Càng phát triển thì tỷ lệ sinh càng thấp
Tỷ lệ sinh trên toàn thế giới là khoảng 2,4 trẻ em trên một phụ nữ. Tỷ lệ này chỉ xấp xỉ bằng một nửa so với năm 1950 (4,7). Các quốc gia phát triển như Úc, hầu hết châu Âu và Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển.
Có ba yếu tố chính được chứng minh làm giảm tỷ lệ sinh toàn cầu: tỷ lệ chết trẻ em thấp; phụ nữ được tiếp cận và sử dụng biện pháp tránh thai nhiều hơn; nhiều phụ nữ được giáo dục tốt hơn để tham gia lực lượng lao động nhiều hơn.
Tỷ lệ sinh thấp hơn có thể được coi là điều tốt đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia quá đông dân số.
Tuy nhiên, tỷ lệ thay thế dân số, tỷ lệ sinh cần thiết để duy trì quy mô dân số của xã hội, là 2,1 con/phụ nữ. Các quốc gia có tỷ lệ sinh dưới con số này sẽ bị già hóa và giảm quy mô dân số theo thời gian.
Đài Loan là vùng lãnh thổ có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với 1,218 trẻ em/phụ nữ.
Tỷ lệ sinh ở châu Âu nhìn chung là tương đối thấp, không có quốc gia nào trên 2,0 và ngày càng giảm giảm trong những năm gần đây.
Có một số yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Việc khuyến khích lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ trì hoãn việc sinh con trong các hộ gia đình, làm giảm số lượng trẻ em được sinh ra, thiếu chăm sóc trẻ em và thay đổi vai trò giới.
Tỷ lệ sinh ở Pháp là 1,852, và đã giảm dần trong vài năm qua. Pháp từng được biết đến với tỷ lệ sinh cao nhất ở châu Âu. Nhưng giờ đây, tỷ lệ sinh giảm là một mối lo ngại đối với Pháp. Kể từ đó, họ đã ưu tiên khuyến khích việc có con, chẳng hạn như trợ cấp cho nhà trẻ, giảm giá đặc biệt các hàng hóa dịch vụ hoặc hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình sinh con.
Ở Ý, tỷ lệ sinh giảm đang gây lo ngại, vì hiện tại nó chỉ đang ở mức 1,33. Độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh lần đầu ở Ý là 31 tuổi, cao nhất ở châu Âu. Một lý do lớn khiến phụ nữ ở Ý không muốn có con sớm là vì họ chưa sẵn sàng về tài chính để nuôi con và chính phủ không hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em.
Tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ trung bình cao hơn đã khiến Ý có dân số già hơn đáng kể (tuổi trung bình của người Ý là 45,9 tuổi, cao hơn nhiều so với trung bình 42,8 tuổi của các quốc gia châu Âu).
Đại đa số các quốc gia trên thế giới có tỷ lệ sinh cao nhất đều ở châu Phi. Niger là quốc gia có tỷ lệ sinh đứng đầu danh sách 7,153 trẻ/phụ nữ. Quốc đảo Đông Nam Á Timor-Leste cũng lọt vào top 10, với tỷ lệ sinh là 5,337 trẻ/phụ nữ.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ - có tỷ lệ sinh ở mức thấp hơn. Với 2,303 trẻ em trên một phụ nữ, Ấn Độ đứng ở vị trí 94 trong danh sách, trong khi Trung Quốc thấp hơn nhiều với tỷ lệ sinh giờ chỉ đạt 1,635 trẻ em trên một phụ nữ - hệ quả lâu dài của chính sách một con và tư tưởng trọng nam kinh nữ.
Một số dự báo đáng chú ý (theo Liên Hợp Quốc)
Đến năm 2100, dân số của các nước nghèo nhất thế giới dự báo sẽ tăng gấp ba, từ 954 triệu vào năm 2015 lên 3,2 tỷ người.
Nếu không tính đến tăng dân số cơ học (di dân), thì dân số của Hoa Kỳ, Nhật Bản và tất cả các quốc gia châu Âu đang bị thu hẹp.
Đến năm 2050, 48 quốc gia hoặc khu vực sẽ giảm dân số nghiêm trọng. Một số sẽ giảm tới 15%, bao gồm Nhật Bản, Balkan và Baltics, và một số khác nữa.
Tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 70 vào năm 2015 lên 83 vào năm 2100, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.
Ngoại trừ châu Phi, đến năm 2050, khoảng một phần tư dân số thế giới sẽ trên 60 tuổi, và tăng lên khoảng 3,2 tỷ trong năm 2100.
Đến năm 2080, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 29,1% dân số toàn cầu - và 12,7% dân số toàn câu là trên 80 tuổi.
Đáng lo ngại nhất là thế giới sẽ không có đủ người trong độ tuổi lao động để hỗ trợ người già. Hiện tại, Bắc Mỹ chỉ có dưới 4 công nhân trên mỗi người nghỉ hưu. Nhật Bản thì chỉ có hơn 2 người lao động trên 1 người nghỉ hưu.
Vào năm 2050, 2 quốc gia châu Á, 24 quốc gia châu Âu và 4 quốc gia châu Mỹ Latinh sẽ giảm xuống còn dưới 2 công nhân trên mỗi người nghỉ hưu, điều này có nghĩa là gánh nặng tài chính sẽ ngày càng gia tăng.