Nguyễn Khôi – Nhà sáng lập WeFit
Nguyễn Khôi (sinh năm 1991) từng học ngành Kỹ thuật máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ). Khôi đã làm việc cho Microsoft một thời gian trước khi về Việt Nam khởi nghiệp.
Khôi thành lập WeFit vào tháng 9/2016, mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness tại Việt Nam. Trong giới startup Việt Nam, Nguyễn Khôi với ứng dụng WeFit được xem như người tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình). WeFit được coi như Uber trong lĩnh vực Fitness, kết nối người có mong muốn luyện tập sức khoẻ với với hàng trăm phòng tập fitness gym, yoga, dancing... tại Hà Nội và TP. HCM.
Khôi Nguyễn - Forbes 30 Under 30 Việt Nam năm 2018
Năm 2017, WeFit được tạp chí DealstreetAsia đánh giá là một trong những "startup đáng chú ý nhất năm". Đầu năm 2018, Nguyễn Khôi và Wefit được Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách "30 Under 30". Ngoài ra, Khôi còn từng lọt top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; top 3 CEO tiềm năng năm 2016 tại chương trình Startup Festival do VTV tổ chức; top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, "bão tố" đến với WeFit khi nhiều phòng tập đối tác tố WeFit nợ đọng hàng trăm triệu đồng, khách hàng cũng phàn nàn cả tháng trời không xài được dịch vụ do các spa và phòng tập hủy liên kết.
Sau đó, WeFit phải đổi tên thành WeWow, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng thay Nguyễn Khôi giữ chức Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không thể giúp WeWow lật ngược thế cờ. Đến 11/5/2020, Công ty cổ phần công nghệ Onaclover - WeWow gửi thư xin lỗi khách hàng, thông báo dừng hoạt động do cạn kiệt vốn. WeWow cũng cho biết đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần công nghệ Onaclover tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội theo các quy định của pháp luật.
Nguyễn Khôi từng là gương mặt nổi bật và thường xuyên chia sẻ quan điểm kinh doanh, startup. Nhưng sau thất bại của WeFit, nhân vật này không còn xuất hiện trước truyền thông.
Bộ đôi Jesse Khánh Trần và Sơn Chu – nhà sáng lập Rens Original
Công chúng từng rất lấy làm tự hào khi bộ đôi nhà sáng lập thương hiệu giày Rens Original Khánh Trần – Sơn Chu xuất hiện trong danh sách Forbes 30 Under 30 của châu Âu. Cả hai đều từng là du học sinh Phần Lan, cùng nhau thành lập nên Rens Original - dự án startup với những đôi giày làm từ bã cà phê và thu về nửa triệu đô la tiền đầu tư trên Kickstarter. Con số này đã giúp Rens Original trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu.
Jesse Khánh Trần (trái) và Sơn Chu (phải) - Forbes 30 Under 30 châu Âu
Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, dư luận trong nước xôn xao khi Rens Original bị tố bóc lột, chèn ép nhân viên và lợi dụng sức lao động của sinh viên Việt ở Phần Lan. Cụ thể, một du học sinh đã đăng đàn trên LinkedIn, chia sẻ về việc bị công ty này huỷ ngang offer vô căn cứ, làm việc thiếu chuyên nghiệp. Một số người dùng MXH khác để lại bình luận, chỉ ra những mánh khoé bị cho là bóc lột du học sinh Việt Nam của Rens Original.
Vài ngày sau, Jesse Khánh Trần - CEO của Rens Original đã đăng video xin lỗi trực tiếp. Trong video, anh gọi đây là một sự việc rất đáng tiếc và ngu ngốc của Rens Original.
"Tôi cũng xin lỗi toàn thể cộng đồng người Việt ở Phần Lan vì đã làm các bạn rất thất vọng. Mình luôn tự hào khi là người Việt Nam dù ở Phần Lan hay ở bất cứ đâu, mình chưa bao giờ look down (tạm dịch: Coi thường) những người Việt khác. Chưa hề có việc đó", Khánh Trần nói.
