CTCP Vinhomes (mã: VHM) vừa thiết lập kỷ lục mới trong mùa báo cáo tài chính quý 3 khi lãi lịch sử 14.500 tỷ, tăng ''dựng đứng'' so với mức lãi chỉ hơn 500 tỷ đồng ở quý trước.
Nhân tố dẫn đến kết quả này là do Vinhomes đã bắt đầu bàn giao 1.300 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire sau 5 tháng khởi công. Quý IV và các quý tiếp theo của năm 2023, VHM dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận lớn khi tiếp tục bàn giao các sản phẩm bất động sản thấp tầng tại các phân khu khác của dự án này.
Một đại diện BĐS khác chứng kiến lãi ròng tăng vọt là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC).
Nhờ khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng, sau khi "chìm sâu" ở mức lỗ 366 tỷ đồng vào quý II, KBC bất ngờ thu về lãi đột biến 1.919 tỷ.
Đại diện tiêu biểu của nhóm nhà băng mùa này là BIDV với đỉnh lãi ròng 5.278 tỷ, MBBank bám đuổi quyết liệt với mức lãi 4.879 tỷ, tiếp nối chu kỳ tăng trưởng từ quý 3 năm ngoái.
Ở mảng công nghệ, viễn thông, sau hai quý đầu năm có phần "hụt hơi", FPT lấy lại phong độ ở quý này với mức lãi ròng gần 1.500 tỷ, thiết lập đỉnh mới.
Viettel Global (mã: VGI) cũng lãi lịch sử 1.566 tỷ nhờ hoạt động tài chính (tỷ giá) và hoạt động của các công ty liên kết đều khởi sắc hơn so với năm trước.
Sau quý II hồi sinh ngoạn mục hậu Covid-19, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã: ACV) tiếp tục duy trì lãi ròng trên 2.000 tỷ – quay về mặt bằng trước đại dịch.
Cơn sốt mới trên thị trường - "heo ăn chuối" cứu Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) thoát cửa tử đúng như bầu Đức nói. Với doanh thu bán thịt heo tăng 200%, HAGL báo lãi quý 3/2022 gấp 17 lần so với cùng kỳ. Chung cuộc, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 361 tỷ đồng, gấp 15 lần so với kết quả quý 3/2021.
CTCP Tập đoàn COTANA (mã: CSC) - công ty xây dựng của Chủ tịch Vinaconex lãi ròng đột biến 102 tỷ đồng và cũng là mức lãi kỷ lục trong một quý. Cùng kỳ năm ngoái, CSC chỉ có lãi 8 tỷ.
Ở nhóm ngành phân bón, hóa chất, mặc dù loạt doanh nghiệp vẫn báo lãi tăng bằng lần nhờ hưởng lợi từ giá sản phẩm tăng, nhưng đây lại là mức giảm so với đỉnh lợi nhuận ở quý II trước đó.
"Ông lớn" Hóa chất Đức Giang (mã: DCG) báo lãi sau thuế 1.513 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với con số của cùng kỳ năm 2021 là 488 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với quý 2/2022 thì con số này đã giảm đáng kể, quý 2, DGC báo lãi 1.984 tỷ đồng.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) đại lãi ròng 998 tỷ đồng. CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) lãi 728 tỷ. CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã: DHB) lãi 347 tỷ.
Khép lại quý III, Đạm Hà Bắc bứt phá gấp 3 lần, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tăng gần 100% nhưng tất cả đều thấp hơn quý II.
Ngược chiều các đồ thị tăng trưởng, những mũi tên lợi nhuận "lao dốc'' thảm khốc nhất trong quý thuộc về nhóm ngành thép. Thống kê cho thấy, 7 DN lớn ngành thép bao gồm CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP Thép Pomina (POM), CTCP Tôn Đông Á và CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đều lỗ, thậm chí lỗ kỷ lục.
Tổng cộng mức lỗ của riêng 7 DN này đã lên đến 4.700 tỷ trong một quý, là "bằng chứng thép" cho lời cảnh cáo "thê thảm" do ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát từng tuyên bố với cổ đông trước đó.