Douglas Wakefield, 76 tuổi, là một người khiếm thị sành công nghệ. Bên tách cà phê buổi sáng, ông lắng nghe các tin tức mới nhất và cả thưởng thức những cuốn sách ưa thích được đọc to từ chiếc smartphone của mình. Chỉ cần cài ứng dụng Seeing AI vào điện thoại giúp scan các mặt hàng trong hiệu tạp hóa và thậm chí còn cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng chúng, ông có thể dễ dàng tự mình đi mua sắm thay vì cần người trợ giúp như trước.
"Trước đây bạn bỏ ra 500 bảng để mua 1 chiếc máy tính nhưng phải trả thêm 600 bảng cho phần mềm chuyên biệt", Robin Spinks – giám đốc chiến lược của RNIB Solutions, một quỹ từ thiện tập trung vào những người khiếm thị và người có khả năng nhìn bị hạn chế ở Anh chuyên tư vấn cho các công ty công nghệ – nhớ lại.
Giờ đây đó đã là câu chuyện của quá khứ, vì các công ty đang ngày càng chú ý đến việc tích hợp các tính năng hỗ trợ người khuyết tật vào sản phẩm của mình.
Ứng dụng miễn phí giúp người khiếm thị chơi guitar
Tháng trước, công ty Điện tử Samsung Brazil đã công bố ra mắt Samsung Audio Acordes (Chords), một ứng dụng miễn phí dạy người khiếm thị chơi guitar một cách thông minh và thiết thực. Sáng kiến này là một phần của Samsung Social, một dự án của Công ty Điện tử Samsung Brazil hướng đến sử dụng công nghệ để khai thác tiềm năng của con người và thúc đẩy họ Kiến Tạo Điều Không Thể.
Với hệ thống giọng nói tích hợp, Samsung Audio Acordes đóng vai trò hỗ trợ cho người khiếm thị học chơi guitar. Ứng dụng này cung cấp cho người mới bắt đầu một từ điển âm thanh dạy họ cách chơi các hợp âm cũng như hướng dẫn người dùng bấm các chuỗi hợp âm theo trình tự của bài hát.
Điều này đặc biệt hữu ích vì ứng dụng này giúp loại bỏ một số rào cản như yêu cầu cần phải biết cách đọc chữ nổi, vốn chỉ có 10% người khiếm thị tại Brazil hiểu được. Người dùng cũng không cần phải ngừng chơi nửa chừng, buông cây đàn ra để lướt đọc bản nhạc.
Andrea Mello, Giám đốc Tiếp thị Doanh nghiệp tại Công ty Điện tử Samsung Brazil cho biết: "Samsung tin vào tiềm năng của con người và sức mạnh biến đổi của âm nhạc cũng công nghệ đã tạo ra Samsung Audio Chords. Ứng dụng này là một phần trong nỗ lực của công ty để cung cấp cho người khiếm thị cơ hội theo đuổi ước mơ học chơi đàn ghi-ta của họ. Nó được thiết kế để cung cấp hỗ trợ và khả năng tiếp cận toàn diện, ngay cả đối với những người chỉ mới bắt đầu học các hợp âm cơ bản".
Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khuyết tật
Một ông lớn công nghệ khác là Microsoft cũng muốn tạo ra các ứng dụng tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để giúp đỡ người khuyết tật. Tháng 7 vừa qua, công ty vừa cho ra mắt sáng kiến AI for Accessibility Initiative, cam kết trong 5 năm tới sẽ đầu tư 25 triệu USD để phát triển các công nghệ giúp người khuyết tật có thể làm việc, kết nối xã hội và tham gia đầy đủ vào cuộc sống hiện đại.
Ví dụ, tháng 3/2016, hãng đã chính thức cho ra mắt ứng dụng Seeing AI có thể giúp ích rất nhiều cho những người mù. Ứng dụng rất đơn giản để sử dụng khi chỉ yêu cầu người dùng cầm camera lên và hướng vào đối tượng mà họ quan tâm.
