuổi 35 - 45 là độ tuổi đẹp nhất cho vị trí Giám đốc Chi nhánh NHTM. Vì khi bước qua ngưỡng 35, bạn sẽ có đủ sự trải nghiệm và hệ khách hàng cần thiết để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành Chi nhánh. Nếu sau 45 tuổi bạn mới tập tành làm Giám đốc Chi nhánh NHTM thì có phần hơi muộn. Vì khi đó, sự quyết liệt và sức chiến đấu của bạn không còn nhiều nữa cho vị trí Giám đốc Chi nhánh. Sau tuổi 45 là cái tuổi phù hợp để bạn chia tay vị trí Giám đốc Chi nhánh để bước lên một tầm cao hơn như Phó Tổng Giám đốc hay Tổng Giám đốc ở một ngân hàng.
Bốn là, mặc dù là vị trí mơ ước của rất nhiều người, nhưng Giám đốc Chi nhánh NHTM thường có chu kỳ rất ngắn. Nếu bạn có thể đảm nhận vị trí Giám đốc Chi nhánh ở một ngân hàng liên tục được tầm 5 năm là xem như bạn đã khá thành công. Bởi lẽ vòng đời trung bình của chức danh Giám đốc Chi nhánh NHTM chỉ tầm khoảng trên dưới 3 năm.
Sau 3 năm, khi hệ khách hàng và các mối quan hệ cá nhân gần như bão hòa sẽ có 03 trường hợp xảy ra: một là Chi nhánh bạn sẽ đi xuống sau thời gian khai thác cạn kiệt hệ khách hàng mà không phát triển khách hàng mới được thì bạn sẽ bị miễn nhiệm; hai là, bạn cảm thấy không còn khả năng phát triển thêm nữa, trong khi nợ xấu bắt đầu manh nha xuất hiện và bạn cần hạ cánh an toàn và bước qua làm Giám đốc một Chi nhánh ngân hàng khác; ba là, vì sự xuất sắc của bạn nên sẽ được Hội đồng Quản trị cất nhắc, đề đạt ở một vị trí cao hơn như Giám đốc vùng hay Phó Tổng Giám đốc,.. Nghĩa là, dù tình huống nào xảy ra sau 3 năm đương chức, bạn vẫn phải đối diện với hàng loạt lý do để rời khỏi vị trí Giám đốc Chi nhánh.
Đương nhiên, cũng có ngoại lệ, có một số trường hợp một số Giám đốc Chi nhánh vẫn muốn an phận và cố gắng duy trì hoạt động đơn vị thêm một vài năm cho đến ngày nghỉ hưu. Và thời gian tại vị của 01 Giám đốc Chi nhánh NHTM (có thể ở một hoặc nhiều ngân hàng) cũng rất có ý nghĩa khi bạn ứng tuyển một vị trí tương đương hoặc cao hơn tại một ngân hàng khác.
Năm là, vị trí Giám đốc Chi nhánh gần như là vị trí cạnh tranh hoàn hảo trên thị trường tuyển dụng. Bởi các quy định của pháp luật có những ràng buộc nhất định, nên hạn chế được rất nhiều tình trạng "con ông cháu cha" gửi gắm vào làm Giám đốc Chi nhánh NHTM. Khác với các doanh nghiệp, bạn sẽ hiếm khi thấy ở một ngân hàng nào mà cha làm Chủ tịch HĐQT hay Tổng Giám đốc mà có con làm Giám đốc Chi nhánh cả. Nếu bạn có thực tài, có năng lực, đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết, vị trí Giám đốc Chi nhánh NHTM là nơi lý tưởng để bạn thăng hoa và cất cánh trong tiến trình nghề nghiệp của bạn.
Sáu là, có một sự thật là không có một Giám đốc Chi nhánh NHTM nào nghèo cả! Với mức thu nhập dao động từ khoảng 40 đến hơn 100 triệu đồng/tháng (tùy ngân hàng và tùy Chi nhánh) thì các Giám đốc Chi nhánh NHTM thường được xếp vào giới có thu nhập cao. Và đâu đó, các Giám đốc Chi nhánh NHTM cũng còn có thể có một nguồn thu nhập chính đáng khác từ công việc và chức vụ mình đảm trách như tiền thưởng, phụ cấp,... Đương nhiên, ở đây chúng ta không đề cập đến các khoản thu nhập bất hợp pháp bằng cách lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay tham nhũng. Và vì thế, nếu Giám đốc Chi nhánh NHTM nào mà than vãn về thu nhập thì có lẽ họ đang đùa với bạn!
Và sau cùng, để có thể trở thành một Giám đốc NHTM giỏi, bạn hội đủ các yếu tố về "thiên thời", "địa lợi" và "nhân hòa". Trước tiên, bạn phải ổn định trong công tác quản trị nhân sự, đào tạo và phát triển nhân viên có chiều sâu. Có một nguyên tắc tối kỵ trong tuyển dụng mà các Giám đốc Chi nhánh NHTM nên nhớ là cẩn trọng với việc tuyển dụng người thân, người quen nhưng kém năng lực. Vì có thể họ sẽ ngoan ngoãn nghe lời bạn, bạn có thêm đồng minh tốt, nhưng bạn không thể suốt ngày cầm tay chỉ việc hoặc "cưu mang" họ. Và cứ như thế, nhiều nhân viên giỏi sẽ nản và nghỉ việc vì cách quản lý theo kiểu gia đình trị. Và một khi xung quanh bạn toàn nhân viên thân quen mà kém năng lực thì bạn sẽ không thể hoàn thành kế hoạch được giao.
Ngoài kinh doanh giỏi, nếu bạn không biết cách quản trị nhân sự, không biết đắc nhân tâm để các nhân viên giỏi có thể sống chết vì bạn thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ thất bại. Muốn thế bạn phải thể hiện được sự công tâm, minh bạch và thiết lập những dấu ấn riêng của bạn trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy chế của ngân hàng. Và tuyệt đối cảnh giác với những lời xu nịnh, tiền và tình...Vì đó thường là những con đường ngắn nhất dẫn các Giám đốc Chi nhánh NHTM đến thất bại hoặc vướng vào lao lý.
Hãy nhớ rằng, Giám đốc các Chi nhánh NHTM có thể không là người giỏi, nhưng nhất định phải là người biết "sử dụng những người giỏi hơn mình". Và bạn hãy thể hiện xứng đáng cái tâm và cái tầm của một Giám đốc Chi nhánh NHTM.