Ngày 15/03 đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ hơn của ngành Du lịch khi Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP miễn thị thực cho công dân các nước Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus.
Mặc dù vẫn còn các quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch, tuy nhiên với định hưởng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế của Việt Nam, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn. Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch tuy nhiên có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã đi qua.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.
SSI Research đánh giá ngành Du lịch mở cửa hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp liên quan hoạt động trong lĩnh vực Du lịch, lữ hành; Lưu trú du lịch (khách sạn, resort,..); Vận tải du lịch.
Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Các cổ phiếu được hưởng lợi khi ngành Du lịch mở cửa trở lại
Nhóm Du lịch, lữ hành sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các cổ phiếu đáng chú ý gồm VTD (CTCP Du lịch Vietourist), VNG (CTCP Du lịch Thành thành công), CTC (CTCP Tập đoàn Hoàng kim Tây nguyên), TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh).
Dù vậy, SSI Research cũng lưu ý việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, TCT cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.
Nhóm Lưu trú du lịch sẽ được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi gồm DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).
Nhóm Vận tải du lịch mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. v.v. tuy nhiên, với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao.
Các cổ phiếu hưởng lợi gồm HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet), SKG (Superdong Kiên Giang), SRT (CTCP Vận tải Đường sắt Sài gòn), HRT (CTCP Vận tải Đường sắt Hà nội). Ngoài ra, cổ phiếu đầu ngành của nhóm Dịch vụ hàng không là ACV (Cảng hàng không) cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch.