Người dân quận Xichen, Bắc Kinh, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hôm 25/1. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, phong toả là một phần của chiến lược “không khoan nhượng” với COVID mà Trung Quốc đã kiên quyết theo đuổi trong nỗ lực “diệt” tận gốc các ca lây nhiễm ngay từ đầu đại dịch. Trước thềm Thế vận hội mùa đông 2022, chiến lược này đang được siết chặt hơn. Tại Bắc Kinh, người dân lo ngại họ có thể phải đối mặt với các đợt phong toả cục bộ diễn ra đột ngột.
Tại cộng đồng dân cư Anzhen cách Làng Thế vận hội khoảng 2 km, nhiều người dân đã được yêu cầu ở trong nhà từ sáng 23/1 cho đến chiều 25/1. Chính quyền địa phương thông báo một tòa nhà vẫn bị phong toả. Dù chưa có thông tin xác nhận số ca nhiễm trong khu vực, nhưng tất cả mọi người đều được yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Giới chức cho biết họ sẽ triển khai đợt xét nghiệm lần thứ 2 vào ngày 27/1 tới. Cư dân phải tiếp tục theo dõi sức khỏe cá nhân trong 2 tuần sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ.
Khi làn sóng dịch bệnh mới tấn công Trung Quốc, nhiều thành phố nhỏ hơn đã bị phong toả. Tuy nhiên, nhưng chính quyền không thể áp đặt lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” toàn Bắc Kinh vì nơi đây sắp đón các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa, cũng như các vận động viên quốc tế đến tham dự Olympic.
Sau khi ghi nhận một số ca nhiễm, giới chức Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm hàng triệu người và áp đặt một số biện pháp phòng dịch mới. Ít nhất 6 khu dân cư đã bị phong toả. Tại quận Phong Đài, khu vực chiếm phần lớn trong tổng số 40 ca nhiễm của thủ đô, giới chức cho biết họ sẽ tiến hành đợt xét nghiệm đại trà thứ 2 đối với 2 triệu cư dân. Một số chuyến tàu và chuyến bay đến Bắc Kinh từ các khu vực có dịch cũng đã phải tạm dừng.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP
Trong động thái mới nhất hôm 24/1, chính quyền thủ đô Bắc Kinh yêu cầu bất kỳ ai mua thuốc hạ sốt, thuốc kháng virus, thuốc trị ho và viêm họng đều phải làm xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ. Những người này sẽ nhận được cảnh báo trên ứng dụng di động mà Trung Quốc yêu cầu kích hoạt trước khi tới các địa điểm công cộng.
Sinh viên đại học Cheryl Zhang cho biết ứng dụng mã y tế đã gửi thông báo yêu cầu cô đi xét nghiệm, dù cô đã đi mua thuốc 4 ngày trước đó. Cô Zhang chia sẻ: “Tôi đã rất hoảng loạn. Nhưng khi tôi đến bệnh viện và thấy các nhân viên y tế đang nỗ lực giữ mọi thứ trật tự, tôi không còn cảm thấy phiền nữa. Vấn đề đã được giải quyết rất nhanh chóng”.
Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ việc mua bán thuốc. Mọi giao dịch mua bán thuốc đều được theo dõi thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh. Ứng dụng này yêu cầu khách hàng nhập thông tin cá nhân khi đến mua thuốc, vật tư y tế hoặc chỉ cần vào hiệu thuốc. Thông thường, để mua các loại thuốc cảm cúm thông thường, hoặc thậm chí là vitamin, người dân phải có đơn của bác sĩ.
Một người bảo vệ đứng gần lối vào Làng Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
Trung Quốc ghi nhận số ca mắc tương đối thấp so với các quốc gia khác trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của chính phủ nước này đối với Thế vận hội sẽ khai mạc vào ngày 4/2 tới.
Ban tổ chức cho biết kể từ ngày 4/1, đã có trên 3.000 vận động viên đến Bắc Kinh tham dự sự kiện thể thao này. Cho đến nay, 78 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các vận động viên, đoàn nhân viên sẽ di chuyển giữa khách sạn và địa điểm thi đấu trong “vòng tròn khép kín”, hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thành phố.
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế Thomas Bach hôm 25/1, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh đã sẵn sàng tổ chức một “Thế vận hội mùa đông đơn giản, an toàn”. Ông cho biết: “Mọi thứ đã sẵn sàng cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sau hơn 6 năm chuẩn bị”.
Chiến lược phòng dịch “không COVID” đã giúp Trung Quốc ngăn chặn các đợt bùng phát lớn. Hôm 25/1, nước này chỉ ghi nhận 18 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 5 trường hợp ở Bắc Kinh. Ông Jin Dong-yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, nhận định các ổ dịch nhỏ hiện tại khó có thể ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa đông. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc nên tập trung xét nghiệm những người có khả năng mắc bệnh, thay vì liên tục xét nghiệm hàng loạt gây lãng phí tài nguyên.
Trở lại khu dân cư Anzhen, đầu bếp Yang Haiping cho biết nhà hàng của ông đã tạm thời đóng cửa vì có nhiều nhân viên phải cách ly. Yang cho biết nhà hàng hiện chỉ phục vụ đồ ăn mang đi và họ sẽ đợi thông báo mới từ Bắc Kinh về những việc cần làm tiếp theo.