Các công ty công nghệ đang chuyển mình từ kỷ nguyên tích lũy lợi nhuận sang kỷ nguyên tái đầu tư.
Trong đó, dẫn đầu cơn địa chấn này là Amazon. Quay lại năm 1998, CEO của Amazon Jeff Bezos lại có một thông điệp hoàn toàn khác. Ông nói với các cổ đông của mình rằng mô hình kinh doanh của Amazon "chuộng tiền mặt và chú trọng đến hiệu suất sử dụng vốn".
Kiểu kinh doanh ít dụng vốn này cũng rất phổ biến ở Trung Quốc cho đến thời gian gần đây. Cuối năm 2017, giá trị thị trường của Alibaba gần bằng tổng giá trị thị trường của 700 công ty công nghiệp lớn nhất Trung Quốc, nhưng lại chỉ nắm trong tay lượng tài sản chỉ bằng 12% các công ty này. Giới đầu tư đã rất hài lòng với khả năng sinh lời từ nguồn vốn hạn chế của các công ty công nghệ.
Thế nhưng, trong hai năm trở lại đây, rõ ràng là các công ty công nghệ đã không còn dè sẻn như trước nữa. Chi tiêu vốn của Amazon đạt 25 tỷ USD năm 2017, qua đó xếp thứ tư trong số những công ty "chịu chi" nhất thế giới, trên cả Gazprom, "gã khổng lồ" trong ngành năng lượng của Nga với 172.000 km đường ống dẫn khí.
Nếu tính cả khoản chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và sáng tạo nội dung, tổng vốn đầu tư của 10 công ty công nghệ lớn nhất ở Mỹ và Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong 5 năm qua lên 160 tỷ USD, và con số này còn lên đến 215 tỷ USD nếu tính cả hoạt động mua bán và sáp nhập, cũng như lượng cổ phần và các công ty này mua ở những công ty nhỏ hơn.
Và không chỉ có những "ông lớn", mà cả những cái tên khiêm tốn hơn cũng không nằm ngoài xu hướng này. Xiaomi, một công ty điện thoại thông minh của Trung Quốc, đã chi 2 tỷ USD trong 3 năm qua. WeWork, một ứng dụng thuê văn phòng cũng đã đầu tư 1 tỷ USD vào các tài sản hữu hình trong năm 2017. Ở Mỹ, nếu tính tất cả các công ty, cả công và tư, thì các công ty công nghệ ước tính chiếm đến 20% tổng đầu tư trên toàn nền kinh tế và ít nhất là 50% trong tăng trưởng đầu tư tuyệt đối.
Có bốn nguyên nhân đằng sau sự bùng nổ này. Đầu tiên, các công ty công nghệ đang là "lính đánh thuê" trong nhiều hoạt động cho các công ty khác. Thay vì xây dựng các trung tâm dữ liệu, các công ty không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sẽ thuê của các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ điện toán đám mây như Amazon Web Services (AWS) và Microsoft, còn ở Trung Quốc là từ Alibaba và Tencent. AWS đang đầu tư 9 tỷ USD/năm, tương đương với con số của General Motors.
Thứ hai, ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo đang ngày càng mờ đi. Người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm cả tại các cửa hàng truyền thống lẫn các trang bán hàng trực tuyến, vì thế các công ty công nghệ ở đây cũng đang xây dựng cho mình các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Alibaba có một chuỗi bán lẻ có tên gọi Hema, còn Amazon thì đã thâu tóm Whole Foods hồi năm ngoái.
Xu hướng thứ ba là các công ty công nghệ đang tìm đường tiếp cận với công nghệ và dữ liệu. Năm 2016, Microsoft đã mua lại LinkedIn với giá 24 tỷ USD. Còn các công ty Trung Quốc thì ám ảnh với việc mua cổ phần không nắm quyền kiểm soát ở các công ty khởi nghiệp (startup). Alibaba và Tencent đã chi đến 21 tỷ USD trong 5 năm qua cho những dự án đầu tư kiểu này, qua đó trở thành những cái tên nổi trội trên bản đồ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Lý do khả dĩ cuối cùng cho sự bùng nổ trong hoạt động đầu tư của các công ty công nghệ đơn giản chỉ là sự vô kỷ luật, trong đó, một dấu hiệu đáng báo động là một loạt các hoạt động chi tiêu phóng túng vào bất động sản. Các trụ sở mới của Apple ở California được cho là đã "ngốn" đến 5 tỷ USD của "đại gia" này.
Đối với giới đầu tư, trọng tâm của các công ty công nghệ là một vấn đề đau đầu. Các công ty có thể sinh lời tốt từ lượng vốn hạn chế rất có giá trị. Và họ sẽ còn đáng giá hơn nữa nếu có thể tái đầu tư lợi nhuận với hiệu suất sinh lời cao. Nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ các công ty công nghệ có thể đánh mất trọng tâm. Giờ đây mỗi 1 USD tài sản cố định của 10 công ty công nghệ lớn nhất Mỹ và Trung Quốc nói trên chỉ tạo ra được 5 USD doanh thu, chỉ bằng một nửa so với 10 năm trước.
Các công ty công nghệ càng trở nền đa dạng thì lơi nhuận mà họ kiếm được càng trở nên tầm thường. So với những "ông lớn" lâu nay có tiếng chịu chi như Shell và Intel vốn là những chuyên gia trong việc phân bổ vốn thì Facebook dường như chỉ là một "kẻ tay mơ". Vốn đầu tư hàng năm của Facebook (kể cả R&D) đã tăng từ 3 tỷ USD lên 14 tỷ USD chỉ trong vòng 5 năm. Và nhìn vào cái cách mà Facebook quản lý bảo mật khách hàng, đủ biết đằng sau đó là sự cẩu thả trong đầu tư.
Trong dài hạn, các "ông lớn" công nghệ tái đầu tư càng nhiều thì họ càng to lớn hơn, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề độc quyền. Trong ngắn hạn, "bong bóng" trong hoạt động đầu tư của các công ty công nghệ có thể vỡ, và một sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu vốn của các công ty này có thể khiến nền kinh tế bị tổn thương sâu sắc hơn cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Công nghệ đã chứng minh được sức tác động của mình đối với hoạt động chính trị và cả nhịp điệu của thị trường chứng khoán. Và giờ đây có lẽ tầm ảnh hưởng của nó còn lan sang cả hoạt động đầu tư.