Báo cáo "Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020" cho biết, gần như tất cả các hộ gia đình hiện nay đều có đồ dùng lâu bền để phục vụ cho đời sống (99,9%), chỉ còn rất hiếm (0,1%) một số ít hộ gia đình không có đồ dùng lâu bền. Điều đáng chú ý là tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua chỉ có 34,4%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (tỷ lệ này cao nhất vào năm 2010 là 48,4%) cho thấy trong năm 2020 nhiều hộ gia đình đã thắt chặt chi tiêu, hạn chế việc mua sắm.
Ở cả khu vực thành thị - nông thôn, tất cả các vùng kinh tế và 5 nhóm thu nhập đều có tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền giảm nhưng trị giá đồ dùng lâu bền mua mới bình quân một hộ có mua trong 12 tháng qua vẫn có sự gia tăng đáng kể.
Trong giai đoạn 2010-2020, số lượng đồ dùng lâu bền trên 100 hộ gia đình có xu hướng tăng mạnh ở các loại đồ dùng phục vụ nhu cầu đi lại (ô tô, xe máy), nhu cầu liên lạc, giải trí (điện thoại) và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống (máy điều hòa nhiệt độ, bình tắm nước nóng), đồ dùng hỗ trợ việc nhà (tủ lạnh, máy giặt) và giảm mạnh ở các loại đồ dùng đã trở nên lạc hậu về công nghệ (đầu video, dàn nghe nhạc). Tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền chủ yếu cũng có chung xu hướng như trên.
Nhìn sâu hơn vào dữ liệu liên quan đến đồ dùng lâu bền, báo cáo có các dữ liệu thống kê liên quan đến tỷ lệ sở hữu ô tô của các hộ gia đình phân theo ngành sản xuất kinh doanh chính của hộ.
Trong giai đoạn 2010-2020, sở hữu ô tô ở tất cả các ngành đều có xu hướng tăng theo thời gian (ngành lâm nghiệp không có số liệu năm 2010 và 2014).
Xét riêng năm 2020, dữ liệu cho thấy, các hộ gia đình trong ngành dịch vụ khác có số ô tô tính trên 100 hộ cao nhất trong số các nhóm ngành. Cứ 100 hộ trong ngành này thì có 9,9 chiếc ô tô. Ngược lại, các hộ nông nghiệp có số ô tô trên 100 hộ thấp nhất. 100 hộ làm nông nghiệp mới có 1 chiếc ô tô duy nhất.
Xét theo địa phương, kết quả điều tra trước đó theo Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe hơi. Trong đó, vùng thành thị có 9,5% hộ có xe hơi, trong khi con số này ở vùng nông thôn chỉ là 3,6%.
Nếu tính chung cả thành thị và nông thôn thì các tỉnh thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi cao nhất là Hà Nội (12%), Đà Nẵng (10,7%), Thái Nguyên (10,3%), Quảng Ninh (9,7%) và Vĩnh Phúc (9,5%).
Tuy nhiên, nếu tính riêng vùng thành thị ở các tỉnh, thì khu vực thành thị ở Lào Cai mới là nơi có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi lớn nhất cả nước với tỷ lệ 19,3%. Sau đó là thành thị ở Bắc Giang (19,2%), Thái Nguyên (18,1%), Lạng Sơn (17,7%).
Đáng chú ý, tỷ lệ này sở hữu xe hơi ở đầu tàu kinh tế TP. HCM chỉ là 6,7%, nằm ngoài top 10. Thậm chí, tỷ lệ sở hữu xe hơi ở khu vực thành thị của TP. HCM (7,1%) còn thấp hơn vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc (7,2%).