Bài tố Rens Original trên LinkedIn
Tuy nhiên, điều đáng nói là video xin lỗi này chỉ được đăng ở trạng thái không công khai trên một kênh YouTube cá nhân, được Khánh Trần đính kèm trong bình luận xin lỗi, dưới post của người tố. Hành động này tiếp tục vấp phải sự phẫn nộ của các startup cũng như cộng đồng người Việt ở Phần Lan.
Ngô Hoàng Anh – trưởng nhóm nghiên cứu chuyên gia công nghệ dự báo Covid
Gương mặt Forbes 30 Under 30 mới nhất vướng phải bê bối nghiêm trọng là Ngô Hoàng Anh - trưởng đơn vị nhóm chuyên gia công nghệ thông tin dự báo phòng chống dịch Covid-19. Hoàng Anh năm nay mới 22 tuổi – người trẻ nhất trong danh sách Forbes Under 30 Việt Nam năm 2022.
Hoàng Anh từng là du học sinh trường Đại học École Polytechnique (Pháp). 2 năm trước, khi trường đại học tạm đóng cửa vì đại dịch Covid-19, Ngô Hoàng Anh trở về Việt Nam và tham gia nhóm chuyên gia công nghệ thông tin phòng chống dịch COVID-19 của bộ Y tế. Ngô Hoàng Anh trở thành trưởng nhóm của một team nghiên cứu xây dựng nên mô hình dự báo COVID-19 riêng cho Việt Nam mang tên SEIQHCDRO.
Được biết, mô hình này đã được ứng dụng để dự báo cho hai đợt dịch lớn tại Hải Dương, Bắc Giang và kiểm tra chéo với đợt dịch tại Đà Nẵng với sai số dưới 5%. Ngô Hoàng Anh cùng cộng sự cũng mang mô hình của mình đi trình bày tại hội nghị Bệnh phổi Thế giới The Union lần thứ 52 và hội nghị khoa học Bệnh phổi Quốc gia lần thứ 8 năm 2021.
Tuy nhiên, thông tin tố Ngô Hoàng Anh quấy rồi tình dục nhiều nữ sinh trung học nổ ra chỉ một ngày sau khi Hoàng Anh được vinh danh trên Forbes, khiến công chúng cực kỳ bất ngờ.
Ảnh chụp màn hình tin nhắn của Ngô Hoàng Anh với nữ sinh trung học
Kim Anh (21 tuổi), đang học tại London (Anh) xác nhận với chúng tôi người bị tố trong bài viết cảnh báo về tình trạng quấy rối tình dục mà cô đã chia sẻ hồi tháng 2/2020 chính là Ngô Hoàng Anh. Kim Anh và Nhi cho biết là nạn nhân bị Ngô Hoàng Anh quấy rối tình dục khi chưa đủ 18 tuổi.
Nắm giữ các chứng cứ tin nhắn qua lại, Kim Anh cho biết, Ngô Hoàng Anh nhắn tin đề cập tới sex với cô từ năm 2018, khi Kim Anh mới 17 tuổi. Cậu thường xuyên sử dụng những từ ngữ khiếm như "Ch*ch", "xo*c" để nói chuyện với các nữ sinh. Thậm chí, Kim Anh cho biết năm 2020, Ngô Hoàng Anh còn đề nghị nữ sinh này gọi điện, cởi đồ trong khi bạn trai của em đi vắng.
Hiện tại, chúng tôi đã liên hệ với Ngô Hoàng Anh và phía Forbes Việt Nam. Ngô Hoàng Anh vẫn chưa phản hồi, dù đã chắc chắn nhận được câu hỏi từ chúng tôi. Phía Forbes Việt Nam cho biết đã nhận được thông tin và đang tiến hành xác minh sự việc.