Nền kinh tế giản đơn
Người dân sống với nền kinh tế tự cung tự cấp là chính. Siêu thị nhập khẩu một loạt các loại thực phẩm đắt tiền và các mặt hàng khác. Hầu hết cư dân mua sắm nhỏ gạo, đường, trà và cá đóng hộp, cũng như xà phòng, quần áo, chăn, đèn dầu tại các cửa hàng thương mại.
Ngành công nghiệp chính là khai thác. Ngoài khai thác vàng và khoan dầu, Papua New Guinea còn sản xuất cà phê, dừa, ca cao, gia súc, cọ dầu, gỗ và các loại cá ngừ.
Nhóm hàng xuất khẩu quan trọng là đồng, vàng, cà phê, ca cao, dừa, dầu dừa và gỗ. Papua New Guinea nhập khẩu máy móc và thiết bị vận tải, thực phẩm và động vật sống, hàng hóa sản xuất và dược phẩm.
800 ngôn ngữ cho đất nước chưa đến 10 triệu dân
Papua New Guinea có chưa tới 9 triệu dân nhưng lại có hơn 1.000 bộ tộc với hơn 800 ngôn ngữ khác nhau nằm rải rác trên 22 tỉnh, bao gồm thủ đô Port Moresby, các vùng nội địa và đảo xa xôi.
Họ sử dụng một thứ tiếng Anh biến thể gọi là Tok Pisin – được xem là ngôn ngữ chính thức. Chính sự đa dạng ngôn ngữ này đã giúp Papua New Guinea bảo tồn truyền thống cổ xưa ở những ngôi làng hẻo lánh nhất, nơi niềm tin vào phép thuật vẫn tồn tại trong thời đại phát triển như hiện nay.
Tiền tệ vỏ sò
Quốc gia này từng coi vỏ sò là tiền tệ. Đến năm 1933 thì họ mới có đồng tiền chính thức Kina. Tuy nhiên, vỏ sò vẫn hiện diện trong một số phong tục địa phương. Trong một số nền văn hoá, để có được cô dâu, chú rể phải mang đến một số vỏ sò như đồ dẫn cưới.
Luật pháp lỏng lẻo, mức độ phạm tội cao
Theo các báo cáo truyền thông, tội ác và bạo lực ở Papua New Guinea khá nghiêm trọng, và là mối quan tâm hàng đầu quốc gia. Thống kê trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cách đây vài năm báo cáo rằng, mức độ phạm tội tại đây đã ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, phổ biến nhất là cướp và tấn công bạo lực. Bạo lực gia đình và tình dục cũng rất phổ biến. Ngay cả thủ đô Port Moresby – nơi có tỷ lệ giết người thấp nhất đất nước – cũng là một trong những khu vực có tỷ lệ án mạng cao nhất trên thế giới.
Úc, Mỹ và New Zealand đã hỗ trợ Papua New Guinea bằng cách bổ sung nhân viên vũ trang, tàu hải quân, máy bay phản lực và trực thăng giám sát để giúp tăng cường an ninh. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã quyết định không lưu trú tại Papua New Guinea mà chọn ở lại thành phố Cairns – Úc trong khi tham dự các cuộc họp – thay mặt cho Tổng thống Donald Trump khi ông này đã quyết định không tham dự.
Trên thực tế, việc họ thuê du thuyền cho đại biểu APEC được New York Times cho là do không có đủ khách sạn.
Y tế thiếu thốn
Papua New Guinea có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất vùng Thái Bình Dương và là nước thứ tư tại vùng châu Á Thái Bình Dương để HIV/AIDS trở thành bệnh dịch. Thiếu nhận thức về HIV/AIDS là một vấn đề lớn, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe đang được nỗ lực mở rộng trên toàn quốc, giúp bệnh nhân chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ cho việc khám, chữa bệnh và thuốc men. Mỗi tỉnh đều có bệnh viện, nhưng thường thiếu thốn trang thiết bị y tế. Các phương thuốc và cách chữa bệnh dân gian vẫn còn được người dân sử dụng nhiều. Các căn bệnh như sốt rét, lao, sởi... còn khá phổ biến.
Thách thức từ việc tổ chức APEC
Đăng cai APEC là thách thức rất lớn với quốc gia này. Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, Papua New Guinea là thành viên nghèo nhất và trẻ nhất trong số 21 thành viên. Họ tuyên bố độc lập khỏi Úc vào năm 1975. Nhưng Úc vẫn là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất của Papua New Guinea, cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ và New Zealand để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như công tác hậu cần cho việc đăng cai sự kiện kinh tế quan trọng này.
Điều thú vị là khi Papua New Guinea mới gửi đơn gia nhập APEC, các quốc gia khác còn không tin rằng đó là một quốc gia châu Á, hay nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cựu Thủ tướng nước này, ông Julius Chan trả lời trên tờ Nation rằng: "Đầu tiên họ không nghĩ rằng Papua New Guinea là một quốc gia châu Á. Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi đang ở ngay tại trung tâm của châu Á và Thái Bình Dương."