Theo ông Mann, sẽ mất vài năm để lạm phát trở lại mức của năm 2019. Ông Mann nhận định lạm phát đã trở thành thách thức lớn khi tăng đột biến và hiện vẫn ở mức rất cao. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo về rủi ro nếu các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn mức cần thiết.
Ngân hàng trung ương một số nước đã tăng lãi suất vào tháng rồi để đối phó với lạm phát cao, trong đó có Mỹ, Anh, Úc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines...
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến nhóm họp trong 2 ngày 13 và 14-12 và tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %. Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng quyết định mức tăng lãi suất tương tự Mỹ trong tuần này.
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng đồ chơi ở TP New York - Mỹ hôm 25-11Ảnh: Reuters
Bà Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Thịnh vượng Úc, nhận định hiện có chút lo lắng về việc lạm phát vẫn ở mức cao trong thời gian dài và điều này thúc đẩy FED tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn dự kiến.
Theo bà Kong, lạm phát cao cũng là mối bận tâm lớn của giới chức ECB trước khi họ bước vào cuộc họp sắp tới. Trong khi đó, bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng nỗ lực hạ nhiệt lạm phát cần thời gian, đồng thời chỉ ra nguy cơ cao nếu các nước không làm gì nhiều để đạt mục tiêu này.
Theo bà Gopinath, nhiều nước đang đối mặt lựa chọn khó về chính sách khi vừa phải siết chặt chính sách tài khóa để đối phó lạm phát vừa đối mặt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Riêng tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tỏ ra lạc quan khi nhận định về tình hình lạm phát nước này trong năm tới. Trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 11-12, bà Yellen cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm và ở mức thấp hơn nhiều vào cuối năm 2023 nếu không có cú sốc bất ngờ nào.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết tăng trưởng kinh tế đang chậm lại đáng kể, sức ép lạm phát đang giảm bớt và bà hy vọng thị trường lao động vẫn "khỏe mạnh". Bà cũng hy vọng tình trạng lạm phát tăng mạnh trong năm nay sẽ không kéo dài và chính phủ Mỹ đã rút ra được nhiều bài học về sự cần thiết phải kiềm chế lạm phát sau khi giá cả leo thang trong những năm 1970.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng chỉ ra rằng nhiều nguyên nhân cơ bản gây lạm phát đang dần được giải quyết. Chẳng hạn như chi phí vận chuyển và tình trạng giao hàng chậm trễ kéo dài đã giảm bớt trong lúc giá xăng cũng giảm mạnh.
Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 10 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên mức tăng hằng năm của CPI xuống dưới 8% kể từ tháng 2-2022, qua đó phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng lạm phát đang tăng chậm lại ở Mỹ.