Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu của Cushman & Wakefield Việt Nam. Theo đơn vị này tác động của COVID-19 đặc biệt có thể nhìn thấy qua lĩnh vực dịch vụ, ngành nghề đang chiếm 42% GDP Việt Nam. Chỉ thị của Chính phủ đã tạm dừng mọi hoạt động du lịch và nhập cảnh vào Việt Nam.
Công suất của ngành khách sạn đã giảm từ hơn 70% ở đầu năm xuống mức thấp kỷ lục là 9,5%. Ngành sản xuất (hiện đang chiếm 16% GDP) phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng đã giảm đi một cách đáng kể.
Bất chấp thời điểm thử thách này, Việt Nam đang có cơ hội tốt để biến lĩnh vực bất động sản thành động lực tăng trưởng. Các Bộ, ngành sẽ cần giải quyết các vấn đề cơ cấu chính cho thị trường bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để cải thiện khung pháp lý và rót một lượng tiền mặt cần thiết vào các khu vực ngân hàng và cho vay tư nhân trên các thị trường vốn.
Bằng cách giải quyết các vấn đề cố hữu đang kiềm chế sự phát triển của nguồn cung bất động sản, nhà nước có thể hỗ trợ hợp lý hóa một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng và yếu tố hàng đầu là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đó, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này là cần chấm dứt bất ổn xung quanh việc xem xét giá chuyển nhượng đất hiện nay. Ngoài ra, việc xem xét các mức giá dự án đã được trả bởi các nhà phát triển bất động sản cần được đẩy nhanh và đưa ra khung pháp lý rõ ràng để giải quyết. Quá trình xem xét phải trải qua nhiều cấp, nhiều bộ phận đã gây cản trở cho sự phát triển, ảnh hưởng đến thị trường thương mại và tạo ra những hạn chế về nguồn cung trên một thị trường đang lớn mạnh với nguồn cầu cao.
Các chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nút thắt quan trọng khác là thiếu cơ sở hạ tầng làm cản trở thị trường bất động sản. Trong trường hợp các tỉnh, thành phía Nam, việc hoàn thành các đường vành đai bên trong và bên ngoài, kết nối các cảng và khu công nghiệp bằng các đoàn tàu chở hàng, và phát triển các nút giao thông nhanh chóng sẽ hỗ trợ cho việc sử dụng hiệu quả và thành công vốn đầu tư.
Ví dụ điển hình là các dự án PPP thành công tại Quảng Ninh, nơi Tập đoàn Sun Group đã cho xây dựng sân bay, bến du thuyền và đường cao tốc chất lượng cao. Mô hình tương tự có thể được áp dụng cho các nút giao thông công cộng bằng việc đầu tư vào các giải pháp vận chuyển liên hợp hiệu quả, bao gồm đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt và cải thiện đường đi vào nội thành.
Mô hình này sẽ giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng đang cản trở sự phát triển và đầu tư vào nhiều loại hình bất động sản.
"Chúng ta có thể đang tiến tới một sự suy giảm có hệ thống của các nền kinh tế thế giới chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua. Nếu giải quyết không đúng cách, các chuyên gia cảnh báo rằng đại dịch có thể gây ra một sự ảnh hưởng giống như cuộc Đại khủng hoảng trong những năm 1920. Đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, bất động sản cần thúc đẩy tăng trưởng đất nước và phục hồi viện trợ trong trường hợp suy thoái kinh tế" báo cáo nghiên cứu của Cushman & Wakefield, cho biết thêm.
Theo đó, sự tăng trưởng này phụ thuộc vào nguồn vốn FDI trong các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và cơ sở hạ tầng. Việc cho phép các chủ sở hữu tài sản sử dụng các tòa nhà làm tài sản đảm bảo cho các dòng tín dụng tư nhân, kích thích thị trường trong nước đối với các công ty và nhà sản xuất, và mở rộng hoạt động sẽ đặt tiền vào túi của người dân theo hình thức tiền công.
Cushman & Wakefield nhấtn mạnh rằng Việt Nam có thể tháo gỡ nhanh chóng các nút thắt này, từ đó tăng niềm tin của nhà đầu tư và giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh nền kinh tế. Chính phủ có thể giải quyết một vài trong số những vấn đề này để nâng cao uy tín trên thế giới là một nhà nước có khả năng thích ứng với một thế giới luôn biến đổi.