Ứng dụng sẽ phản hồi bằng nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào những gì mà máy ảnh đang nhìn thấy, chẳng hạn như xác định khuôn mặt của những người bạn đang đi cùng, nói cho bạn biết tuổi của ai đó, cảm xúc của họ ra sao… Seeing AI cũng có thể giúp người khiếm thị đọc các tài liệu văn bản mà họ nhận được.
Theo như CEO Satya Nadella của Microsoft chia sẻ, "những công nghệ mới mẻ như trí thông minh nhân tạo không chỉ đem đến cho Microsoft những cơ hội sáng tạo vô biên mà còn đem đến cả trách nhiệm làm sao đảm bảo rằng tất cả các công nghệ mà hãng xây dựng đều là đáng tin cậy và có lợi cho tất cả mọi người".
Đây cũng là quan điểm của Eve Andersson – người đứng đầu nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cho người tiếp cận của Google. Dưới sự lãnh đạo của cô, Google đã phát triển hệ điều hành Android hoàn toàn có thể được điều khiển chỉ bằng giọng nói, trang bị cho Android khả năng theo dõi "hành vi mắt của người dùng" và cho ra mắt Google Impact Challenge, quỹ đầu tư 20 triệu USD tập trung vào các ý tưởng tạo dựng một thế giới dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật.
Nhờ thuật toán Knowledge Graph và công nghệ máy học (machine learning) – những công nghệ được Google sử dụng để cho phép bạn tìm kiếm hình ảnh bằng cách mô tả nó, Google giờ đã có thể miêu tả các hình ảnh trong 1 video theo thời gian thực. Đó chính là cách để giúp 1 người khiếm thị đeo kính Google Glass có thể cập nhật mọi thứ đang diễn ra xung quanh họ chính xác theo thời gian thực.
Tháng 12 năm ngoái, Google thêm tính năng xem lối vào dành cho xe lăn tới Maps. Đây là một tính năng đã được trông đợi từ rất lâu và được chào đón nhiệt liệt bởi hơn 3 triệu người sử dụng xe lăn trên khắp nước Mỹ. Báo cáo an toàn mới nhất của Waymo, bộ phận xe tự lái của Google, bao gồm một phần về việc phát triển các tính năng như nhãn chữ nổi và tín hiệu âm thanh.
Công nghệ cho người khuyết tật – thị trường đầy tiềm năng
Ngoài khía cạnh đạo đức và tính nhân văn, phát triển công nghệ cho người khuyết tật còn đem lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế: trên thế giới có khoảng 285 triệu người bị hạn chế về tầm nhìn, trong số 1 tỷ người khuyết tật. Và khi tuổi thọ của con người ngày càng tăng đi kèm với những hạn chế về khả năng vận động, thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Các công ty không quên rằng để có thể mở rộng tệp khách hàng, điều quan trọng là họ phải làm ra những sản phẩm mà ai cũng có thể sử dụng.
Hơn nữa, lịch sử đã cho thấy không ít trường hợp các công nghệ ban đầu chỉ được thiết kế riêng cho người khuyết tật nhưng sau này đã được sử dụng rộng rãi vì tính tiện dụng. Ví dụ, công nghệ theo dõi chuyển động mắt để điều khiển bàn phím máy tính ban đầu chỉ phục vụ những người mắc bệnh về neurone vận động nhưng sau này đã trở thành một cuộc cách mạng và thúc đẩy nhiều công nghệ đột phá khác.
Ra đời từ những năm 1970, công nghệ teletext (truyền tin dưới dạng văn bản thông qua kênh truyền hình thông thường) hiện nay được sử dụng rộng rãi nhưng ban đầu nó nhắm đến những người khiếm thính muốn nhìn thấy phụ đề khi đang xem truyền hình.