Vừa qua, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.
Mục tiêu là đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không dân dụng Việt Nam và khu vực cũng như góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay.
Tập đoàn Vingroup mở trường đào tạo phi công. (Ảnh: Hanoinews)
Vingroup cho biết đã ký kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới - thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam. Theo đó, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA từ hệ thống đào tạo của Vingroup.
Việc Vingroup mở trường đào tạo phi công chuẩn quốc tế diễn ra trong bối cảnh thị trường còn rất tiềm năng. Sức hấp dẫn của thị trường hàng không khiến nhiều "đại gia Việt" nóng lòng muốn xếp hàng chờ bay.
Trước đó, trả lời VTC News, một lãnh đạo Vingroup cho hay Tập đoàn sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp hàng không. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể liên quan đến việc thành lập hãng bay cũng như chiến lược phát triển Vingroup sẽ công bố sau.
Việc góp mặt của Vingroup khiến thị trường hàng không Việt Nam thêm sôi động, với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới.
Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh
Gần đây nhất, ngày 13/6, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, đã đứng ra thành lập Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group. (Ảnh: VietnamFinance)
Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đăng ký 7 ngành, nghề, trong đó có vận tải hành khách hàng không, vận tải hàng hóa hàng không, cho thuê máy bay...
Công ty hàng không mới có trụ sở chính đặt tại số 187 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hãng có 3 cổ đông góp vốn chính, trong đó ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng, tương đương 60% vốn; Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ đồng, chiếm 30%; và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỷ đồng, tương đương 10%.
Vietstar Airlines 3 năm chờ bay
Hàng không ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).
Vietstar Airlines đang chờ để được cất cánh. (Ảnh: Zing)
Vietstar Airlines được thành lập vào giữa năm 2016 với mức vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện Vietstar Airlines vẫn chưa thể cất cánh. Điểm vướng của Vietstar Airlines là chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ". Trong khi đó, nhà ga T3 mới chưa được xây dựng.
Vietravel Airlines dự kiến bay 1/1/2020
Vietravel Airlines dự kiến bay vào ngày 1/1/2020. (Ảnh: VietnamFinance)
Chiều 11/6/2019, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Vietravel đã trình hồ sơ thành lập Hãng hàng không Lữ hành du lịch Việt Nam - Vietravel Airlines với mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, 100% vốn của Vietravel. Vietravel Airlines thành lập năm 2018 và đã có những bước khởi động để kịp bay chuyến đầu tiên dự kiến vào ngày 1/1/2020. Ngoài việc chọn cảng hàng không Phú Bài làm "căn cứ", hãng hàng không lữ hành du lịch Việt Nam này còn liên kết với nước ngoài để mở trường đào tạo tiếp viên hàng không, đội ngũ phục vụ mặt đất...
Hiện, thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng hàng không cạnh tranh gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific Airlines, Vasco Airlines. Trong đó, Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC là hãng bay trẻ nhất.
Tập đoàn FLC thành lập Bamboo Airways năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, sau đó FLC đã tăng vốn điều lệ lên thành 1.300 tỷ đồng. Sáng 16/1/2019, hãng hàng không Bamboo Airways đã khai trương chuyến bay đầu tiên trên từ Sài Gòn đi Hà Nội, trở thành hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam có khai thác thường lệ đi vào hoạt động.