Biến động của VND so với các đồng tiền chính có xu hướng trái chiều nhau
Những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND đang làm nóng thị trường khi giá USD liên tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá USD trên thị trường tự do cũng ghi nhận tăng mạnh, "vọt" lên gần 24.700 VND/USD.
Xét trong rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền để tính tỷ giá trung tâm USD/VND, gồm USD (đô la Mỹ), THB (Bath Thái), EUR (Euro), CNY (nhân dân tệ), SGD (đôla Singapore), JPY (Yen Nhật), KRW (đồng won Hàn Quốc), TWG (đô la Đài Loan - Trung Quốc), trong vòng hơn 7 tháng đầu năm 2022, USD là đồng tiền duy nhất tăng giá, tăng 2,69%, trong khi các đồng tiền khác đều ghi nhận sự giảm giá so với VND.
Nguồn: Tradingview, tác giả tổng hợp
Bước sang năm 2022, đồng Yên Nhật liên tục bị sụt giảm giá trị không chỉ so với VND mà còn so với các đồng tiền khác. Tỷ giá JPY/VND đã giảm từ 196,7 xuống 169,3 (tương đương với mức giảm lớn nhất gần 14% trong 8 đồng tiền chính).
Thống kê cho thấy, đồng tiền chung của khu vực châu Âu EUR cũng giảm 8,63% so với đầu năm, còn 23.789 VND/EUR (ngày 18/7). Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 11/7 vừa qua, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua và gần như tương đương với đồng USD.
Trong 7 tháng đầu năm, đồng CNY đã giảm 3,42%, từ mức 3589 VND/CNY cuối năm 2021 xuống 3475 VND/CNY tại ngày 18/7/2022.
Nhìn chung, nguyên nhân chính các đồng tiền đều giảm giá so với VND là do VND neo với USD, trong khi USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác. Đồng EUR tiếp tục có xu hướng giảm, thấp nhất trong 20 năm và đã có lúc ngang giá với USD. Đồng Yên Nhật và hàng loạt các đồng tiền lớn khác cũng giáo dịch ở mức thấp kỉ lục. Biến động mạnh mẽ của các đồng tiền đang tạo ra những lo ngại nhất định cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh phải ứng phó với lạm phát.
Biến động tỷ giá và những tác động
Với đặc thù là tiền tệ dự trữ của thế giới, tham gia vào hầu hết các giao dịch quốc tế, việc đồng đô la Mỹ tăng cao đã tác động nhiều mặt đến kinh tế toàn cầu.
Lý giải về diễn biến tăng giá của đồng USD, giới chuyên gia cho rằng, đáng lẽ, tương quan giữa tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng của Việt Nam (2,44%) và con số lạm phát tháng 6 của Mỹ (9,1%) thì đồng VND phải mạnh lên và USD yếu đi, vì quốc gia nào có lạm phát càng cao thì đồng tiền sẽ càng bị mất giá.
Tuy nhiên, thực tế khi lạm phát tăng cao, dự báo Fed sẽ liên tục tăng lãi suất với những bước lớn. Điều này sẽ kích thích dòng tiền đầu cơ toàn cầu quay trở lại nước Mỹ. Vì vậy, USD tiếp tục có động lực tăng giá kéo theo tỷ giá USD/VND tăng theo.
Chia sẻ trong 1 chương trình truyền hình của VTV mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đã chỉ ra một số tác động của việc đồng USD tăng giá trong thời gian qua.
Thứ nhất, tác động nhìn thấy rõ nhất là làm tỷ giá các nước thay đổi, khiến đồng tiền các quốc gia khác yếu đi. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng mạnh cũng tạo ra áp lực lạm phát lớn hơn cho nền kinh tế các nước. Tác động thứ 3 là sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Bởi một mặt lãi suất đồng USD tăng lên, mặt khác khi tỷ giá thay đổi thì các nước sẽ phải bỏ ra nhiều tiền để trả nợ hơn. Tiếp theo, đồng USD tăng giá có thể giúp các nước xuất khẩu sáng Mỹ nhiều được hưởng lợi, trong khi các nước nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ phải chịu thiệt. Cuối cùng theo chuyên gia, tỷ giá biến động có thể làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư. Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam quay trở lại các nước Mỹ và EU.
Cụ thể, Việt Nam nói riêng có thể được hưởng lợi từ việc USD tăng giá. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 56,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 49 tỷ USD. Thặng dư thương mại hàng hóa Việt Nam và Mỹ ngày càng lớn sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ta.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc đồng USD tăng giá có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi song trong bối cảnh nhiều nước đang hạ giá đồng tiền của họ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…việc đồng tiền Việt Nam neo giá cao có thể thiếu sức cạnh tranh vào Mỹ hoặc các thị trường khác.
Trong khi đó, việc các đồng tiền khác như Euro hay yên Nhật cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Nhật Bản. Dù vậy, hoạt động ngoại thương của Việt Nam tại thị phần đồng USD lớn nhất (chiếm khoảng 70%), sau đó mới đến thị trường sử dụng đồng Euro và yên Nhật (5-8%), nên về mặt xuất khẩu bị ảnh hưởng nhưng chưa đáng kể.
Ngoài ra, vấn đề thao túng tiền tệ cũng có thể bị Mỹ suy xét ở các nước có thặng dư thương mại lớn vào nước này, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc cần chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm cân bằng lợi ích và tránh những cú sốc do độ mở của nền kinh tế là rất cần thiết.